Có một sự thật là các cung điện phương Tây thời xa xưa trông vô cùng nguy nga, tráng lệ, rộng lớn như vậy nhưng lại không hề có nhà vệ sinh. Bởi người ta quan niệm nhà vệ sinh là một nơi bẩn thỉu và không cần thiết có trong cung điện. Điều này lý giải tại sao các cung điện thời xưa không xây nhà vệ sinh dù rất rộng.
Câu hỏi đặt ra là vậy thì việc "giải quyết nỗi buồn" của các thành viên hoàng tộc sẽ diễn ra như thế nào?
Theo trang BS, đối với người phương Tây xa xưa, khái niệm nhà vệ sinh gần như là không có, họ đi tiểu tiện và cả đại tiện vào những cái rãnh và hố bên ngoài nhà.
Vào thời La Mã cổ đại, những nhà vệ sinh công cộng đầu tiên với hệ thống nước thải được xây dựng. Thậm chí, người ta còn thường xuyên có những cuộc gặp gỡ và trò chuyện ở những nơi như vậy.
Đến thời Trung cổ, người ta chỉ sử dụng chậu đồng để chứa chất thải rồi đổ chúng ra đường. Tuy nhiên, những người thuộc tầng lớp quý tộc sẽ sử dụng bình gốm tên Bourdalou.
Bình Bourdalou có hình bầu dục, được làm từ cả sứ và gốm của các nhà máy sản xuất đồ gốm sứ hàng đầu châu Âu lục địa. Thậm chí ở Trung Quốc, người ta còn sản xuất loại bình này để xuất khẩu sang châu Âu.
Thợ gốm đồng thời là doanh nhân người Anh tên Josiah Wedgwood đã gọi chúng là "coach pots". Cái tên này được cho là bắt nguồn từ tên của một nhà thuyết giáo người Pháp dưới thời vua Louis XIV. Người này đã thuyết giảng những bài thuyết kinh đáng sợ đến nỗi những người phụ nữ bắt đầu mang những chiếc bình này đến nhà thờ, giấu kín để sử dụng bí mật, và giấu cả bên dưới những chiếc váy rộng của họ.
Có một điều gây tò mò nữa là phụ nữ châu Âu thời xưa phải mặc những bộ cánh lộng lẫy, hay váy dạ hội với vòng dây lớn. Điều này khiến nhiều người tò mò liệu họ có để sẵn một cái chậu dưới váy để đi vệ sinh hay không.
Liên quan đến việc dùng chậu đi vệ sinh, có một câu chuyện truyền miệng "dở khóc dở cười" liên quan đến Marie Antoinette - từng là Nữ Đại công tước Áo, về sau trở thành Vương hậu của Vương quốc Pháp và Navarre từ năm 1774 đến năm 1792.
Theo đó, thông thường thì những chiếc bình đựng chất thải từ tầng trên của Cung điện Versailles sẽ được đổ xuống sân bên dưới. Đúng lúc Hoàng hậu Marie đi qua cửa sổ phòng của Madame du Barry, người tình của cha chồng bà, trong Cung điện Versailles, thì bà đã bị một cái bình đựng chất thải rơi trúng. Người ta cho rằng đây không phải là một tai nạn mà được thực hiện có chủ ý.
Theo L.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)