"Tôi rất sốc và nghĩ mãi vì sao mình lại nhiễm virus. Khi làm việc, tôi thấy rất khỏe mạnh, tôi không có triệu chứng gì... không ho, không cúm, không đau đầu, không thấy gì cả", bà nói với Channel News Asia.
May là thu nhân cho một nhà hàng tại khu dân cư Tiong Bahru (Singapore).
Bà được phát hiện nhiễm bệnh sau khi chủ nhà hàng yêu cầu các nhân viên xét nghiệm trước khi bắt đầu làm việc. Thời gian bà nhiễm bệnh, trong khu vực xuất hiện nhiều ca nhiễm mới, khiến giới chức phải tiến hành xét nghiệm nhân viên, người thuê trọ và khách tới thăm.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, May vẫn đi làm bình thường, nhưng ít giờ sau nhà chức trách thông báo bà dương tính với Covid-19.
Nhập viện tại Trung tâm Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Singapore (NCID) tối hôm đó, bà rất hoang mang.
"Tôi rất sợ hãi, tôi không biết phải làm gì, tôi không rõ điều gì đã xảy ra với tôi hay bệnh viện sẽ làm gì sau khi tôi nhập viện," May, người có một số bệnh mãn tính, nhớ lại.
Tuy vậy, nỗi sợ hãi nhanh chóng biến mất, bởi May không gặp triệu chứng nào, ngay cả sau khi nhập viện.
"Tôi thấy vẫn ổn và khỏe mạnh... Tôi phải xét nghệm gạc mũi họng, xét nghiệm máu, kiểm tra huyết áp và nồng độ oxy máu," bà kể lại.
Thực tế, trong bệnh viện, bà chỉ phải uống thuốc điều trị bệnh mãn tính của mình.
Một tuần sau, bà được xuất viện và đưa tới trung tâm chăm sóc tại Loyang, nơi theo dõi các bệnh nhân triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.
Theo website của Bộ Y tế Singapore, bệnh nhân tại các cơ sở này được theo dõi sứ khỏe thường xuyên, đề phòng trường hợp họ cần chuyển viện để điều trị tốt hơn. Tuy vậy hầu hết các bệnh nhân phục hồi mà không cần can thiệp.
Trường hợp của May không phải là hiếm thấy. Dữ liệu chính thức cho thấy vaccine có thể ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng ở những người nhiễm Covid-19.
"Họ thường ít bị sốt, ít bị ho hay khó hở hơn," bác sĩ Barnaby Young thuộc NCID nói.
"Qua xét nghiệm máu, chúng tôi cũng thấy rằng họ ít bị viêm hơn, và ít có khả năng bị viêm phổi hơn," Young nói thêm.
Ở Singapore tính tới 21/07, trong số 412 trường hợp nhiễm Covid-19 dù đã tiêm đủ liều vaccine ghi nhận trong 28 ngày gần đây, tất cả đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Trong nhóm bệnh nhân đã tiêm một liều vaccine trước khi nhiễm bệnh, chỉ 0,7% phải thở oxy.
Trong nhóm bệnh nhân chưa từng được tiêm vaccine, 2,4% trong tổng số 253 ca nhiễm tại địa phương bị bệnh nặng, cần thở oxy hoặc điều trị tích cực.
Young cho biết NCID hiện đang nghiên cứu tình trạng bệnh của các ca nhiễm Covid-19 ở người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng. Cơ quan này sẽ sớm có thêm dữ liệu cần thiết.
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng cao thời gian gần đây, Singapore kêu gọi người cao tuổi đi tiêm chủng, do họ có nguy cơ bệnh nặng cao nhất.
Trong cuộc họp báo hôm 20/07, đồng chủ tịch đơn vị phản ứng Covid-19 liên bộ Gan Kim Yong cho biết trong số 81 bệnh nhân trên 60 tuổi nhiễm bệnh trong một tuần qua, có 12 người chưa được tiêm chủng.
Theo Gan, đây là một "lo ngại lớn", bởi khoảng 30% dân số trên 70 tuổi của Singapore chưa được tiêm vaccine.
Bộ Y tế Singapore trước đó cho biết họ sẽ nỗ lực tiếp cận để tiêm chủng cho người cao tuổi bằng cách triển khai các đội tiêm vaccine lưu động tới các câu lạc bộ người cao tuổi tại các khu vực dân cư.
Tính tới 20/07, Singapore đã tiêm 6,8 triệu liều vaccine cho người dân. Hơn 2,7 triệu người ở Singapore đã được tiêm chủng đầy đủ, đạt mức gần 49% dân số.
May đã trở lại làm việc, đồng thời cho biết bà sẽ khuyến khích bạn bè, người thân đi tiêm vaccine.
"Sau khi đặt lịch tiêm vaccine, tôi đã đi tiêm ngay, bởi như vậy an toàn hơn cho bản thân, cho gia đình tôi và những người khác," bà nói.
"Nhiều người cho rằng ngay cả khi họ không tiêm chủng, họ cũng sẽ không sao cả, nhưng tôi nói với họ rằng, các anh chị thấy đó, tôi đã nhiễm Covid-19," bà nói thêm.
"Tôi khuyến khích họ tiêm chủng, bởi như vậy tốt hơn cho bản thân họ, giúp gia đình họ và những người khác tránh được bệnh tật, và ngay cả khi nhiễm virus, họ cũng không bị bệnh nặng," May cho biết.
Hồ ANh (Nguoiduatin.vn)