"Nơi phụ nữ khô héo như cái cây cằn cỗi
Dành cả đời mình núp bóng phía sau
Ở đất nước phụ nữ vẫn là nô lệ
Thì sinh ra là phụ nữ đã mang tội rồi"
Đó là đoạn trích từ một bài thơ của tác giả nổi tiếng Hira Bansode, nói lên thực trạng chung của phụ nữ Ấn Độ, một quốc gia mà vấn đề bạo lực tình dục và phân biệt đối xử với phụ nữ đã trở thành "chuyện như cơm bữa".
Là phụ nữ ở Ấn Độ đã khổ nhưng là phụ nữ sinh ra ở tầng lớp Dalit còn khổ đến tận cùng. Mới đây, vụ cưỡng bức tập thể và giết chết một thiếu nữ Dalit 20 tuổi là "giọt nước tràn ly" khiến xã hội Ấn Độ bùng nổ, hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra để đòi lại công lý cho nạn nhân và cho chính phụ nữ Dalit.
Khi cái chết của một người là "nỗi đau" chung của hàng triệu người
Vào hôm 14/9, khi đang đi cắt cỏ giúp gia đình trên một cánh đồng ở Hathras, thiếu nữ 20 tuổi đã bị một nhóm đàn ông tiếp cận từ phía sau và kéo vào một bãi lau sậy gần đó. Tại đây, nạn nhân đã bị cưỡng hiếp tập thể, không còn mảnh vải trên người.
Khi được phát hiện, nạn nhân với cơ thể bê bết máu và bị gãy xương đã không thể nào đứng dậy và nói nên lời. Chưa đầy 2 tuần sau, thiếu nữ ấy qua đời trong bệnh viện sau những chuỗi ngày chống chọi với nỗi đau thể xác và tinh thần. Chỉ đến khi cô gái trút hơi thở cuối cùng, 4 nghi phạm đến từ "giới thượng lưu" mới bị cảnh sát bắt giữ.
Kể từ đây, khắp các trang tin và mạng xã hội, tràn ngập những lời chỉ trích đầy phẫn nộ. Các cuộc biểu tình lần lượt nổ ra ở một số nơi tại Ấn Độ và nhanh chóng lan rộng trên toàn đất nước. Hàng nghìn người xuống đường biểu tình đã yêu cầu đòi công lý cho nạn nhân xấu số và yêu cầu phụ nữ Dalit phải được bảo vệ mọi lúc mọi nơi.
Cái chết của thiếu nữ 20 tuổi không chỉ đơn giản là một vụ án giết người mà nó còn trở thành biểu tượng cho nỗi đau đớn tận cùng mà phụ nữ thuộc tầng lớp Dalit đang phải gánh chịu. Nỗi đau khổ của một người nhưng lại là nỗi đau chung cho hàng triệu kiếp người khác. Việc phụ nữ Dalit bị hành hạ, ngược đãi, hãm hiếp và bị giết chết xảy ra hàng ngày đến nỗi nhiều người coi đó là chuyện thường tình, không thể tránh khỏi.
"Cứ mỗi ngày trôi qua có 10 phụ nữ Dalit bị cưỡng hiếp", theo dữ liệu của tổ chức phi chính phủ The National Campaign on Dalit Human Rights vào năm ngoái. Số liệu thống kê này cho thấy, có 23% phụ nữ Dalit thừa nhận rằng họ bị cưỡng hiếp ít nhất 1 lần.
Theo tác giả Suraj Yengde, một người Dalit nổi tiếng với cuốn sách mang tựa đề "Caste Matters" nói về những vấn đề liên quan đến phân biệt đẳng cấp cho biết, phụ nữ Dalit chiếm 16% dân số nữ giới ở Ấn Độ nhưng họ phải gồng mình chống chọi với "3 chiếc còng lớn" là định kiến giới, phân biệt giai cấp và nghèo đói.
