Thống kê của giới chức y tế Trung Quốc cho thấy chỉ trong vòng một tháng qua đã có hơn 30.000 ca nhiễm Covid-19 tại Thâm Quyến. Vốn theo đuổi chính sách "Zero Covid", nên chính quyền thành phố 17,5 triệu dân yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó" và phải làm các xét nghiệm kiểm tra Covid-19 mỗi ngày.
Nữ doanh nhân Guo Qiaoqiao cho biết đã liên tục phải "ngoáy mũi" test Covid-19 trong suốt 25 ngày qua. "Như thế đã là quá đủ" - vị nữ doanh nhân nói và thể hiện sự mệt mỏi vì qui định phòng chống dịch bệnh hiện hành của Thâm Quyến.
"Thâm Quyến hiện tại dành quá nhiều nguồn lực cho việc kiểm tra sàng lọc để xác định không Covid-19. Tôi cảm thấy cách làm này là không ổn" - bà Guo Qiaoqiao nhấn mạnh - "Sự bùng phát dịch tại Thâm Quyến được cho là lây lan bởi những người nhập cảnh trái phép từ Hồng Kông. Nhưng ngay cả khi điều này không đúng thì thực tế giữa Hồng Kông và Thâm Quyến cũng có rất nhiều hoạt động giao lưu. Vì thế, không thể ngăn chặn được dịch bệnh lây lan".
Đa số các ca nhiễm mới Covid-19 tại Thâm Quyến do biến chủng Omicron (đặc biệt là chủng BA.2), có thể dẫn tới không còn truy tìm được nguồn gốc của các đợt bùng phát khác nhau.
Nhiều người dân Thâm Quyến cũng đổ lỗi cho Hồng Kông chính là nguồn lây nhiễm khiến toàn bộ thành phố của họ hiện đang bị phong tỏa. Về mặt chính quyền, vẫn chưa xác khẳng định nguồn lây cho Thâm Quyến từ đâu.
Về phía Hồng Kông họ cũng không đồng ý bị cho là "thủ phạm" gây ra đợt bùng phát hiện tại ở Thâm Quyến.
"Các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Thâm Quyến có thể bắt nguồn từ Hồng Kông nhưng cũng có thể từ bất cứ đâu" - Nhà vi-rút học của ĐH Hồng Kông Jin Dongyan giải thích: "Thực tế trước đó Thâm Quyến mở cửa cho tất cả các tỉnh và thành phố khác nhau ở Trung Quốc chứ không chỉ riêng gì với Hồng Kông"
Covid-19 đang khiến tất cả các hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm tại Thâm Quyến phải dừng hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp, ngoại trừ cung cấp mặt hàng thiết yếu cũng đều phải đóng cửa. Nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà nếu có thể. Cư dân bị cấm rời khỏi thành phố - nơi có trụ sở chính của Tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei Technologies và Tencent Holdings Ltd.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã ghi nhận các ca bệnh trên khắp cả nước, chỉ có Ninh Hạ, Tây Tạng và Tân Cương - không chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát mới.
Theo SCMP, Trung Quốc đã tiêm chủng cho hơn 87% dân số nhưng chủ yếu bằng các loại vắc-xin cho thấy hiệu quả tương đối thấp với biến chủng Omicron.