|
Người cha bịn rịn chia tay vợ con ở bến xe lửa Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông hôm 2/2. Ông dặn con gái gọi điện cho mình vì ông chưa thể về cùng. Ảnh: Reuters. |
Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết tất cả hình thức vận chuyển hành khách đều tăng ở mức cao nhất, lượt người di chuyển sẽ tăng 3,4% so với năm 2014.
Đường sắt bán vé trước hai tháng
Ghi nhận của Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh cho biết dòng người mang vác hành lý đổ về các nhà ga xe lửa, trạm xe buýt và ga hàng không ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã bắt đầu đông dần lên cho đến chiều 9/2. Tại các cổng kiểm tra an ninh và xuất trình vé, hành khách xếp hàng dài đứng trong giá rét chờ đến lượt lên tàu, xe.
Nhằm ứng phó với lượng hành khách tăng đột biến và hiện tượng “cò” vé lừa đảo, năm ngoái ngành đường sắt ở Trung Quốc cho phép chọn lựa mua vé trước ngày đi 60 ngày thay vì 30 ngày như trước đây và hành khách có thể trả lại vé 15 ngày trước ngày khởi hành mà không bị phạt. Gần 2.000 chuyến xe lửa sẽ được trưng dụng để đáp ứng nhu cầu của gần 300 triệu lượt di chuyển.
Tuy nhiên, quy trình đó chỉ giảm được lượng khách đến chờ ở nhà ga mua vé nhưng lại gây ùn ứ ở cửa lên tàu do vấp phải quy trình kiểm tra đối chiếu tên của hành khách và tên đăng ký trên vé. Tại nhà ga Bắc Kinh, sáng 9/2, hàng nghìn người mang vác hành lý phải xếp hàng ở 10 cửa kiểm tra an ninh để chờ đối chiếu thông tin mới được lên tàu.
Ông Tống Kiến Quốc, người phát ngôn của nhà ga xe lửa Bắc Kinh, cho biết thời gian cao điểm của năm 2015 sẽ rơi vào khoảng từ ngày 13 đến 18/2. Chỉ riêng ở trạm này, khoảng 230.000 hành khách đi xe lửa mỗi ngày.
Ban giám đốc ga xe lửa Bắc Kinh sẽ điều 204 chuyến tàu đến và đi mỗi ngày. Ông Tống cho biết cứ 4 phút sẽ có một chuyến xe lửa cao tốc đến và đối với xe lửa thường là 5 phút.
Cùng lúc, giới chức Trung Quốc cũng tăng cường an ninh ở các khu vực nhà ga xe lửa, bến xe và cảng hàng không trong bối cảnh quan ngại tăng cao sau hàng loạt cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các trạm xe lửa, sân bay và nơi công cộng khác trong năm qua.
Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh cho biết cảnh sát vũ trang đã được triển khai đến 4 ga xe lửa chính của thủ đô Bắc Kinh từ tháng 1/2015. Trong khi đó, chính quyền Quảng Châu (tỉnh Quảng Ðông) cho biết sẽ có khoảng 200 cảnh sát vũ trang tuần tra thường xuyên tại 3 ga xe lửa lớn của thành phố này trong thời gian Tết.
Ban điều hành nhà ga xe lửa Tây Bắc Kinh cho biết đã xin chính quyền thành phố triển khai 400 cảnh sát vũ trang, 200 cảnh sát đường sắt và 650 nhân viên để duy trì an ninh trật tự ở nhà ga trong thời gian cao điểm.
Hàng không cảnh báo chậm chuyến
Các sân bay của Trung Quốc cũng ước tính sẽ đón hàng chục triệu lượt khách nội địa. Cục Hàng không dân dụng cho biết khoảng 47 triệu lượt hành khách sẽ sử dụng dịch vụ vận chuyển đường hàng không. Cơ quan này đã chỉ đạo các hãng hàng không Trung Quốc tăng cường gần 9.000 chuyến bay nội địa.
Sân bay quốc tế Bắc Kinh đã trang bị thêm nhiều kênh kiểm tra an ninh và quầy đăng ký khi lượng khách đang tăng dần trong những ngày qua, ước tính có thể lên đến 9,8 triệu người.
