Cũng đau đầu vì nạn tắc đường, Mexico đã nghĩ ra cách giải quyết mà không cần phải cấm một chiếc xe nào

10/07/2017 14:43:00

Nếu dưới đất không thông, sao không... lên trời?

Nếu dưới đất không thông, sao không... lên trời?

Khắp nơi trên thế giới, người ta đã đưa ra nhiều giải pháp chống tắc đường khác nhau, như robot điều hành giao thông, xây metro, làm xe buýt nhanh, hay đầu tư vào xe tự lái... Nhưng hầu hết các giải pháp này đều chỉ xoay quanh hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt đã khá cũ kĩ và chật chội.

Trong bối cảnh đó, một số quốc gia đã triển khai biện pháp chống ùn tắc nghe thì "lạ lùng", nhưng thực tế đã phát huy hiệu quả, đó là xây dựng các tuyến cáp treo.

Vậy thực hư việc xây cáp treo đã phát huy hiệu quả tới đâu, chúng ta hãy cùng xem các ví dụ về cáp treo chống ùn tắc ở Colombia, Bolivia và Mexico?

Lột xác từ thành phố "ma túy"

 

Medellin là một trong những thành phố lớn ở Columbia. Trong đó, quy hoạch đô thị luôn là một bài toán khó với chính quyền địa phương, khi vùng ngoại ô thành phố toàn là địa hình sườn dốc. Hệ quả là để đi vào trung tâm thành phố, người dân thường xuyên phải chịu cảnh tàu xe đông đúc, lượn quanh vùng đồi nói chật hẹp.

Chưa kể, nơi cũng từng là điểm nóng ma túy của khu vực Nam Mỹ. Địa hình hiểm trở - phân tách vùng trung tâm và ngoại ô, trình độ dân trí thấp là những lý do khiến Medellin ngày một trở nên trì trệ.

Tuy nhiên, kể từ năm 2004, khi các nhà chức trách đưa vào hệ thống cáp treo Metrocable như một giải pháp tình thế, Medellin đã gần như "lột xác".

Được biết, Metrocable là hệ thống cáp treo giao thông công cộng đầu tiên trên thế giới. Ban đầu, hệ thống này chỉ phục vụ khách du lịch, chủ yếu hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố, có chiều dài 1,8 km.

Sau này, khi Metrocable đã chứng minh được tính hiệu quả, chính quyền Medellin lập tức xây thêm 2 tuyến cáp tương tự, với chiều dài gần 3 km.

Thay vì rồng rắn nối đuôi nhau vào khu trung tâm, giờ đây người dân và du khách có thể thoải mái ngồi cáp treo mà không lo tắc đường. Trung bình một lượt cáp treo như vậy chỉ tốn khoảng 15 phút di chuyển, không lo kẹt xe, không khói bụi.

Thêm vào đó, việc giao thông di chuyển thuận lợi cũng giúp người dân ở ngoại thành được vào khu trung tâm nhiều hơn. Trẻ em và các thanh thiếu niên được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt hơn, tránh xa ma túy và bạo lực, từ đó cải thiện văn hóa, đời sống.

Hệ thống cáp treo được các nhà chức trách đưa ra như giải pháp tình thế đầy sáng tạo. Điều đó đồng nghĩa với việc dân cư ngoại thành – nơi kinh tế kém phát triển nhất, thường xuyên sống trong môi trường bạo lực và ma túy được tiếp cận với nhiều dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, công việc, hoạt động văn hóa và cải thiện đời sống.

2 triệu người được "cứu" bởi 11 km cáp treo

 

Tương tự Medellin, thủ đô La Paz của Bolivia cũng chủ yếu là địa hình đồi núi. Điều này luôn khiến các phương tiện giao thông gặp khó khăn, vì luôn phải di chuyển cả giờ đồng hồ trên các đoạn đèo gập ghềnh, nguy hiểm rồi mới tới được khu trung tâm nằm dưới thung lũng cách đó 4 km.

Nhưng giờ đây, người dân La Paz, đặc biệt là người thiểu số sống ở quanh đỉnh El Alto đã có lý do để ăn mừng, khi chính quyền ở đây đã triển khai xong hệ thống cáp treo 11 km lớn nhất thế giới, nhằm giúp đỡ 2 triệu người hiện đang sinh sống.

Hệ thống cáp treo nói trên đặc biệt có ý nghĩa to lớn với người dân La Paz, bởi họ sẽ không còn gặp phải tình trạng kẹt xe hàng giờ trên những con dốc ngoằn ngoèo cùng khói bụi và tiếng ồn nữa.

Với hệ thống cáp treo công cộng, người dân cũng không cần dậy từ sáng sớm để bắt cho kịp các chuyến xe đường dài đi làm. Thêm vào đó, vì chạy hoàn toàn bằng điện, nên hệ thống cáp treo còn giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường.

