Cựu thị trưởng London Boris Johnson (phải) và Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove trong bài phát biểu trước những người ủng hộ Anh rời EU hôm 24/6. Ảnh:Reuters |
Sáng ngày 30/6, Boris Johnson, cựu thị trưởng London dẫn đầu chiến dịch đưa Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit), chuẩn bị có bài phát biểu "để đời" nhằm dọn đường đưa ông vào cuộc đua đến vị trí thủ tướng Anh, sau khi ông David Cameron tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, một diễn biến bất ngờ đã xảy ra.
Vào 9h giờ London, Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove, một đồng minh thân thiết của ông Johnson, người dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử của cựu thị trưởng, làm tất cả mọi người ngạc nhiên khi đột ngột tuyên bố chính ông sẽ tự ra tranh cử.
Không chỉ vậy, ông Gove còn đả kích ông Johnson, nói rằng: "Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ tất cả các ứng viên. Đặc biệt, tôi đã muốn giúp đỡ xây dựng một đội ngũ hậu thuẫn Boris Johnson, để một chính trị gia thúc đẩy Brexit có thể dẫn dắt chúng ta đến một tương lai tốt hơn. Tuy nhiên, cuối cùng tôi phải miễn cưỡng kết luận rằng Boris không có khả năng lãnh đạo hay xây dựng đội ngũ cho các nhiệm vụ phía trước."
Hai giờ sau đó, tại buổi họp báo của mình, sau khi phát biểu 11 phút về chủ đề Anh cần một nhà lãnh đạo như thế nào, cựu thị trưởng Johnson nói rằng: "Sau khi tham vấn các đồng nghiệp và xem xét tình hình trong quốc hội, tôi kết luận rằng người đó không thể là tôi".
Washington Post gọi diễn biến bất ngờ này là một vụ "phản bội", trong khiForeign Policy viết rằng: "Boris Johnson vươn tay với lấy ngôi vương nhưng bị đâm sau lưng".
Việc ông Gove "phục kích" ông Johnson dẫn đến những lời trách cứ từ người ủng hộ hai phía. Khi được hỏi về Gove, cha của ông Johnson trả lời: "'Et tu, Brute' (cả ngươi nữa sao Brute?) là bình luận của tôi về việc đó". Ông nhắc đến câu nói cuối cùng của lãnh đạo La Mã Julius Caesar khi bị người bạn của mình ám sát, bày tỏ sự ngạc nhiên khi bị phản bội.
Người ủng hộ ông Gove, Dominic Raab, thì nói rằng ông Johnson đã "quá ung dung" trong cách tiếp cận của mình. "Chúng tôi chọn một thủ tướng để dẫn dắt đất nước, không phải là một lớp trưởng", ông nói.
Giả thiết
Johnson là cựu thị trưởng London, đồng thời là một nhà văn và người nổi tiếng trên truyền hình. Ông nổi tiếng hơn Gove và có thể nói là một trong các chính trị gia Anh nổi bật nhất. Ông có khả năng giành được nhiều sự ủng hộ từ người dân, và lợi thế đó đã giúp ông làm thị trưởng London hai nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, ông không được hạ viện Anh yêu thích. Ông cần sự giúp đỡ của ông Gove để thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ và khi ông Gove tự ra tranh cử, ông Johnson có thể thấy rằng ông đã hết cơ hội. Hơn nữa, một cuộc thăm dò của YouGov với các thành viên đảng Bảo thủ cho thấy ông Johnson còn không được ưa thích bằng Bộ trưởng Nội vụ Theresa May - ứng viên khác trong cuộc đua cho ghế thủ tướng. Bà May gìành được 55% số phiếu trong cuộc thăm dò, trong khi ông Johnson chỉ có 38%.
Để được ra tranh cử làm thủ tướng Anh, ứng viên phải được hai nghị sĩ đảng Bảo thủ đề cử bằng văn bản. Nếu có nhiều hơn hai ứng viên, các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để chọn ra hai người. Cuối cùng, khoảng 150.000 thành viên của đảng này sẽ bầu ra lãnh đạo và kết quả dự kiến được công bố vào ngày 9/9.
