Mối bất hòa hơn 300 năm tại Catalonia Cuộc 'hôn phối' giữa Catalonia và phần còn lại của Tây Ban Nha có một lịch sử phức tạp kéo dài hơn 300 năm với những mâu thuẫn và khác biệt chưa bao giờ phai mờ.
10 ngày sau khi kết thúc cuộc bầu cử lịch sử tại vùng Catalonia hôm 21/12, lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại vùng đất này vẫn đang hết sức mơ hồ.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra hiện nay, đối với các đảng theo xu hướng ly khai chiếm đa số tại Nghị viện vùng Catalonia, đó là việc lựa chọn nhân vật nào để lãnh đạo cơ quan hành pháp của vùng.
Ở thời điểm hiện tại, 2 chính trị gia thủ lĩnh của phong trào ly khai Catalonia đều đang ở tình huống không thể điều hành: ông Carles Puigdemont của đảng "Cùng nhau vì Catalonia" và cũng là cựu Chủ tịch chính quyền vùng này, hiện vẫn đang lưu vong tại Bỉ còn ông Oriol Junqueras, thủ lĩnh đảng Cộng hoà cánh tả - ERC thì hiện vẫn đang bị tạm giam vì liên quan đến các cáo buộc kích động ly khai hồi tháng 10.
Vấn đề của ông Carles Puigdemont là nếu quay về Tây Ban Nha thì sẽ lập tức bị bắt giữ bởi lệnh truy bắt của Toà án Tây Ban Nha hồi tháng 10 vẫn đang có hiệu lực.
Kịch bản mà phe ly khai đang đề cập, vì thế, là vẫn bầu ông Carles Puigdemont làm Chủ tịch chính quyền mới của Catalonia và sẽ điều hành từ xa.
Tuy nhiên, đó là điều mà Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy thẳng thừng bác bỏ trong phát biểu cuối cùng của năm 2017.
Ông Rajoy nói: "Việc cố gắng trở thành một Chủ tịch của vùng nhưng lại sinh sống ở nước ngoài là điều hoàn toàn ngớ ngẩn. Nó cũng giống như việc tôi sống ở Lisbon vậy, không hợp lý chút nào. Đây không chỉ là vấn đề chính trị hay vấn đề có hợp pháp hay không, mà là chuyện có hợp lý hay không. Không nên tốn quá nhiều thời gian cho chủ đề này nữa".
Cục diện chính trị ở Catalonia còn trở nên phức tạp hơn nếu tính đến các kịch bản khác về việc bỏ phiếu trong Nghị viện sắp ra mắt.
Hiện tại, ngoài các ông Puigdemont và Junqueras, còn có 6 nghị sĩ Catalonia khác vừa được bầu nhưng cũng đang lưu vong hoặc đang bị bắt giam.
Vì thế, trên lý thuyết, nếu không có sự nhân nhượng từ chính quyền Tây Ban Nha thì 8 nhân vật này sẽ không có quyền bỏ phiếu trong Nghị viện sắp tới và khi đó, trên thực tế phe ly khai chỉ kiểm soát được 62 ghế trong Nghị viện Catalonia, không đủ đa số quá bán là 68 ghế và cũng chỉ hơn phe phản đối ly khai 5 ghế.
Tình huống đó sẽ đưa đến một bế tắc chính trị hoàn toàn mới và mọi đảng phái sẽ lại phải tính toán đi tìm liên minh mới, trong đó vai trò của đảng Ciudadanos, đảng chiến thắng cuộc bầu cử 21/12, sẽ trở nên rất đáng chú ý.
Theo Quang Dũng (Vov.vn)