"Phụ nữ Dalit thuộc nhóm người bị áp bức nhất trên thế giới. Họ phải chịu đựng các hình thức bạo lực vĩnh viễn trong cuộc đời của mình", Suraj Yengde cho hay.
Trong một nghiên cứu năm 2006, có trên 500 phụ nữ Dalit ở 4 bang thuộc Ấn Độ phải đối mặt các hình thức bạo lực, 54% đã từng bị tấn công thể xác; 46% từng bị quấy rối tình dục; 43% từng đối mặt với bạo lực gia đình; 23% từng bị cưỡng hiếp và 62% đã bị lạm dụng bằng lời nói.
Tại sao lại là phụ nữ Dalit?
Ấn Độ được biết đến là quốc gia vẫn có sự phân chia tầng lớp sâu sắc và rõ rệt trong xã hội. Những người thuộc "đẳng cấp" cao hơn có quyền coi khinh, chèn ép và hành hạ những người thuộc tầng lớp thấp hơn.
Và nằm dưới đáy của chế độ đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ suốt hàng thế kỷ qua không ai khác chính là người Dalit. Họ là tầng lớp thấp kém nhất, tận cùng của xã hội Ấn Độ, bị mỉa mai với tên gọi những người "không đáng đụng tới" hoặc chỉ là một thứ "tiện dân". Chuyện những người Dalit bị làm nhục, bêu xấu, tra tấn và hủy hoại được coi là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu, không đáng bận tậm.
Nếu như việc sinh ra ở tầng lớp Dalit là một cái tội thì việc là một người phụ nữ Dalit chắc chắn là mang "trọng tội". Họ không được hưởng những quyền lợi cơ bản của một con người. "Ấn Độ cho mỗi người một lá phiếu nhưng họ lại không có cùng một giá trị", ông Paul Divakar, Tổng Thư ký Chiến dịch Quốc gia về quyền người Dalit nói.
Với phụ nữ Dalit, giá trị của họ bằng 0.
Vào đầu tháng 9, một cô gái 14 tuổi được tìm thấy treo cổ trên cây sau khi bị hãm hiếp. Chỉ vài ngày trước đó, một bé gái 3 tuổi bị cưỡng hiếp và bóp cổ đến chết. Vào cuối tháng 9, một thiếu nữ 22 tuổi đã bị cưỡng bức tập thể khi đang đi làm và đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Vào tháng 8 vừa qua, một bé gái 13 tuổi đã bị cưỡng hiếp và giết chết ở bang Uttar Pradesh. Vào tháng 12 năm ngoái, một cô gái 23 tuổi tử vong khi bị một nhóm đàn ông phóng hỏa thiêu sống trong lúc cô đến tòa để khiếu nại những kẻ cưỡng hiếp mình. Điều đáng chú ý, các nạn nhân ấy đều là những người đến từ Dalit.
Hiếp dâm thường được đàn ông Ấn Độ sử dụng như là công cụ để khẳng định quyền thống trị của họ đối với phụ nữ. Và đa phần những vụ hiếp dâm ở Dalit đều do những tầng lớp ở trên gây ra để thể hiện đẳng cấp của mình.
"Những người đàn ông thuộc tầng lớp trên nghĩ rằng họ có quyền đối với cơ thể của phụ nữ Dalit. Chính vì vậy mà cha mẹ thuộc tầng lớp Dalit khi sinh con gái thường dặn chúng rằng hãy tránh xa những người đàn ông thuộc tầng lớp trên vì họ biết rằng họ không thể đấu tranh cho công lý", Ram Kumar, một nhà hoạt động Dalit nổi tiếng cho biết.
Từ đây có thể thấy rõ, phụ nữ Dalit thường bị hãm hiếp vì những người đàn ông thuộc tầng lớp trên với lối suy nghĩ rằng họ có quyền cưỡng hiếp những người phụ nữ yếu đuối Dalit. Đó là tư tưởng đã bám rễ ăn sâu vào trong lòng xã hội ở Ấn Độ. Chưa dừng lại ở đó, phụ nữ Dalit còn bị coi là công cụ để trả thù liên quan đến việc tranh chấp đất đai hay những mâu thuẫn khác của các gia đình, thậm chí là mối thù truyền kiếp giữa những dòng họ với nhau.
"Phụ nữ Dalit bị coi là không trong sạch và bị tước đoạt những nhu cầu cơ bản nhất trong cuộc sống. Thể xác của họ bị đem ra dùng làm vật để trả thù", Manjula Pradeep, giám đốc các chiến dịch về mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền Dalit cho biết.
Trong xã hội Ấn Độ, người phụ nữ không chỉ là tài sản của đàn ông mà còn là đại diện cho danh dự của họ. Và phụ nữ Dalit ở tận cùng dưới đáy xã hội sẽ bị hãm hiếp và đánh đập dã man như một sự trừng phạt. Với những người ở tầng lớp trên và ngay ở trong cùng tầng lớp Dalit, việc trả thù tốt nhất là đánh vào danh dự của một gia đình bằng cách xâm hại tình dục người phụ nữ của họ.
Với nhiều gia đình ở Dalit, việc con cái họ bị cưỡng bức là một điều sỉ nhục và cũng là sẽ cam chịu vì cho rằng đó một điều tất yếu khi họ ở dưới đáy của xã hội. Nhiều nạn nhân của Dalit không dám lên tiếng vì họ biết rằng ánh sáng công lý sẽ không bao giờ đứng về phía của họ.
Ánh sáng hy vọng nào cho phụ nữ Dalit?
Đã có hàng trăm cuộc biểu tình nổ ra mỗi năm ở Ấn Độ yêu cầu chấm dứt nạn hãm hiếp đối với phụ nữ Dalit nói riêng và nữ giới Ấn Độ nói chung. Thế nhưng tiếng nói của họ cũng chỉ là sự vô vọng không hồi kết. Quốc gia đông dân nhất nhì thế giới này cũng đã sửa đổi một số điều luật để bảo vệ người Dalit cũng như giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ ở tầng lớp này. Trên thực tế, vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào đối với phụ nữ Dalit.
Yogita Bhayana, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, cho biết "không có chiếc đũa thần nào" có thể sớm giải quyết vấn đề bạo lực giới tính ở Ấn Độ. Bà Bhayana cho biết nước này cần nhiều thay đổi, như cải cách hệ thống cảnh sát và tư pháp, cần lực lượng chấp pháp và luật sư nhạy cảm hơn, cùng các công cụ pháp y hiệu quả hơn.
"Nhưng trên tất cả, chúng ta cần nâng cao nhận thức về giới, thay đổi tư duy, ngăn chặn tội phạm ngay từ những bước đầu tiên", bà Bhayana nói.
Giới chuyên gia tin rằng giải pháp lâu dài duy nhất cho nạn tấn công tình dục ở Ấn Độ là xóa bỏ tư duy gia trưởng, coi phụ nữ là tài sản của đàn ông, đồng thời tạo điều kiện để người Dalit, nhất là phụ nữ Dalit được hưởng những quyền cơ bản nhất của con người. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở tư tưởng phân biệt đẳng cấp đã ăn sâu trong tâm khảm của xã hội Ấn Độ.
Chỉ khi nào không còn sự phân biệt các tầng lớp thì khi ấy những người phụ nữ Dalit mới có cơ hội vươn lên trên mảnh đất khô cằn, mới có thể sống cuộc sống của chính mình mà không phải phụ thuộc và bị định đoạt tương lai bởi người khác. Nhưng đến khi nào phụ nữ Dalit mới được sống như một con người thực thụ? Không một ai dám chắc về câu trả lời này cả!
Theo Diệp Lục (Pháp luật và bạn đọc)