Jayden, người Triều Tiên đào tẩu cách đây 5 năm, đã kể về cú sốc khó quên khi lần đầu tiên được sử dụng internet và tiếp xúc với thế giới tin tức khổng lồ mà anh chưa từng thấy trước đây.
Khi Jayden bỏ trốn khỏi Triều Tiên cách đây 5 năm, anh chưa từng biết tới sự hiện diện của internet. Đối với Jayden, internet đã mở ra một thế giới thông tin khổng lồ mà anh được tự do tiếp cận. Điều đó đến với Jayden như một cú sốc lớn so với cuộc sống tại Triều Tiên trước đây.
“Đó là lần đầu tiên tôi có cơ hội được tiếp cận với internet. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều thông tin trên mạng, và tôi phân vân rằng liệu những tin tức đó có đúng hay không. Sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ và nhận ra rằng: Điều này thật hay ho”, Jayden cho biết.
Là một trong số những người Triều Tiên đào tẩu thành công và có cơ hội đặt chân tới một nơi an toàn, Jayden hiện đã bắt đầu một cuộc sống mới ở Seoul và chuẩn bị vào đại học năm nay.
Mặc dù cùng nói chung một ngôn ngữ và hai thủ đô Bình Nhưỡng, Seoul chỉ cách nhau gần 200 km, nhưng trên bán đảo Triều Tiên dường như tồn tại 2 thế giới khác nhau. Việc thay đổi cuộc sống từ một đất nước bị kiểm duyệt thông tin và người dân không được tiếp xúc với internet như Triều Tiên, sang một nơi có tốc độ kết nối nhanh nhất thế giới như Hàn Quốc, đã mở ra cho Jayden một tầm nhìn rộng lớn.
Hiện Jayden đang theo học tiếng Anh tại Sydney, Australia và trải nghiệm mùa đông ở đất nước này. Jayden cho biết có 2 kiểu người ở Triều Tiên, một là những người hiểu rằng phần lớn thông tin chính thức từ chính quyền đã được truyền thông nhà nước kiểm duyệt chặt chẽ, và hai là những người không hay biết điều này.
Cuộc sống mới tại Hàn Quốc
Người dân Triều Tiên đi xe buýt (Ảnh: ABC) |
Ann, người đào tẩu khỏi Triều Tiên từ năm 14 tuổi, là bạn cùng lớp của Jayden. Ở độ tuổi 25, Ann đã phải trải qua một hành trình dài trước khi có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở Sydney như ngày hôm nay.
Ann lớn lên tại một làng quê ở vùng đồi núi của Triều Tiên trong một gia đình nghèo khó. Trong ký ức tuổi thơ, cô gái này vẫn không thể quên những năm tháng mà người dân Triều Tiên phải trải qua nạn đói.
Ann vẫn nhớ cảm giác bị đói và lạnh khi còn nhỏ. Cô cũng lưu giữ ký ức về những người bạn không thể đến lớp vì quá đói. Một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của Ann khi còn ở Triều Tiên là những ngày Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc phát hàng cứu trợ.
“Tôi vẫn nhớ mùi vị của những chiếc bánh quy, đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong tuổi thơ của tôi”, Ann nhớ lại.
Người dân Triều Tiên mua hàng tại một quầy thực phẩm (Ảnh: ABC) |
Ann hiện là một thành viên trong cộng đồng gồm hơn 30.000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc. Cùng với Jayden và 3 sinh viên khác, Ann tới Sydney theo diện học bổng dành cho các cựu công dân Triều Tiên đang sống ở Hàn Quốc.
Các sinh viên này đang hoàn thành một khóa học tiếng Anh chuyên sâu kéo dài 22 tuần tại Đại học Công nghệ Sydney do chính phủ Australia tài trợ. Đây là nhóm sinh viên Triều Tiên thứ hai tới Australia học tập sau một nhóm thí điểm thành công hồi năm ngoái.
Ann cho biết dù cuộc sống của cô tại Hàn Quốc tốt hơn, nhưng cô cũng phải đối mặt với không ít áp lực để có thể thích nghi với cuộc sống mới tại một xã hội cạnh tranh như Hàn Quốc.
Phó giáo sư Bronwen Dalton thuộc Đại học Công nghệ Sydney là người đã giúp cho các sinh viên Triều Tiên nhận học bổng. Bà Dalton cho biết các sinh viên đều bị hấp dẫn bởi sự tự do và đa dạng văn hóa của Sydney.
“Họ sẽ quay trở lại Hàn Quốc và chắc chắn sẽ trở thành những nhà lãnh đạo trong cộng đồng (người Triều Tiên) tại Hàn Quốc”, bà Dalton nói.
Bản thân Ann cũng đang nuôi những tham vọng như vậy. Sau những trải nghiệm về cuộc sống tại Triều Tiên, cô gái này mong muốn được làm việc trong các chương trình cứu trợ toàn cầu.
Theo Thành Đạt (Dân Trí)