Hình minh họa |
Trại tập trung phát xít Auschwitz là nơi giam giữ tù nhân lớn nhất của phát xít Đức trong Thế chiến II, nơi được coi địa ngục trần gian với những hình thức tra tấn man rợ.
Auschwitz được xem là "cỗ máy giết người" tàn ác và có hệ thống của Đức Quốc xã. Ước tính, số người chết ở "trại hủy diệt" này còn lớn hơn tổng số lính Anh và Mỹ tử trận trong Thế chiến II.
Sự ra đời của "trại tử thần" Auschwitz
Năm 1940, phát xít Đức cho xây dựng một trại tập trung có thể giam giữ hàng trăm nghìn người tại khu ngoại ô thành phố Oswiecim (Ba Lan), về sau tên thành phố được đổi thành Auschwitz, nhằm phục vụ cho kế hoạch hủy diệt dân tộc Do Thái của trùm phát xít Hitler.
Cổng chính của trại tập trung Auschwitz. |
Kế hoạch xây dựng khu trại yêu cầu:
Phải lớn nhất trong tất cả các trại tập trung được xây dựng từ đầu những năm 1930; phải nằm tại trung tâm vùng chiếm đóng của phát xít Đức ở châu Âu; phải thuận tiện cho việc chuyên chở tù nhân, lương thực... từ Ba Lan đi khắp châu Âu và ngược lại.
Khu tổ hợp trại tập trung này bao gồm 3 trại chính:
Auschwitz I - trung tâm hành chính; Auschwitz II (Birkenau) - Trại hủy diệt (Vernichtungslager) và Auschwitz III (Monowitz) - trại lao động.
Một góc của trại tập trung Auschwitz |
Ngoài ra còn có 45 trại vệ tinh, một số nằm cách các trại chính hàng chục cây số, với số lượng tù nhân đến vài nghìn người.
Sau khi được hoàn thành, hơn 1,3 triệu người đã bị đưa tới trại tập trung Auschwitz ở miền Nam Ba Lan trong thời gian bị chiếm đóng từ tháng 6/1940 và tháng 1/1945.
Tàu hỏa chở người Do Thái đến sân ga trại Auschwitz. |
Sáu triệu người Do Thái cũng như các dân tộc Romania, người đồng tính, người khuyết tật, những người bất đồng chính kiến đã bị phát xít Đức sát hại trong các trại tập trung. Và khoảng một triệu người bị Đức Quốc xã hành quyết chỉ riêng tại trại Auschwitz.
Những "lò giết người" đáng sợ nhất tại Auschwitz
Theo kế hoạch hủy diệt dân tộc Do Thái của trùm phát xít Hitler, Auschwitz trở thành “lò giết người hàng loạt” lớn nhất trong lịch sử loài người.
Lò hơi ngạt
Phần lớn những người bị đầy đến Auschwitz sau một thời gian đều bị sát hại trong các lò hơi ngạt khổng lồ.
Nổi tiếng nhất trong các lò hơi ngạt là Phòng hơi ngạt số 1 với mệnh danh “Căn nhà nhỏ màu đỏ”, do được xây bằng gạch đỏ.
Phòng hơi ngạt số 1 gồm 2 phòng làm ngạt nhỏ hoạt động từ giữa năm 1942 đến mùa hè năm 1943. Chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 12/1942, phát xít Đức đã sát hại 600.000 người, trong đó có 550.000 người Do Thái tại khu trại.
Lò hơi ngạt |
Một trong những thủ đoạn tàn ác nhất của phát xít đó là trước khi hành hình các tù nhân, chúng trao cho họ những valy ghi tên tuổi, gieo cho họ một ảo tưởng về hy vọng được thả ra ngoài.
Sau đó, họ sẽ được đưa đến phòng hơi ngạt để hành hình. Ở đó họ phải đối mặt với khí Zyklon B, với một lượng vừa phải có thể giết chết 1.200 người ở phòng hơi ngạt trong vòng 20 phút.
Sau khi giết các nạn nhân, chúng đưa họ xuống hố chôn xác quy mô lớn. Tuy nhiên, thân thể nhiều nạn nhân còn được kết thúc trong lò thiêu.
Lò thiêu trong trại Auschwitz |
Do nhu cầu tiêu hủy xác lớn nên những lò thiêu như thế này được thiết kế để 20.000 người cùng được hỏa táng trong 24h đồng hồ.
Phòng thí nghiệm
“Untersuchungsraum” là tên căn phòng đáng sợ nhất ở Auschwitz. Nó có nghĩa là “phòng thí nghiệm”.
Tại đây, núp dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học, phát xít Đức đã tiến hành các thí nghiệm y tế, thử nghiệm các loại chất độc hóa học với vật thí nghiệm chính là các tù nhân.
Các bác sĩ phát xít Đức đã tiến hành một số thí nghiệm mất nhân tính như thử thuốc trên cơ thể nạn nhân, đóng băng người.
Hay làm thí nghiệm thay đổi màu mắt bằng cách tiêm hóa chất vào mắt trẻ em hoặc các phẫu thuật cắt cụt các bộ phận trên cơ thể người mà không dùng phương pháp gây mê...
Josef Mengele - Bác sĩ tử thần độc ác nhất trại Auschwitz |
Một trong những bác sĩ độc ác nhất của Đức quốc xã là Josef Mengele. Người này làm việc ở trại tập trung Auschwitz.
Theo một nhân chứng, Mengele đã thực hiện nhiều thí nghiệm hãi hùng với các cặp sinh đôi. Chính vì vậy, cha mẹ của một số nạn nhân đã phải tự tay giết chết con mình để chúng không bị đau khổ hành hạ.
