Thông tin trên trang web của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy số lượng vắc xin phân bổ cho Triều Tiên giảm xuống còn 1,54 triệu, trong khi số liệu của năm ngoái là 8,11 triệu liều.
Năm nay, COVAX chuyển sang phân bổ vắc xin dựa trên nhu cầu, nên việc tích luỹ vắc xin phân bổ trước đó cho Triều Tiên không còn phù hợp nữa, phát ngôn viên Gavi cho biết.
“Vắc xin được phân bổ cho Triều Tiên dựa trên cân nhắc kỹ thuật nhằm giúp Triều Tiên bắt kịp mục tiêu tiêm phòng quốc tế trong năm 2022 trong trường hợp chính phủ quyết định triển khai chương trình tiêm phòng để đối phó với dịch bệnh”, phát ngôn viên cho biết.
Triều Tiên có vẻ chưa nhập loại vắc xin nào, dù một số báo chí viết rằng ít nhất một số lực lượng như biên phòng có thể đã được tiêm.
Năm ngoái, Triều Tiên từ chối lô vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được COVAX phân bổ vì lo ngại tác dụng phụ, một tổ chức nghiên cứu ở Hàn Quốc cho biết.
Bình Nhưỡng cũng từ chối lời đề nghị của Trung Quốc về việc cung cấp 3 triệu liều vắc xin Sinovac Biotech, UNICEF cho biết.
“Gavi và COVAX tiếp tục trao đổi với Triều Tiên để triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19”, phát ngôn viên Gavi cho biết.
Triều Tiên chưa chính thức xác nhận ca mắc COVID-19 nào, dù thông tin này bị Hàn Quốc và Mỹ hoài nghi.
Triều Tiên là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới khi đại dịch lây lan nhanh hồi năm 2020, và đến tháng trước mới bắt đầu cho phép nối lại hoạt động vận tải bằng tàu hoả với Trung Quốc với quy mô hạn chế.
Quốc hội Triều Tiên thông qua kế hoạch tăng 33,3% ngân sách để chống đại dịch trong năm nay, báo chí nước này đưa tin hôm 7/2.
Nguồn: Reuters
Theo Bình Giang (Tiền Phong)