Theo báo cáo dịch tễ chi tiết mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 14-4, ba khu vực dịch tễ báo cáo số ca cao nhất vẫn là châu Âu, châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam), với số ca mới lần lượt là hơn 1,257 triệu, hơn 882.000 và hơn 719.000.
Số ca tử vong ở ba khu vực này lần lượt là 9.844, 8.237 và 2.019 người, chỉ trong 28 ngày thống kê gần nhất.
Tuy số ca cao nhưng ba khu vực này đang trên xu hướng "hạ nhiệt", giảm lần lượt 22%, 33% và 39% về số ca mắc; giảm 12%, 37% và 62%.
Có sự khác biệt rất lớn ở Tây Thái Bình Dương, khu vực dịch tễ gồm một phần châu Á địa lý và châu Úc địa lý. Số ca mắc và tử vong của khu vực này giảm chủ yếu do sự giảm nhiệt từ ba quốc gia vừa bị làn sóng mạnh quét qua cuối năm 2022 - đầu năm 2023 là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn nằm trong "top 3" về số ca với 275.126 ca được báo cáo ở Hàn Quốc và 193.326 ca được báo cáo từ Nhật Bản, tuy nhiên số tử vong đã giảm thấp.
Một số quốc gia trong khu vực này bị WHO "tô đỏ" (tăng mạnh) trên bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỉ lệ số ca mắc mới trên dân số trong 28 ngày qua, khi so sánh với chu kỳ 28 ngày trước, bao gồm Việt Nam và một số nước gần chúng ta như Philppines, Singapore. Màu cam thể hiện sự gia tăng vừa phải cũng xuất hiện ở Malaysia.
Tổng cộng có 39% quốc gia Tây Thái Bình Dương báo cáo sự gia tăng số ca mắc. Xét số quốc gia tăng mạnh (trên 20%) thì tỉ lệ là 29%.
Khu vực dịch tễ Đông Nam Á bên cạnh, tương ứng với một phần Đông Nam Á địa lý và Nam Á địa lý, cũng ngập trong sắc đỏ.
Khu vực này tuy báo cáo số ca hạn chế do xét nghiệm không phổ biến như 3 khu vực dịch tễ kia, nhưng lượng xét nghiệm giám sát cũng đủ phản ánh mức tăng tới 481% so với chu kỳ trước.
Các nước báo cáo số ca tăng mạnh nhất của khu vực dịch tễ Đông Nam Á bao gồm Ấn Độ (tăng 937%), Indonesia (tăng 93%) và Maldives (tăng 614%). Có tới 64% số quốc gia khu vực này báo cáo mức tăng trên 20%.
Đông Địa Trung Hải cũng báo cáo số ca hạn chế nhưng tỉ lệ tăng 144%, chủ yếu do số ca báo cáo từ khu vực Tây Á địa lý. Các nước báo cáo số ca mắc mới tăng cao nhất gồm Ả Rập Saudi, Quatar, Iran, Afghanistan, Pakistan...
Tuy nhiên nhìn chung hầu hết châu Á vẫn không tăng số ca tử vong dù tăng số ca mắc. Mức tăng số ca tử vong chỉ được ghi nhận rõ ràng nhất ở Ấn Độ, Iran, Bhutan, Bangladesh, nơi số ca mắc tăng mạnh hơn các nước khác.
Châu Phi vẫn báo cáo số ca mắc lẫn tử vong cực kỳ hạn chế là 9.155 ca và 22 ca.
Nhìn chung toàn thế giới, số ca mắc trong chu kỳ này giảm 28% so với chu kỳ trước, tử vong giảm sâu 30%.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)