Cụ ông 70 tuổi chuyển hơn 2,6 tỷ đồng cho kẻ lừa đảo, mặc cảnh sát khuyên can: 1 tháng sau mới vỡ lẽ, tiết lộ sự thật

26/08/2024 11:07:45

Sau một tháng, cụ ông mới đến tìm gặp cảnh sát và khai báo toàn bộ sự thật.

Mặc cảnh sát khuyên can, cụ ông vẫn tin lời kẻ lừa đảo

Mới đây, một vụ án lừa đảo tại Bắc Kinh, Trung Quốc lọt top tìm kiếm trên Weibo bởi nhiều tình tiết ly kỳ, gay cấn.

Theo Sina, Cảnh sát Bắc Kinh nhận được tin nhắn cảnh báo từ văn phòng thành phố rằng một cụ ông họ Li, 70 tuổi, sống ở quận Tây Thành, thành phố Bắc Kinh có nguy cơ bị lừa đảo khi có giao dịch 750.000 nhân dân tệ (hơn 2,6 tỷ đồng) bất thường. Đội điều tra hình sự của Cục Công an Tây Thành ngay lập tức đến nhà ông cụ để hỏi thăm tình hình. Tại đây, ông Li xác nhận đã chuyển số tiền nêu trên nhưng là cho người quen chứ không phải kẻ lừa đảo. 

Cụ ông 70 tuổi chuyển hơn 2,6 tỷ đồng cho kẻ lừa đảo, mặc cảnh sát khuyên can: 1 tháng sau mới vỡ lẽ, tiết lộ sự thật
Ông Li kiên quyết khẳng định mình không hề bị lừa.

Zeng Jiping - sĩ quan cảnh sát cộng đồng từ Đồn cảnh sát phố Tây Trường An thuộc Chi nhánh Tây Thành, Văn phòng Công an thành phố Bắc Kinh chia sẻ: “Ông Li xác nhận việc chuyển 750.000 nhân dân tệ nhưng khai với chúng tôi rằng ông không bị lừa và số tiền đã được chuyển cho một người mà ông quen biết, với mục đích trả nợ”. 

Tuy nhiên, sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện 750.000 nhân dân tệ của ông Li đã bị chuyển vào tài khoản lừa đảo. Với kinh nghiệm nhiều năm giải quyết các vụ án tương tự, cảnh sát phân tích và phán đoán nhiều khả năng ông Li đã bị lừa. Gao Yue - thuộc Đội điều tra hình sự chi nhánh Tây Thành, Cục Công an thành phố Bắc Kinh khẳng định: "Qua trao đổi, chúng tôi thấy thêm nhiều tình tiết nghi vấn, tương tự các vụ án giả làm công tố viên, nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trước đó. Có khả năng kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục yêu cầu ông ấy chuyển tiền, chứ chưa dừng lại ở con số 750.000 nhân dân tệ. Nhưng ông Li liên tục phủ nhận và từ chối hợp tác nên chúng tôi buộc phải rời đi". Khoảng 21h cùng ngày, cảnh sát lại tiếp tục đến nhà ông Li. Lần này, ông không cho cảnh sát vào nhà mà hẹn ở bãi đậu xe. Sau 3 giờ đồng hồ thuyết phục không thành, vì ông Li tuổi đã cao và giờ đã khuya nên cảnh sát quyết định ra về và hẹn gặp ông vào ngày mai.

Cụ ông 70 tuổi chuyển hơn 2,6 tỷ đồng cho kẻ lừa đảo, mặc cảnh sát khuyên can: 1 tháng sau mới vỡ lẽ, tiết lộ sự thật - 1
Ông Li liên tục thay đổi lời khai, đầy khả nghi.

Sáng hôm sau, ông Li tới đồn cảnh sát và thừa nhận đã nói dối. Số tiền 750.000 nhân dân tệ mà ông đã chuyển đi thực chất không phải trả nợ mà đầu tư vào một sản phẩm quản lý tài chính sinh lời cao, chứ không bị lừa đảo.

Tuy nhiên, việc thú nhận quá nhanh và không có bằng chứng hay bất kỳ một giao dịch nào chứng minh ông Li đã đầu tư sinh lời, càng làm cho cảnh sát thêm phần hoài nghi về tính chính xác của lời khai. Gao Yue nói thêm: “Chúng tôi đã yêu cầu ông ấy đưa ra một hợp đồng đầu tư và quản lý tài chính nhưng vẫn không thực hiện được. Toàn bộ tin nhắn, lịch sử cuộc gọi gần đây đều đã bị xóa hết. Các câu trả lời của ông cụ như một kịch bản soạn sẵn và rất phi logic. Chúng tôi nghi ngờ rằng kẻ lừa đảo đã dạy ông cụ. Chúng chưa dừng lại ở số tiền này mà muốn nhiều hơn trong tương lai”.

