Tại phiên họp thường niên lần thứ 6 về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), phán quyết của PCA về vụ kiện Biển Đông là nội dung đầu tiên được nhắc tới.
"Tôi bất ngờ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) xem xét tất cả các điểm mà Phillippines nêu trong đơn kiện", ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, nói trong bài phát biểu khai mạc hội thảo. "Chúng ta thấy có rất nhiều bãi đá, thực tế chỉ là 4-5 hòn đá, chỉ đủ lớn cho 1 người đứng lên, đừng nói việc sinh sống, không lạ gì khi nó được xem là "không thể sinh sống'."
“Đây là một thành công cho Philippines. Điều thú vị còn lại là liệu còn điều gì sai sót (trong vụ việc này không). Nhưng tôi nghĩ, điều đáng nhấn mạnh là tòa án đã nói rất rõ rằng cả hai nước đều có quyền được đánh cá theo truyền thống tại bãi Scarborough. Đột nhiều điều đó mở ra khả năng cho những hòa giải chính trị sau này", Poling khẳng định.
"Một điểm nữa mà tôi thấy thú vị là dường như tòa án đã ngầm xóa bỏ ý định của Trung Quốc trong tuyên bố đường chín đoạn, hay ít nhất là những phần lãnh hải mà họ sẽ sở hữu theo lý thuyết đường chín đoạn đó", chuyên gia của CSIS nói. "20 năm trước, Trung Quốc tuyên bố lý thuyết đường 9 đoạn, và cho rằng toàn bộ đường 9 đoạn đó là một khối thống nhất, và tất cả những gì nằm trong vùng đó đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc."
Phiên họp của CSIS diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.
Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”, phán quyết của toà cho hay.
Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ "thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh".
Phiền họp lần thứ 6 của CSIS về Biển Đông sẽ thảo luận về các vấn đề đã tồn tại từ lâu và mới phát sinh tại vùng biển được quan tâm nhất thế giới hiện nay. Các học giả đến từ nhiều nước khác nhau, gồm cả các nước là các bên trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
CSIS sẽ đánh giá những diễn biến gần đây trong mối tương quan với các vấn đề quân sự và pháp lý, cũng như thảo luận về những vấn đề địa - chính trị ngày một quan trọng ở khu vực này.