Hãng hàng không China Southern Airlines cho biết sẽ tăng thêm 8.000 chuyến bay trong suốt thời gian Tết, nâng tổng số chuyến bay của hãng này lên khoảng 90.000, tăng 27% so với năm 2014.
Ông Quan Hồng Quân, phó chỉ huy đội cảnh sát ở trạm cửa tây sân bay Bắc Kinh, cảnh báo hành khách chuẩn bị tinh thần trước khả năng xảy ra tắc nghẽn ở sân bay và khả năng các chuyến bay bị hoãn do thời tiết xấu.
Ông Quan kêu gọi hành khách hãy bình tĩnh trước những tình huống này nhằm tránh tình trạng chen lấn hay những hành vi có thể làm ảnh hưởng đến lịch trình của chuyến bay. Quan chức này lo sợ do nhớ đến những sự cố hành khách Trung Quốc mở cửa máy bay vì bực tức khi những chuyến bay bị hoãn quá lâu.
Ðài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV thừa nhận sức ép “di chuyển của dòng người nhập cư” trong dịp Tết lên hệ thống giao thông vận tải của nước này năm sau lớn hơn năm trước, dù chính phủ Trung Quốc đã chú trọng đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cũng như phát triển thêm hệ thống đường sắt cao tốc.
Trong một khảo sát do báo Thanh Niên Trung Quốc thực hiện, hơn 70% lao động nhập cư cho biết họ “thất vọng” với chính sách bán vé trực tuyến của ngành đường sắt Trung Quốc vì không thể mua vé trực tuyến dù ngày đi đã gần kề.
Ðàm Viên, một lao động nhập cư từ Quảng Châu đến Bắc Kinh làm việc, cho biết cô phải ngồi suốt trên máy tính để canh mua ngay khi bắt đầu bán vé xe lửa nhưng không mua được vì trang bán vé trực tuyến của nhà ga Bắc Kinh luôn bị nghẽn.
“Thậm chí tôi bỏ cả việc làm để canh mua vé xe lửa về quê nhưng tới nay vẫn chưa mua được”, báo Thanh Niên Trung Quốc dẫn lời cô Ðàm Viên. Cô cho biết cuối cùng phải mua lại vé của một nhóm “cò” và trả thêm 100 nhân dân tệ (khoảng 16 USD) so với giá gốc.
Nhiều người chỉ trích chính sách “bán vé trực tuyến” của ngành đường sắt Trung Quốc dẫn đến việc “đầu cơ” vé vì hầu hết giới lao động nhập cư không thể sắp xếp trước lịch đi lại. Một số “cò” vé đã lợi dụng chính sách, cho các chân rết đăng nhập liên tục để mua vé bán lại cho người dân với giá cao hơn.
Tai trạm Thanh Ðảo sáng 9/2, cảnh sát đã bắt giữ hai người chuyên bán vé chợ đen trên các chuyến xe ngoại tỉnh. Cảnh sát đang điều tra liệu có khả năng có sự cấu kết giữa nhân viên của bến xe Thanh Ðảo với các nhóm “cò” vé bên ngoài hay không.
Sợ lạc, cha còng tay với con
Ông Chen còng tay con vào tay mình. Ảnh: Weibo. |
Hình ảnh về cha con Chen Yen chụp tại ga xe lửa Bắc Kinh đã lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều người thấy ông Chen rất kỳ cục trong khi những người khác khen ông là người cha có trách nhiệm.
Một người cũng ở ga tàu cho biết khi vừa nhìn đã tưởng ông là tên bắt cóc nhưng khi thấy những người khác đều cười mới vỡ lẽ.
Về phần mình, Chen cho biết ông làm vậy vì lo con gái mắt kém có thể sẽ đi lạc. Ngoài ra, ông cũng lo nạn bắt cóc đang hoành hành, nhất là sau khi nghe tin con một người hàng xóm bị bắt cóc khi đi học về.
“Trên tivi cảnh sát đã cảnh báo về những kẻ bắt cóc và móc túi trong dịp lễ. Tôi không lo về móc túi nhưng sẽ không để lạc con mình”, ông Chen phân trần.