1 tháng sau mới vỡ lẽ và may mắn lấy lại được tiền

Sau nhiều lần thuyết phục không thành, cảnh sát đã bí mật bảo vệ ông Li và tiếp tục điều tra thêm. Theo đó, cảnh sát bảo vệ tài khoản của ông Li thông qua liên kết cảnh sát - ngân hàng, đồng thời, liên lạc với người thân của ông cụ, hàng xóm và yêu cầu mọi người chú ý nhiều hơn đến hành vi của ông, báo cơ quan chức năng khi thấy khả nghi.

Đúng như dự đoán, một thời gian sau, ông cụ nhờ một người họ hàng vay 200.000 tệ. Ông cũng nhiều lần liên hệ đề nghị dừng việc bảo vệ tài khoản, tài sản cá nhân nhưng bị từ chối.

Cụ ông 70 tuổi chuyển hơn 2,6 tỷ đồng cho kẻ lừa đảo, mặc cảnh sát khuyên can: 1 tháng sau mới vỡ lẽ, tiết lộ sự thật - 2
Cuối cùng, sau 1 tháng, ông Li đã chủ động gặp cảnh sát, mang theo bản tường trình viết tay dài 3 trang, mô tả chi tiết việc ông đã bị lừa như thế nào.

Ông cụ cho biết đã nhận được một cuộc gọi lừa đảo giả danh từ Văn phòng Công an thành phố Trường Sa, bên kia nói rằng ông có liên quan đến một vụ án "bí mật quốc gia" mà những cảnh sát cấp thấp hơn không biết và yêu cầu ông không được tiết lộ chuyện này với bất kỳ ai. Lúc đó, ông Li đã vô cùng sợ hãi. Kẻ lừa đảo tiếp tục khống chế ông qua điện thoại, yêu cầu phải chuyển tiền để kết thúc vụ án. Trong 1 tháng vừa qua, kẻ lừa đảo vẫn liên tục gọi điện và thuyết phục ông chuyển tiền nhưng vì không nhận được thêm bất cứ khoản nào nên đã ngừng liên lạc. Lúc này, ông Li mới vỡ lẽ.

Chỉ vài ngày sau khi trình báo sự việc, cảnh sát thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang thông báo tin vui rằng số tiền 750.000 nhân dân tệ do ông Li chuyển cho kẻ lừa đảo đã bị cảnh sát thu giữ trong chuyên án gần đây. Thế nên, ông Li sẽ sớm nhận được số tiền đã bị mất. Đồng thời, cảnh sát cũng cho biết thêm 3 nạn nhân bị lừa đảo cùng với ông Li đều đã trình báo vụ việc tương tự. 

Người phụ trách phòng, chống tội phạm lừa đảo điện tử của Đội điều tra hình sự Cục Công an Tây Thành, Bắc Kinh chia sẻ thêm: “Hôm nay bạn chưa bị lừa không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ bị lừa. Những kẻ lừa đảo hiện nay rất tinh vi, chúng sẽ thay đổi, tùy chỉnh kịch bản để phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Ví dụ, đối với người cao tuổi đã nghỉ hưu, những kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng việc người cao tuổi không biết sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng hiệu ứng video, AI và các cuộc gọi điện thoại qua internet để mạo danh công tố viên, công an,... đối với những người trẻ, trung niên có một số tiền tiết kiệm nhất định sẽ thiết kế câu chuyện hẹn hò trực tuyến để thực hiện hành vi lừa đảo,... Hơn nữa, những kẻ lừa đảo này còn soạn sẵn kịch bản sẽ có cảnh sát địa phương đến nhà hỏi và yêu cầu nạn nhân giữ kín. Lúc này, nạn nhân nhìn thấy cảnh sát thật đến can ngăn sẽ không nghe lời mà tin rằng câu chuyện của kẻ nói dối là có thật. Đối với những nạn nhân đã bị tẩy não sâu, những kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục giữ liên lạc và sẽ tìm cách cướp thêm tiền của nạn nhân,...”. Thế nên, người dân cần chú ý và tích cực tiếp thu những bài viết tuyên truyền chống lừa đảo, tìm hiểu, cập nhật các thủ đoạn lừa đảo mới nhất để biết và phòng chống.

Theo Minh Hà (Nguoiduatn.vn)

Nổi bật