Xét về yếu tố du lịch, hệ thống cáp treo ở La Paz còn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi du khách thường xuyên tìm tới đây để chiêm ngưỡng thành phố bên dưới và dãy Andes quanh năm tuyết phủ.

Cáp treo cứu cánh cho tình trạng "59% thời gian làm việc là dành cho di chuyển"

 

Cho tới đầu năm nay, Mexico City vẫn là một trong những thành phố tắc nghẽn giao thông hàng đầu thế giới. Trung bình mỗi ngày, người dân mất 59% thời gian làm việc cho di chuyển. Quy đổi ra, người dân ở Mexico City mất trung bình 219 giờ đồng hồ tương đương gần 5 tuần làm việc/năm chỉ cho việc di chuyển.

Bởi Mexico được bao quanh toàn những ngọn đồi, nhà cửa cũng trải trên các sườn đồi, tự phát có, quy hoạch cũng có. Chính vì cách quy hoạch "không quy củ" này, giao thông ở Mexico trở nên... hỗn loạn và là bài toán đau đầu của giới chức thành phố.

Chính địa hình đồi dốc, có nhiều chia cắt bởi các hẻm núi, sẽ rất tốn kém để có thể tạo ra những con đường đẹp và thuận tiện, hệ thống tàu điện ngầm tuy cũng hoạt động song chưa hiệu quả nhiều.

Bởi vậy, từ cuối năm 2016, người dân của Mexico City đã bắt đầu đi học, đi làm bằng những cabin có màu sắc rực rỡ chạy dọc theo tuyến cáp treo đầu tiên của thành phố, phần nào giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở vùng địa hình hiểm trở.

Cụ thể, hệ thống cáp treo Mexicable dài 4,8 km, có 7 trạm và được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng chục nghìn hành khách mỗi ngày. Từ trạm đầu tới trạm cuối chỉ mất 17 phút, trong khi nếu dùng các phương tiện mặt đất thì mất khoảng 40 phút.

Ước tính hệ thống cáp treo Mexicable có thể chuyên chở tới 26 nghìn hành khách/ngày, tức là nhiều hơn cả số lượng mà Emirates Air Line - hệ thống cáp treo qua sông Thames ở Thủ đô London đang làm mỗi ngày.

Tiềm năng của giải pháp cáp treo đô thị

Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), hiện quá trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển ngày càng nhanh, dân số thành thị không ngừng gia tăng, trong khi lại không đủ nguồn lực để phát triển hệ thống đường sá và đường sắt quy mô lớn.

Trong bối cảnh đó, mô hình cáp treo được đánh giá như 1 giải pháp tình thế đầy sáng tạo cho bài toán quy hoạch giao thông đô thị. Với giá thành rẻ, thời gian thi công nhanh chóng, mức tiêu thụ năng lượng ít hơn so với nhiều phương tiện chuyên chở công cộng khác... có thể thấy rõ lợi ích kinh tế mà mô hình này đem lại.

Ông Ekkehard Assmann, Giám đốc tiếp thị - Hãng sản xuất cáp treo Doppelmayr cho biết: "Ý tưởng này đã được ứng dụng nhiều trong vài năm trở lại đây. Cáp treo có chi phí lắp đặt rẻ và là 1 hệ thống linh hoạt, có thể kết nối đồng bộ với các hình thức khác".

Cách đây 10 năm người ta từng nghĩ, ý tưởng về những chiếc cáp treo trong đô thị là lố bịch. Nhưng giờ đây, hầu hết các thành phố đang phát triển trên thế giới đều muốn có nó. Nếu phương án này được khai thác và đưa vào vận hành tốt thì hoàn toàn có thể thay thế tàu điện ngầm trong tương lai dài.

Thêm vào đó, nếu không còn nhu cầu sử dụng cáp treo như 1 giải pháp giải tỏa giao thông, hệ thống này vẫn có thể được chuyển đổi thành hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch, cho phép du khách thưởng ngoạn thành phố từ trên cao, mang đến 1 bộ mặt mới mẻ cho đô thị.

Theo các chuyên gia trên thế giới đánh giá, lợi ích kinh tế của giải pháp giao thông này là hiển nhiên. Cáp treo có thể chuyên chở 5.000 khách mỗi giờ trên một hướng đi, ít hơn metro với khả năng chở được hơn 20.000 khách mỗi giờ, song lại rẻ hơn metro nhiều lần.

Do đó, nếu được khai thác đúng cách, cáp treo sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn so với đa số hệ thống chuyên chở công cộng khác, vì động cơ kéo cáp luôn hoạt động ở một vận tốc ổn định. Chi phí lắp đặt cũng rẻ hơn nhiều. Giá vé không hề đắt đối với hành khách mọi tầng lớp và do đó thời gian hoàn vốn nhanh.

Theo Chu Lang (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật