Hôm 6/7, cụ bà Rumiko Sasaki, 82 tuổi, sống ở khu vực nông thôn Kita Hiroshimacho, tỉnh Hiroshima đang tận hưởng giây phút thảnh thơi khi nhổ cỏ cùng chồng ở sân sau nhà, bất ngờ một vị khách "không mời mà đến" xuất hiện.
Đó là một con gấu đen châu Á, có chiều cao xấp xỉ 1m50 khi đứng trên 2 chân. Bà Sasaki chỉ phát hiện con vật 4 chân đến gần mình khi người chồng hét lên thất thanh cảnh báo.
Đáng ngạc nhiên, cụ Rumiko không hề sợ hãi khi được chồng cảnh báo về sự xuất hiện của con gấu to lớn. Cụ bà nhìn thẳng vào mắt con gấu khi thấy nó giơ móng vuốt lên.
Ở tuổi 82, không có kỹ năng võ thuật nhưng cụ bà quyết không sợ hãi. "Tôi đã hét lên. Tôi nghĩ mình đã đánh nó vài lần. Rồi nó bỏ chạy", cụ Rumiko kể lại. May mắn thay, cụ Rumiko chỉ bị trầy xước trên mặt và phải khâu.
Theo cụ Rumiko, việc nhìn thấy những con gấu đi lang thang quanh tỉnh Hiroshima không phải là chuyện bất thường.
Sau sự cố xảy ra ở nhà cụ bà Rumiko, câu lạc bộ săn bắn địa phương (Kuma Rangers, a.k.a Bear Rangers) đã dựng 3 cái lồng trong rừng. Nhân viên cũng tuần tra khu vực này đều đặn.
Nếu chẳng may đối diện với loài gấu hoang, chúng ta nên làm gì?
Theo phản xạ, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ vắt chân lên cổ mà chạy, nhưng đó là hành động cực kỳ nguy hiểm.
Về cơ bản, gấu chỉ nổi điên và tấn công ai đó khi cảm thấy bị đe dọa.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu gặp gấu hãy tạo ra nhiều tiếng ồn nhất có thể, đừng tỏ ra sợ hãi. "Hãy chiến đấu như thể bạn sống được hay không là phụ thuộc vào điều đó".
Việc chúng ta cần làm đó là giữ bình tĩnh và không tỏ ra kinh động, không được chạy trước hay leo lên cây, hãy từ tốn mở rộng cánh tay để làm bản thân trông có vẻ lớn hơn, nói chuyện nhẹ nhàng với nó bằng giọng thấp, thể hiện mình không hề có ý đe dọa.
Sau đó, bạn hãy rút lui từ từ về phía sau.
Trang bị cho bản thân kỹ năng sinh tồn để ứng phó với những loài động vật hoang dã là điều rất cần thiết với mỗi người.
Theo Nguyên Anh (Nguoiduatin.vn)