Thực tế là, Gove trước đây thường xuyên và dứt khoát nói rằng ông không có hứng thú với vị trí người đứng đầu đảng. Hồi tháng 5, ông nói rằng: "Tôi không muốn làm việc đó vì có những người được trang bị tốt hơn tôi để đảm đương vị trí đó".
Cây bút Andrew Sparrow của Guardian đã tóm lược những hạn chế của ông: "Ông ấy nổi tiếng là không thực tế, không giỏi tính toán. Ông ấy không thích bay, và một số sở thích trí tuệ của ông có phần lập dị". Tuy nhiên, Sparrow kết luận: "Hiếm hoi mới có chính trị gia từ bỏ cơ hội trở thành thủ tướng".
Financial Times đưa tin rằng sau cuộc trưng cầu dân ý 23/6, ông Johnson đã không đến dự các cuộc họp, theo lời kể từ một đồng minh giấu tên. "Ông ấy không thể hiện cho mọi người thấy nhiệt huyết hay cho họ sự chú ý, hoặc đưa ra các hứa hẹn mà đáng lý ra ông phải làm".
Vì vậy, theo Slate, giả thiết hàng đầu giải thích "cú ngáng chân bất ngờ" là ông Gove đẩy ông Johnson đi vì thấy rằng cựu thị trưởng không thể giành chiến thắng. Vì thất vọng trước người mà ông vốn hỗ trợ, ông Gove quyết định tự bước vào cuộc đua.
Theo Washington Post, trong những ngày sau cuộc trưng cầu dân ý, ông Johnson bắt đầu đi ngược lại với những lời hứa về Brexit, báo hiệu rằng ông sẽ mềm mỏng hơn về vấn đề nhập cư – vốn là vấn đề then chốt trong chiến dịch đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Tờ này cho rằng có thể sự không kiên định của ông Johnson đã thôi thúc Bộ trưởng Gove, một người tin thực sự vào Brexit và là kiến trúc sư trí tuệ của chiến dịch, đã quyết định tự hạ chính đồng minh của mình.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thuyết âm mưu đang được lan truyền. Một số người cho rằng chính ông Gove đã "gài bẫy" ông Johnson để khiến cựu thị trưởng London mất lòng người ủng hộ, khi thể hiện quan điểm mềm mỏng về vấn đề nhập cư trong một bài xã luận đăng trên Telegraph hồi đầu tuần. Một số phóng viên nói rằng bài viết của ông Johnson có bàn tay biên tập của ông Gove.
Ngoài ra, còn có giả thiết cho rằng ông Johnson nhận ra làm thủ tướng Anh hậu Brexit sẽ là vấn đề vô cùng nhức đầu. Thủ tướng mới sẽ phải làm giảm tình trạng thù địch giữa phe chọn ở lại và chọn ra đi, làm dịu sự cứng rắn của phe chọn ra đi, và tiến hành các cuộc đàm phán với EU. Những người đưa ra giả thuyết này cho rằng với một người như ông Johnson, có những cách dễ chịu hơn để nổi tiếng hơn là đảm đương trọng trách thủ tướng.
Ông Gove có thể phải chịu phản ứng phụ vì hành động của mình. Ngay cả khi đảng Bảo thủ chấp nhận tuyên bố của ông rằng cựu thị trưởng Johnson quá vô tổ chức để lãnh đạo đảng và đất nước, thì sự không trung thành cũng không bao giờ giành được thiện cảm, Slate nhận xét.
Phóng viên Sophy Ridge dẫn lời một nghị sĩ đảng Bảo thủ và từng là người ủng hộ ông Johnson, hôm qua nói rằng: "Gove đã cư xử tồi tệ với Johnson. Tôi không chắc rằng mọi người sẽ cảm thấy họ có thể tin tưởng ông ấy sau sự kiện sáng nay".
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)