Trevicia Williams đã từng là cô dâu nhí ở tuổi 14, là một nhân chứng sống cho nạn tảo hôn ở bang Texas (Mỹ). Cô đã kiên cường thoát ra khỏi cuộc hôn nhân địa ngục và trở thành người tiên phong trong cuộc đấu tranh nhằm thay đổi bộ luật cho phép trẻ em vị thành niên kết hôn nếu được bố mẹ đồng ý ở Texas.
Sáng ngày 19/10/1983, Trevicia Williams đã đặt ra mục tiêu phải giành bằng được vai Annie - vai chính trong vở kịch của trường.
Chính vì vậy mà cô nữ sinh lớp 9 trường trung học Houston đã chọn mặc một chiếc áo len màu đỏ thật nổi bật cho buổi thử vai.
Cho tới gần 34 năm sau, Trevicia vẫn nhớ như in những kí ức này, bởi đó chính là ngày cô bị ép làm đám cưới với một người đàn ông không hề quen biết.
Vừa chui vào xe với lỉnh kỉnh bao nhiêu là sách vở sau giờ tan học, cô bé 14 tuổi Trevicia lúc đó tưởng như chết đứng khi nghe mẹ thông báo: "Hôm nay con sẽ kết hôn".
Trevicia ngồi im như tượng, sốc "toàn tập" nhưng không thốt ra nổi một câu nào, cũng chẳng hề phản kháng. Cô bé lo lắng và bối rối nhưng cô biết một khi mẹ đã nói vậy thì cô chẳng còn cách nào khác ngoài việc nghe theo.
Bởi vậy, cô nữ sinh đã im lặng trong suốt 45 phút xe chạy từ trường tới tòa thị chính và cố gắng suy nghĩ theo hướng logic nhất.
Tuy vậy, Trevicia vẫn không thể nghĩ ra mình sẽ phải làm gì, tại sao không ai nói với cô về đám cưới, sắp tới cô sẽ sống như thế nào và muôn vàn câu hỏi không lời đáp.
Trevicia mới chỉ 14 tuổi khi bị mẹ ép kết hôn với một người đàn ông xa lạ. Cô sinh con gái đầu lòng khi bước sang tuổi 15. |
Cuộc hôn nhân địa ngục
Tại thời điểm kết hôn, chồng tương lai của Trevicia, Will (tên nhân vật đã được thay đổi), đã 26 tuổi, hơn cô vợ bé nhỏ tận 12 tuổi.
Cuộc hôn nhân của họ đã gặp trục trặc ngay từ khi mới bắt đầu. Will đi làm bập bõm lúc có lúc không, trong khi Trevicia vẫn đang đi học nên kinh tế chẳng lấy gì làm dư dả.
Theo Trevicia, người đàn ông mà cô gọi là chồng thậm chí còn không thể lo cho cô những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu như chỗ ăn ở, thực phẩm…
Sống cùng nhau chưa đầy 30 ngày, anh ta đã lộ rõ bản mặt của kẻ vũ phu. Vậy mà khi cầu xin được quay về nhà, cô lại nhận được sự từ chối phũ phàng của mẹ đẻ.
Không còn chỗ nào để đi, 2 vợ chồng Trevicia và Will phải ngủ trên sàn nhà thờ của người truyền giáo đã giúp mẹ cô tác thành cho cuộc hôn nhân này.
Sau này khi nhớ lại, Trevicia chia sẻ có lẽ niềm tin vào Chúa đã giúp cô vượt qua những đêm trường lạnh giá của những ngày mùa đông cuối tháng 11 đó.
Cuối cùng, họ chuyển tới Pasadena, Texas, nơi Will tìm được một công việc trong ngành xây dựng.
Mỗi ngày, Trevicia phải đi xe buýt 80km từ Pasadena tới trường Trung học Aldine và về nhà để tiếp tục sự nghiệp học hành. Thế nhưng sang năm 1984, khi vừa bước sang tuổi 15, cô phát hiện mình có mang.