Cuộc đào tẩu ngoạn mục khỏi "địa ngục"
Trong điều kiện sống khắc nghiệt, không ít tù nhân ở đây đã tìm cách trốn khỏi nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian" ấy.
Nhưng những hàng rào dây thép gai giăng kín bốn bề, những lính gác đứng dày đặc, khiến cho tù nhân chưa kịp chạm bước chân đến ngưỡng tự do thì đã phải bỏ mạng dưới họng súng của lính gác, hoặc bị tống ngay vào phòng hơi ngạt.
Điều này khiến ý tưởng trốn trại của những người tù Do Thái nơi đây bị dập tắt ngay khi vừa nhen nhóm.
Thế nhưng, vào tháng 4/1944, có hai người tù Do Thái đã trốn thoát khỏi nơi giam giữ khét tiếng bậc nhất này. Đó là Alfred Wetzler và Rudolf Vrba. Cả hai đều cùng một quê hương là Slovakia.
Mối duyên tại "trại tử thần"
Vào năm 15 tuổi, thay vì được đi học tại trường trung học ở địa phương, Rudolf Vrba bị loại trừ khỏi ngôi trường này bởi luật Nuremberg của Đức Quốc xã và phải đi lao động.
Đến năm 1942, khi trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã được “đặt” tại Ba Lan, Vrba khi đó 17 tuổi đã quyết định chạy khỏi đất nước để tham gia quân đội Tiệp Khắc ở Anh.
Nhưng khi đến biên giới Hungary, người ta đã đưa ông trở lại Slovakia và sau đó Vrba bị đưa đến trại tập trung "tử thần" này vào ngày 30/6/1942.
Alfred Wetzler |
Còn đối với Alfred Wetzler, sau một thời gian làm công nhân trong 4 năm kể từ năm 1936-1940, ông đã được “gửi” đến trại Auschwitz vào năm 1942 để làm việc trong một nhà xác của trại tập trung.
Lên kế hoạch đào tẩu
Vrba nhận thấy Wetzler làm việc trong nhà xác chứ không giống một tù nhân như mình nên cơ hội trốn thoát có vẻ khả quan hơn. Vrba quyết định liên lạc với Wetzler và nhanh chóng hai người tìm được sự tin tưởng ở nhau.
Cả hai đã cùng nhau thăm dò điểm yếu của trại tập trung Auschwitz và lên kế hoạch trốn thoát trong suốt nhiều tháng liền.
Vì Wetzler có thể tự do đi lại trong phạm vi nhà xác của trại tập trung, nên nhiệm vụ thăm dò trại được Wetzler đảm nhiệm.
Sau nhiều ngày chuẩn bị, vào 2h chiều ngày 7/4/1944, Vrba và Wetzler quyết định thực hiện cuộc chạy trốn mà cơ hội sống và chết là 50/50.
Sau 3 ngày ẩn náu trong hốc cây rỗng nhằm đánh lừa sự truy tìm của lính canh, đến gần nửa đêm ngày 10/4 họ đã âm thầm rời trại Auschwitz, rồi đi men theo sông Sola hơn 130km về phía nam, tới biên giới Slovakia.
Vrba và Wetzler đi qua một con đường tắt về phía Nam của dãy núi Bezkyd, nhưng trong bóng tối và đói khát, họ đã bị lạc vào giữa ngôi làng Bielsko.
Và thật may mắn, họ đã nhận được sự giúp đỡ từ một người phụ nữ nông dân Ba Lan.
Thoát khỏi "địa ngục trần gian"
Ngày 21/4/1944, sau 14 ngày trốn từ khoang gỗ rỗng và chạy trốn trong sự săn lùng của Đức Quốc xã, Vrba và Wetzler đã đặt chân đến Slovakia.
Sau đó, cả Vrba và Wetzler trở lên nổi tiếng nhờ những báo cáo về hoạt động bên trong của trại tập trung Auschwitz.
Nhân chứng R. Vrba qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. |
Báo cáo này đã tiết lộ những điều kinh hoàng của nạn diệt chủng của Đức Quốc xã cùng với những cỗ máy giết người khủng khiếp của chúng.
Nhờ báo cáo của hai tù nhân đặc biệt này mà đã có hàng ngàn người được cứu sống.
Khi hay tin về sự tiết lộ của cựu tù nhân Vrba, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã thốt lên: "Đây là một trong những tội ác lớn nhất và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại".
Về phần nhân chứng Vrba, sau khi trốn khỏi trại tập trung Auschwitz, đến tháng 9/1944, ông gia nhập lực lượng kháng chiến Tiệp Khắc, rồi được tặng Huy chương Dũng cảm khi tham gia cùng Hồng quân Liên xô trong chiến dịch giải phóng thủ đô Prague.
Sau Thế chiến II, Vrba tiếp tục theo đuổi con đường học vấn, nhận được bằng tiến sĩ hóa sinh của Trường đại học Kỹ thuật Prague vào năm 1951.
Năm 1958, ông chuyển sang định cư tại Israel. Năm 1960, tiến sĩ Vrba chuyển qua London làm việc tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa của Vương quốc Anh.
Giữa năm 1967, giáo sư Vrba được mời sang giảng dạy tại Khoa Thần kinh học thuộc Trường đại học British Columbia ở Canada, ông chính thức định cư tại Canada từ đó cho đến khi qua đời vào cuối tháng 3/2006, thọ 81 tuổi.
Theo Trang Ly (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)