Cú đâm không kịp trở tay khiến chiến hạm Mỹ suýt đắm

19/06/2017 11:45:00

Thủy thủ đoàn trên khu trục hạm USS Fitzgerald Mỹ có thể rơi vào tình trạng rất hỗn loạn ngay khi va chạm với tàu hàng Philippines.

Thủy thủ đoàn trên khu trục hạm USS Fitzgerald Mỹ có thể rơi vào tình trạng rất hỗn loạn ngay khi va chạm với tàu hàng Philippines.

Thời điểm khu trục hạm USS Fitzgerald đi qua khu vực ngoài khơi biển Nhật Bản vào khoảng 2h30 ngày 17/6, chỉ một số ít trong 350 thành viên thủy thủ đoàn còn thức để làm nhiệm vụ canh gác, duy trì động cơ hoạt động và điều khiển tàu, theo New York Times.

Đúng lúc đó, chiếc tàu khu trục hiện đại này hứng chịu cú đâm cực mạnh vào mạn phải từ tàu chở hàng treo cờ Philippines, khiến nước ồ ạt tràn vào khoang. Tàu chiến Mỹ suýt đắm, sau đó được cứu kéo về cảng với thi thể 7 thủy thủ bên trong khoang ngập nước.

Theo các quan chức hải quân có hàng chục năm kinh nghiệm trên biển, nhiều khả năng vài phút trước khi va chạm với tàu hàng Philippines, những thủy thủ trực đêm trên khu trục hạm Mỹ đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất kiểm soát khiến họ không kịp phản ứng để ngăn chặn thảm họa.

"Tôi đoán họ đã bất ngờ nhìn thấy ánh đèn từ con tàu khác đang tiến về phía mình và cố gắng né tránh", cựu đô đốc James G. Stavridis, nhận định. "Tàu của bạn bỗng nhiên như muốn chìm. Điều đó thật sự đáng sợ".

Không kịp trở tay

Lời kể của những thủy thủ sống sót trên tàu Fitzgerald cũng minh chứng cho giờ phút kinh hoàng đó trên chiếc tàu chiến. Mẹ một thủy thủ sống sót sau vụ va chạm cho biết con trai bà đã liên tục ngụp lặn nhằm cố gắng cứu giúp các đồng đội cho đến khi khoang tàu cạn không khí. Những người khác, vì nghĩ tàu bị tấn công, vội vã chạy tới các ụ súng để sẵn sàng chiến đấu.

Mia Sykes ở thành phố Raleigh, bang Bắc Carolina, cho hay con trai bà, Brayden Harden, 19 tuổi, bị hất văng khỏi giường ngủ vì cú va chạm. Harden kể 4 người trong khoang của anh và ba người ở khoang phía trên đã chết ngay lập tức.

cu-dam-khong-kip-tro-tay-khien-chien-ham-my-suyt-dam

USS Fitzgerald bị hư hại nặng ở sườn phải. Ảnh: NYTimes

Theo các chuyên gia, những vụ va chạm gây thương vong là cực kỳ hiếm gặp đối với hải quân Mỹ. Nhà chức trách thông báo sẽ tiến hành hàng loạt cuộc điều tra nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm cũng như rút ra các bài học để giảm tối đa nguy cơ xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai.

Các nhà điều tra sẽ đặc biệt tập trung vào thuyền trưởng Bryce Benson, 40 tuổi, người chịu trách nhiệm chỉ huy chiếc tàu khu trục tên lửa này. Ông Benson nhận chức vụ chỉ huy khu trục hạm Fitzgerald hơn một năm nay. Phòng ngủ của ông bị phá hủy hoàn toàn vì vụ va chạm, nhưng trung tá này may mắn sống sót và được trực thăng đưa về đất liền chữa trị trong tình trạng hôn mê.

Cựu đô đốc Stavridis cho rằng trước khi về phòng nghỉ đêm, trung tá Benson theo thường lệ cần ký "lệnh trực đêm", cập nhật những mệnh lệnh mà ông đã ban ra cho thủy thủ đoàn trong tối hôm đó. Lệnh này thường quy định những người canh gác phải lập tức đánh thức ông nếu thấy tàu khác tiến gần đến tàu mình ở khoảng cách có thể gây lo ngại.

"Lệnh của tôi luôn là hãy đánh thức tôi nếu tàu lạ tiến vào phạm vi gần hơn 4,5 km", Bryan McGrath, cựu chỉ huy tàu khu trục Mỹ hoạt động trên Đại Tây Dương giai đoạn 2004-2006, nói.

Mệnh lệnh này có thể khiến thuyền trưởng thường xuyên bị đánh thức, nhất là khi tàu đi qua khu vực hàng hải nhộn nhịp, nhưng đó là trách nhiệm của người chỉ huy chiếc tàu chiến, nắm trong tay sinh mạng của hàng trăm người, McGrath cho biết.

Việc thuyền trưởng Benson vẫn ngủ trong khoang lúc xảy ra va chạm chứng tỏ ông gần như không được cảnh báo về nguy cơ bị tàu hàng đâm. "Tại sao người trực không gọi bạn? Họ không được huấn luyện kỹ càng ư? Cuối cùng, tất cả là lỗi ở bạn", ông nhấn mạnh.

Sean P. Tortora, một thuyền trưởng giàu kinh nghiệm, cho hay khi chỉ huy tàu, ông luôn yêu cầu thủy thủ đoàn đánh thức mình khi mục tiêu gần nhất cách ít hơn 3,2 km trên màn hình radar. "Lúc huấn luyện mọi người, tôi thường bảo họ 'Đừng gọi tôi tới đài chỉ huy để chứng kiến một vụ va chạm'", ông nói.

Theo chuyên gia, tàu Fitzgerald, dài 154 m, có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với tàu Philippines, dài 222 m và chất đầy hàng hóa. Vậy nên, một số thuyền trưởng cho rằng gần như chắc chắn các thủy thủ trên khu trục hạm Fitzgerald không nhận được bất kỳ mệnh lệnh nào vào thời điểm va chạm nên không thể trở tay kịp thời.

 Tàu USS Fitzgerald tại Yokosuka, Nhật Bản

Tuy nhiên, đô đốc Stavridis đánh giá còn quá sớm để suy đoán về nguyên nhân vụ việc. Theo ông, tàu hàng Philippines có khả năng "đã thực hiện vài động tác kỳ lạ" trước vụ va chạm.

Những dữ liệu lưu thông hàng hải cho thấy gần 25 phút trước thời điểm va chạm, tàu hàng Philippines chuyển hướng đột ngột nhiều lần. Ở những vùng biển đông đúc, hành động trên có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều hướng của các tàu khác.

Marc Tuell, người từng làm việc trên tàu Fitzgerald từ năm 2010 đến 2013, cho biết ông cảm thấy buồn khi chứng kiến cảnh khu trục hạm Mỹ bị kéo về cảng Nhật Bản trong tình trạng sắp chìm.

"Tôi đặt mình vào hoàn cảnh ấy để mường tượng ra thủy thủ đoàn đã phải trải qua những gì", ông Tuell nói. "Thật đau lòng khi bạn từng bước chân trên con tàu ấy suốt ba năm".

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật