Cuộc đua sắm tàu ngầm tấn công trên thế giới

20/09/2016 15:06:00

Từng là loại vũ khí bị lãng quên sau Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm tấn công đang "trỗi dậy" trở thành vũ khí chiến lược đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Từng là loại vũ khí bị lãng quên sau Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm tấn công đang "trỗi dậy" trở thành vũ khí chiến lược đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Lý giải về cuộc chạy đua này, nhà nghiên cứu Bryan Clark (Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, Washington) nói các quốc gia đều nhận ra ngay cả tàu mặt nước tối tân nhất cũng không hoàn toàn tránh được những tên lửa chống hạm.

"Do vậy, họ đua nhau phát triển năng lực tấn công từ dưới nước, song song đó là những hoạt động phòng thủ", ông Clark nói với AFP.

Cuoc dua sam tau ngam tan cong tren the gioi hinh anh 1
Tàu ngầm USS Florida của Mỹ. Ảnh: US Navy.

Mua tàu ngầm đề phòng Trung Quốc

Cuộc chạy đua mua sắm tàu ngầm tỏ ra quyết liệt hơn ở châu Á, xuất phát từ lo ngại do việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự nhanh chóng.

Trung Quốc đã thiết lập chuỗi năng lực phòng thủ trên biển và hệ thống phòng không tinh vi để ngăn chặn đối phương tiếp cận các bờ biển nước này. Bắc Kinh cũng nỗ lực xây dựng hạm đội tàu ngầm tấn công, và hiện có 50 tàu chạy bằng diesel và 5 tàu hạt nhân.

Ở một số nước khác, Australia đã ký hợp đồng trong năm nay để mua 12 tàu tấn công Barracuda phi hạt nhân của Pháp. Nhật Bản dự định tăng hạm đội từ 18 lên 22 tàu ngầm chạy diesel vào năm 2018. Việt Nam cũng đã tiếp nhận tàu ngầm kilo thứ 5 từ Nga.

Cuoc dua sam tau ngam tan cong tren the gioi hinh anh 2
Tàu ngầm Rostov-on-Don chạy bằng điện-diesel của Nga. 

Hải quân Mỹ không thể bỏ qua những diễn biến này, cũng không chủ quan dù đã là cường quốc về sức mạnh quân sự trên biển. Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nhiều lần cảnh báo về việc xây dựng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Qua đó, ông Harris nói Mỹ cần tăng cường số lượng tàu ngầm tấn công trong khu vực.

Trong diễn biến khác, tướng Philip Breedlove, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, thì lo ngại về kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.

Tấn công và thu thập tình báo

Ngoài năng lực tấn công, các tàu ngầm cũng là những căn cứ để thu thập tình báo, xây dựng dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí quan sát những diễn biến trên mặt đất. Điển hình như Mỹ đang sử dụng tàu ngầm để quan sát tình hình ở Triều Tiên...

Trong thời chiến, các tàu ngầm có thể gây tê liệt cho toàn bộ hạm đội của đối thủ. Nếu chúng được trang bị tên lửa hành trình thì thậm chí có thể phát động tấn công vào những mục tiêu trên đất liền. Hồi năm 2011, tàu ngầm USS Florida đã phóng 90 tên lửa Tomahawk và tiêu diệt hệ thống phòng không của Lybia, mở đầu chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi.

Cuoc dua sam tau ngam tan cong tren the gioi hinh anh 3
Tàu ngầm USS North Dakota của Mỹ. Ảnh: US Navy.

Gần đây nhất, quân đội Nga khi tham chiến ở Syria hồi tháng 12/2015 đã triển khai tàu ngầm đến vùng Địa Trung Hải, rồi phóng tên lửa nhằm vào các mục tiêu không kích.

Trước cơn cuồng nhiệt với tàu ngầm từ các nước, hải quân Mỹ đang cân nhắc có nên tiếp tục đóng 2 tàu hạt nhân mỗi năm hay giảm số lượng còn 1 tàu vào năm 2021 hay không. Số lượng tàu ngầm của Mỹ giảm từ 100 hồi thập niên 1980 còn 53 hiện nay, và có thể tiếp tục giảm còn khoảng 40 tàu vào năm 2029 nếu nước này không có sự thay đổi.

Dù suy giảm về số lượng, các tàu ngầm của Mỹ vẫn đi đầu về công nghệ hiện đại nhất, tạo nên lợi thế cho nước này. Vào năm 2029, các tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ sẽ được trang bị một bộ phận mới để nó có thể triển khai và thu hồi các tàu lặn không người lái - yếu tố dự kiến đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh trên biển trong tương lai.

"Các tàu ngầm sẽ càng giống với những tàu sân bay, chở theo nhiều tên lửa và những tàu lặn", ông Clark nói. Các thiết bị lặn không người lái này có thể đi đầu trong những hoạt động tấn công hoặc giám sát, và có thể tiến gần đối phương hơn so với tàu mẹ.

Hồi năm 2015, tàu USS North Dakota của Mỹ đã triển khai và thu hồi thành công một tàu lặn ở vùng biển Địa Trung Hải. Phần lớn các tàu lặn mà hải quân đang phát triển có kích thước bằng quả ngư lôi và có thể hoạt động trong một ngày. Trong tương lai, quân đội Mỹ đang thiết kế để phát triển mẫu tàu lặn kích thước lớn hơn và có thể hoạt động tới cả tháng.

Theo Minh Anh (Zing.vn)

Nổi bật