"Tôi bị nghén nặng. Bạn bè nhìn tôi với ánh mắt ghê tởm khi thấy tôi ói mửa liên tục. Tôi yêu cầu được chuyển tới trường học dành cho những nữ sinh mang bầu nhưng không nói cho giáo viên biết mình đã kết hôn.
Việc học đối với tôi rất quan trọng, vậy mà tôi phải bỏ dở giữa chừng và hoàn thành thiên chức của một người mẹ. Chính vì vậy, trong thời gian mang bầu, lúc nào tôi cũng thấy ức chế và tức giận", Trevicia hồi tưởng lại.
Sinh con gái xong, gia đình Trevicia chuyển tới miền đông Texas. Thế rồi, một ngày nọ, Will đột nhiên nói muốn quay lại Houston một chuyến để lấy vài thứ còn lại ở đó, rồi anh ta không bao giờ quay lại nữa.
Sau này Trevicia mới biết anh ta đã cặp kè với một người phụ nữ 21 tuổi ở cạnh nhà và bị cô ta cáo buộc lạm dụng tình dục. Thời điểm đó, Trevicia bước sang 16 tuổi, còn con gái mới vừa thôi nôi.
Chồng Trecivia đã bỏ đi theo người phụ nữ khác khi con gái mới vừa thôi nôi và cô chỉ mới 16 tuổi. |
Hành trình tìm lại chính mình
Sự tự do vẫn chưa đến với cô. Người ta nói Trevicia phải đợi thêm 1 năm nữa mới đủ quyền để nộp đơn ly hôn. Vậy là để thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục, cô gái trẻ đã phải chờ đợi tận 3 năm cho 1 ngày.
Trên thực tế, người vị thành niên đã kết hôn ở Texas hoàn toàn có quyền nộp đơn ly hôn bất cứ lúc nào vì họ đã được ngầm công nhận là người trưởng thành.
Thế nhưng, rất nhiều người không hề biết mình có quyền đó hoặc không biết làm thế nào để được giúp đỡ thoát khỏi những cuộc hôn nhân bạo lực.
Khi vừa đủ 18 tuổi, Trevicia tình cờ nhìn thấy tấm biển tuyển quản giáo trại giam với mức lương 18.000 USD/năm.
Vào năm 1986, đó là số tiền mà một bà mẹ đơn thân như Trevicia có mơ cũng khó kiếm được. Chẳng cần nghĩ lâu, cô lập tức ứng tuyển.
Gần một năm sau, cô được nhận vào làm và được phân công tới khu tử tù nam ở Trại giam Texas ở Huntsville. Sau này, Trevicia phát hiện ra Will cũng đang thi hành án tại trại giam đó.
Suốt 4 năm đằng đẵng, Trevicia nhờ vợ của đồng nghiệp trông con để đi làm ca tối và cố sức lấy cho được tấm bằng cử nhân luật hình sự.
Lúc chuẩn bị tốt nghiệp, cô lại quyết định theo học trường đào tạo trợ lý luật sư tại Houston, cách nơi đang ở tận 112 km.
Trecivia khi làm việc tại Trại giam Texas (phải) và khi nhận bằng tốt nghiệp cử nhân luật hình sự (trái). |
Từ đó trở đi, cứ sau mỗi ca trực đêm, cô lại lái xe tới Houston học 4 ngày/tuần liên tục suốt 8 tháng trời.
Công sức của Trevicia cuối cùng đã được đền đáp khi cô lấy được tấm bằng và xin được một chân trợ lý luật sư tại Houston.
Hai mẹ con cô chuyển về Houston sinh sống. Trevicia đã hoàn thành chương trình cử nhân luật hình sự và được làm việc trong môi trường mà bấy lâu vẫn hằng mong muốn.
Thế nhưng, công việc trợ lý đã khiến Trevicia nhận ra mặt trái của nghề luật sư là họ phải dành từ 80 đến 100 giờ mỗi tuần cho công việc trong khi cô muốn có nhiều thời gian hơn cho con gái mình.
Điều đó đã đưa Trevicia đến quyết định lấn sân sang ngành khoa học hành vi và lấy được bằng thạc sĩ tâm lý.
