Mỹ hiện đã ghi nhận 1,9 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 110.000 người đã tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Tính trên phạm vi toàn quốc, 22 bang đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao trở lại, 20 bang ghi nhận số ca nhiễm mới giảm, và tám bang ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức ổn định.
Một trong các bang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất là Florida. Số ca nhiễm mới ghi nhận mỗi ngày tại bang này đã tăng trung bình 46% trong bảy ngày tuần trước, trong bối cảnh chính quyền địa phương đang tiếp tục tiến hành các biện pháp mở cửa trở lại.
Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học California, việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, đóng cửa các địa điểm công cộng đã giúp hơn 60 triệu người Mỹ tránh mắc Covid-19.
"Nghiên cứu không đánh giá các biện pháp trên đã cứu sống bao nhiêu người, nhưng với số ca nhiễm lớn như vậy, tỷ lệ tử vong cũng sẽ cao hơn nhiều so với những gì ghi nhận được hiện nay," các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Trong bối cảnh người Mỹ tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát sau cái chết của George Floyd, các quan chức y tế nhấn mạnh rằng người biểu tình cần tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch bệnh.
Virus SARS-COV-2 có thể lây nhiễm qua nói chuyện, hoặc thậm chí là thở, người nhiễm virus có thể lây bệnh ngay cả khi họ không có triệu chứng. Do đó các bác sĩ cho rằng điều hết sức quan trọng đối với người biểu tình là phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác càng xa càng tốt.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 06/06 cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của các cuộc biểu tình.
Trước đó, giám đốc CDC Robert Redfield hồi đầu tháng cho rằng người biểu tình nên được xét nghiệm virus.
"Tôi cho rằng, rất không may, là có nguy cơ các cuộc biểu tình trở thành sự kiện lây nhiễm," đặc biệt ở các khu vực đô thị đông người vốn đã ghi nhận nhiều ca bệnh Covid-19, theo ông Redfield.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)