Cú sốc mang tên Mỹ
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang hôm 3/1 sau khi một cuộc không kích của Mỹ đã khiến Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran thiệt mạng.
Lầu Năm Góc đã lên tiếng xác nhận cuộc tấn công, nói rằng hành động này được thực hiện "theo chỉ đạo của Tổng thống".
Cái chết của tướng Soleimani là một bước ngoặt đầy rủi ro ở Trung Đông và được dự đoán sẽ có sự trả đũa nghiêm trọng từ Iran và các lực lượng mà nước này ủng hộ trong trục đối đầu với Mỹ, theo Politico.
Không chỉ gây sóng gió cho mối quan hệ Mỹ-Iran, vụ việc cũng đã làm chấn động toàn cầu, khiến giá dầu tăng và khiến cho các quốc gia liên quan cảm thấy lo ngại về các bất ổn trong khu vực.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc tướng Soleimani là “chủ mưu các cuộc tấn công vào quân đội Mỹ ở Iraq và chống lại lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới”. Trong khi phía Iran tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm cho mọi hậu quả của "chủ nghĩa phiêu lưu" của nước này.
Các nhà phân tích đồng ý rằng Soleimani là một nhân vật độc nhất và có lẽ không thể thay thế đối với Iran. Sau tin tức về cái chết của vị tướng này, một số người tự hỏi rằng việc Mỹ nhằm mục tiêu vào một nhân vật có tiếng như vậy sẽ có ảnh hưởng gì đối với khu vực.
“Áp lực trả đũa sẽ rất lớn”, Vali Nasr, một chuyên gia về Trung Đông và là giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, viết trên Twitter.
Một số quan chức Mỹ cũng như các nhà quan sát kỳ cựu của Iran, nói rằng cuộc tấn công là một động thái leo thang vượt xa những gì họ từng dự đoán.
Politico dẫn lời Afshon Ostovar, một chuyên gia về Iran cho biết, cuộc tấn công đã làm ngạc nhiên ngay cả một số thành viên của chính quyền Trump, thậm chí quyết định nhằm mục tiêu vào vị tướng của Iran chưa bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc, ít nhất là trong thời gian gần đây.
Một cựu quan chức Mỹ nói rằng cuộc tấn công đặc biệt đáng chú ý vì nó nhắm vào một nhân vật nằm trong bộ máy chính quyền Iran, trái ngược với một các nhân vật phi nhà nước trước đây.
“Chúng tôi cần phải chuẩn bị cho chiến tranh”, ông nói.
Một quan chức Trung Đông khác của Mỹ nói rằng một cuộc trả đũa của Iran có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Các mục tiêu của Iran có thể là các quan chức Mỹ ở châu Phi, ở châu Mỹ Latinh và có thể là ở vùng Vịnh.
Iran đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Soleimani được biết đến là lãnh đạo Lực lượng tinh nhuệ Quds, một đơn vị của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đứng đằng sau nhiều hành động quân sự của Iran bên ngoài biên giới.
Ông là một nhân vật cực kỳ nổi tiếng ở Iran và là mục tiêu bị chỉ trích thường xuyên của Tổng thống Donald Trump và các trợ lý của nhà lãnh đạo Mỹ.
Chiến dịch áp lực tối đa của Tổng thống Trump với Iran đã tăng cường trong những tháng gần đây, nhưng việc tấn công tướng Soleimani là một động thái gây sốc.
Đảng Dân chủ đã phản ứng thận trọng với cái chết của tướng Soleimani và ngay lập tức đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp chiến dịch tấn công, ngay cả khi đảng Cộng hòa ca ngợi đây là một chiến thắng.
Theo đó, các nghị đảng Dân chủ cho rằng hành động ám sát một nhân vật quyền lực của Iran đã không có sự cho phép của Quốc hội và nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh khu vực.
Lầu Năm Góc từng cân nhắc kế hoạch tấn công tướng Soleimani trước đây, trong thời kỳ Mỹ tham gia vào cuộc chiến Iraq, khi Lực lượng Quds hỗ trợ vũ khí cho các nhóm dân quân Shiite Iraq chống trả lại lính Mỹ.
Vào năm 2006, một tài liệu giải mật cho biết, trụ sở quân đội Mỹ tại Iraq đã chuẩn bị một kế hoạch tiêu diệt hoặc bắt giữ chỉ huy Lực lượng Quds Qassem Soleimani khi nhân vật này đến thăm Iraq.
Nhưng cuối cùng, các chỉ huy của Mỹ đã kiềm chế hành động đối với tướng Soleimani, cho phép vị tướng Iran đến thăm Iraq và trở về mà không gặp phải sự cản trở nào.
Mặc dù vậy, các chỉ huy Mỹ ở Iraq từng bắt giữ một số cộng sự của tướng Soleimani trong các cuộc tấn công vào cuối năm 2006 và 2007, sau khi chính quyền Bush trao quyền cho các đội quân tinh nhuệ nước này lần theo các mục tiêu Iran.
Những vụ bắt giữ nói trên đã gây tranh cãi với chính phủ Iraq, khi các thành viên của Lực lượng Quds vốn được quyền miễn trừ ngoại giao và được yêu cầu thả ngay lập tức.
Mặc dù cái chết của tướng Soleimani chắc chắn là một mất mát lớn đối với Iran, nhưng các nhà lãnh đạo của Iran rất có thể đã chuẩn bị trước cho tình huống bi kịch như vậy.
Chuyên gia Ostovar cho biết, “rất có thể Iran sẽ sớm gọi tên người kế nhiệm cho nhà lãnh đạo quân sự vừa qua đời bởi các quy tắc của họ luôn được thực thi rất mạnh mẽ”.
“Ông ấy không chỉ là gương mặt đại diện hay tiên phong đối với Iran”, chuyên gia Ostovar đánh giá. “Soleimani còn là bộ mặt chiến lược của họ, nhưng cần phải nhớ rằng chiến lược của Iran luôn vượt xa khuôn khổ một vị tướng như Soleimani”.
Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin.vn)