"Chính niềm tin và sự cầu thị với giáo dục đã làm nên tôi ngày hôm nay", Trevicia cho biết.
Cuộc chiến không khoan nhượng với nạn tảo hôn
Đây thực sự là một ví dụ điển hình của vấn nạn tảo hôn vẫn đang diễn ra ở Mỹ.
Theo Trung tâm Tư pháp Tahirih, tính trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới năm 2014, đã có tới 40.000 cuộc tảo hôn mà nạn nhân đa phần là các bé gái diễn ra ở bang Texas.
Tuy nhiên, đây không đơn thuần là vấn nạn tại riêng Texas mà nó xảy ra trên khắp nước Mỹ.
"Unchained at Last", tổ chức đấu tranh chống lại nạn tảo hôn ở Mỹ, ước tính có 250.000 cuộc hôn nhân cưỡng ép như vậy đã diễn ra từ năm 2000 tới 2010.
Theo số liệu điều tra dựa trên đăng ký kết hôn tại 50 bang trên toàn nước Mỹ, tại một số bang, trung bình có 1 cuộc tảo hôn mỗi ngày.
Mặc dù số vụ tảo hôn đang có chiều hướng giảm nhưng những cuộc hôn nhân cưỡng ép như vậy vẫn có thể diễn ra tại một số bang cho phép trẻ vị thành niên kết hôn với sự đồng ý của cha mẹ hoặc quan tòa hoặc cả hai.
Trong trường hợp của Trevicia, mẹ cô đã ký tất cả các giấy tờ thủ tục và cô con gái vị thành niên không hề có bất kì tiếng nói nào trong cuộc hôn nhân ép buộc này.
Sau rất nhiều nỗ lực, Trecivia Williams đã giành được tấm bằng thạc sĩ tâm lý học và được nhiều người biết đến. |
Giờ đây, ở tuổi 47, cô trở thành người vận động xóa bỏ điều luật cho phép trẻ vị thành niên kết hôn ở bang Texas.
Sau những lời chứng trước cơ quan lập pháp bang hồi tháng 4/2017, Thống đốc bang Greg Abbott đã ký dự luật cấm người dưới 18 tuổi kết hôn trừ khi được sự chấp thuận của thẩm phán và cấm trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi kết hôn.
"Sự dũng cảm và quyết tâm của Trevicia đã khiến chính quyền phải đối mặt với vấn đề tảo hôn ở Texas.
Câu chuyện cuộc đời của cô ấy có ảnh hưởng rất lớn tới việc thông qua dự luật quan trọng này", thượng nghị sĩ Texas, ông Van Taylor, người đưa ra dự luật cấm tảo hôn vừa được ký tại bang này cho biết.
Điều luật này vẫn còn gây tranh cãi ở một số bang, tuy nhiên, có một thực tế là, mặc dù được chính cha mẹ sắp xếp nhưng hầu hết các vụ tảo hôn xảy ra đều do bị cưỡng ép.
"Khi các bậc phụ huynh lạm dụng quyền của mình để áp đặt lên con cái và chúng không thể phản kháng thì chính quyền bang phải là người đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho trẻ.
Tuổi thơ là quãng thời gian trẻ nên được hưởng sự giáo dục và hình thành nhân cách để sau này trở thành những người trưởng thành có ích cho xã hội chứ không phải để cống hiến cho một người đàn ông", Trevicia lên tiếng.
Trevicia tin rằng mọi chuyện sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn giống như cách cô đã vượt qua được thời niên thiếu đầy sóng gió của mình.
"Tôi tin rằng niềm tin trong mỗi con người sẽ giúp chúng ta vượt qua được tất cả. Bạn phải luôn có mục tiêu cao hơn để mà phấn đấu. Chẳng có loại ma túy, rượu nặng hay mối quan hệ nào đủ mạnh để có thể giúp bạn vươn lên ngoài niềm tin vào chính mình".
Theo Đan Vy (Trí Thức Trẻ)