Cô gái 26 tuổi Kayla Mueller từng nhiều năm sống và làm công việc hỗ trợ nhân đạo tại Ấn Độ, Palestine và Israel trước khi bị bắt cóc ở Syria năm 2013.
|
Chân dung Kayla Mueller, con tin Mỹ cuối cùng trong tay IS. Ảnh: Daily Courier
|
Mueller sớm thể hiện bản thân là người thích khám phá các vùng đất mới và làm công việc hỗ trợ nhân đạo. “Tôi yêu các nền văn hóa, ngôn ngữ và học hỏi từ con người bản địa”, cô chia sẻ khi còn là thiếu nữ tuổi 19. Trước khi vào đại học, cô làm tình nguyện viên cho các tổ chức ở quê nhà, bang Arizona, Mỹ, Daily Courier đưa tin.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2009, Mueller trở thành nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế. Cô trải qua 2 năm sống và làm việc ở Ấn Độ, các vùng lãnh thổ Israel và Palestine. Năm 2011, cô tình nguyện làm việc ở phòng khám HIV/AIDS ở quê nhà nhằm tạo điều kiện giúp đỡ những người mắc căn bệnh thế kỷ.
Cuối năm 2011, Mueller sang Pháp để học tiếng vì cô sắp làm việc tại châu Phi. Tuy nhiên, sau một năm ở Pháp, cô gái trẻ người Mỹ đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để giúp đỡ Hội đồng Tị nạn Đan Mạch và các tổ chức nhân đạo khác trước cơn lũ người tị nạn Syria đang tuyệt vọng chạy khỏi quê hương vì chiến tranh.
Trong một lần thăm nhà năm 2013, Mueller đã có cơ hội kể với những người tại câu lạc bộ Kiwanis, thành phố Prescott về công việc cô làm ở Trung Đông, nơi cô vẽ và chơi cùng trẻ em Syria trong các trại tị nạn. Cô cũng kể về hành trình giúp đỡ người đàn ông tìm lại đứa trẻ 6 tuổi sau khi nơi ở của người tị nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ trúng bom.
|
Kayla Mueller sớm cho thấy cô là người thích cống hiến cho xã hội. Ảnh: CNN |
“Những chuyện tôi kể không phải là hiếm ở Syria. Đây là thực tế mà người dân quốc gia này phải hứng chịu trong suốt hai năm rưỡi. Khi họ nghe tôi kể tôi là người Mỹ, họ hỏi: ‘Nó ở đâu vậy?’. Tôi chẳng biết làm gì ngoài khóc cùng với họ bởi bản thân tôi cũng không biết câu trả lời”, Mueller chia sẻ với thành viên câu lạc bộ Kiwanis.
Đó là lần cuối cô gái trẻ trở về quê hương.
Mueller bị các tay súng IS bắt giữ năm 2013 khi cô đến trại của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) Tây Ban Nha nằm tại Aleppo, Syria. Tuy nhiên, Mueller không phải người của tổ chức này. Cô đi cùng một nhân viên MSF. Vụ bắt cóc xảy ra khi các tay súng tấn công điểm chờ xe bus khi họ đón xe trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bức thư gửi cho gia đình mùa hè năm 2014, Mueller cho biết họ bị bắt cóc để đòi tiền chuộc. IS ra giá 5 triệu Euro và hạn chót là ngày 13/8/2014. Cô xuất hiện trở lại trong video có hình ảnh hành quyết phi công người Jordan Moaz al-Kassasbeh. Mueller là con tin người Mỹ cuối cùng nằm trong tay lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong diễn biến mới nhất, một tài khoản mạng xã hội tự xưng của IS tuyên bố Mueller đã chết. Tòa nhà nơi cô bị giam bị bom của không quân Jordan đánh sập. Giới chức Mỹ chưa xác nhận thông tin về cái chết của Mueller và tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin này.
>> Phiến quân IS tuyên bố con tin Mỹ cuối cùng đã chết
Theo Hồng Duy (Zing.vn)