Bị bán làm nô lệ trên biển trong nhiều năm
Năm 2006 - nghệ nhân điêu khắc trẻ người Campuchia Vannak Anan Prum rời khỏi ngôi làng của mình để đi tìm việc. Anh cần kiếm đủ tiền để trả viện phí cho người vợ Sokun đang mang thai đứa con đầu tiên của họ. Anh dự tính sẽ chỉ xa nhà khoảng 2 tháng, nhưng anh không biết được rằng anh sẽ không được gặp lại vợ và con mình cho đến 5 năm tiếp theo.
Qua một người trung gian tại biên giới Thái Lan - Campuchia hứa hẹn với Prum về nghề khô cá với khoản lương hậu hĩnh, anh đã bị bán thành nô lệ lao động cho một tàu đánh bắt cá ngoài biển. Prum bị buộc phải làm việc trong nhiều giờ đồng hồ, kể cả trong trong những ngày giông bão với tối đa chỉ được ngủ 2 tiếng cho giấc sáng và tối mỗi ngày.
Bạo lực xảy ra hàng ngày trên tàu trong 4 năm tiếp theo, nhằm bắt những người bị bán đi lao động trở nên “ngoan ngoãn”. Prum kể, nhiều người biến mất khỏi tàu mà không báo trước. Họ thường được hiểu là đã bị sát hại hoặc bị ném xuống biển. Bản thân Prum đã từng chứng kiến, trong một đêm, một thuyền viên người Thái Lan đã chặt đầu một người khác với một con dao pha.
Đàn ông ở mọi lứa tuổi thường bị lừa lên những con tàu tương tự với những khoản nợ họ không bao giờ có thể trả hết được, theo lời của Kate Kennedy, nguyên chuyên viên điều hành của Hagar Australia - Tổ chức quốc tế với sứ mệnh giúp đỡ cuộc sống và công việc cho những nạn nhân của nạn buôn bán người và nô lệ hiện đại. Cô Kate Kennedy cũng cho biết các nạn nhân trên thường không được trả công lao động và luôn bị nhốt trên tàu. Thuyền trưởng sẽ sử dụng mọi biện pháp từ gây sốc điện cho đến các chất kích thích và sự thiếu ngủ để buộc các lao động trở nên bị động hơn.
Sự trở về của Prum với vợ và con trở thành hiện thực khi LICADHO - Tổ chức nhân quyền của Campuchia đứng ra thực hiện vào năm 2011. Prum quyết định khắc họa rõ nét những trải nghiệm kinh hoàng của anh trong quyển hồi ký “The Dead Eye and the Deep Blue Sea”. Trong số những câu chuyện được viết, Prum cũng kể về một lần anh nhảy tàu hòng trốn thoát nhưng ngay sau đó lại bị những người “cứu nạn” bán đi làm nô lệ cho một trang trại làm dầu cọ tại Malaysia. “Có rất nhiều người nô lệ đã phải bỏ mạng trên biển, và con cái họ không biết được họ đang làm sao” - Prum nói - “Nếu chúng ta không chia sẻ những câu chuyện này, thế giới không thể biết được chuyện gì đang xảy ra ngay trên biển”.
Cuộc chiến chống “nô lệ thời hiện đại”
Theo báo cáo của Tổ chức Raks Thai Foundation, một lượng lao động ước tính khoảng 200.000 người, đến từ Campuchia, Myanmar và Lào bị bóc lột sức lao động bởi ngành đánh bắt cá có trị giá 6,3 tỷ USD của Thái Lan. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính vào năm 2016, có khoảng 40,3 triệu người trên thế giới là nạn nhân của “nô lệ hiện đại” với 24,9 triệu người bị cưỡng ép làm lao động. Báo cáo của ILO cũng đề cập đến lợi nhuận trị giá 150 USD mỗi năm của những kẻ tội phạm buôn người.
Tuy vậy, trong xu hướng toàn cầu hiện nay, bắt đầu xuất hiện nhiều sáng kiến lập pháp nhằm ngăn ngừa “nô lệ hiện đại”. Khởi điểm là Đạo luật về Tính minh bạch trong Chuỗi cung ứng (TSCA) của bang California (Mỹ) vào năm 2010, với mục tiêu minh bạch hóa các báo cáo trong chuỗi cung ứng và tăng cường mức hình phạt, giúp Mỹ có thể cấm các công ty nhận được hợp đồng Chính phủ nếu như các công ty này không làm rõ được vấn đề về nạn buôn bán người trong những báo cáo về chuỗi cung ứng của mình.
Tại Anh, Đạo luật về Nô lệ hiện đại năm 2015 đưa ra nhiều đề xuất nhằm tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Đạo luật tương tự tại Australia được ban hành vào năm 2019 cũng khiến các công ty với doanh thu mỗi năm trên 100 triệu USD phải báo cáo về tệ nạn này. Một đạo luật riêng, chưa được thông qua của bang New South Wales tại quốc gia này còn có tính răn đe mạnh mẽ hơn khi các công ty với doanh thu mỗi năm trên 50 USD có thể bị phạt tới 1 triệu USD nếu họ có dấu hiệu sử dụng lao động nô lệ trong chuỗi cung ứng.
Theo Long Hải (An Ninh Thủ Đô)