Cựu Công chúa Nori của Nhật Bản
Cựu Công chúa Nori, hay cựu Công chúa Sayako, là con út Thượng hoàng Akihito và Thái hậu Michiko. Năm 2005, ở tuổi 36, Nori trở thành thành viên đầu tiên của hoàng thất Nhật Bản cưới thường dân sau 45 năm, khi kết hôn với Yoshiki Kuroda - nhân viên bộ phận quy hoạch đô thị tại tòa thị chính Tokyo.
Nori mất địa vị Hoàng gia, phải rời hoàng cung với quyết định đi theo tiếng gọi tình yêu. Được biết đến với tên Sayako Kuroda sau khi đổi theo họ chồng, Nori hiện làm nữ tử tế tối cao (người được giao phụ trách, trông coi thực hiện các tế tự, nghi lễ không thuộc đạo Chúa) ở Ise Grand - ngôi đền Thần đạo quan trọng, linh thiêng nhất Nhật Bản. Trước đây, bà là nhà điểu học, chuyên nghiên cứu các loài chim.
Meghan Markle, nữ Công tước xứ Sussex
Cựu diễn viên người Mỹ làm đám cưới với Hoàng tử Harry năm 2018. Sau chưa đầy hai năm sống ở cung điện, Meghan cùng chồng rút khỏi vai trò thành viên cấp cao Hoàng gia với mục đích độc lập tài chính.
Từ khi sang Mỹ sống, Meghan tập trung phát triển Archewell Inc. - bao gồm quỹ từ thiện phi lợi nhuận mà hai vợ chồng sáng lập và một công ty sản xuất truyền thông, audio.
Sau khi ký hợp đồng sản xuất nội dung với Netflix, Meghan đảm nhiệm vai trò sản xuất các phim tài liệu, phim truyện, chương trình truyền hình và chương trình dành cho trẻ em với gã khổng lồ trực tuyến này. Ngoài ra, năm 2021, cựu diễn viên phim Suits cũng xuất bản cuốn sách đầu tiên dành cho trẻ em, tựa đề The Bench. Sách hiện nằm trong top best-seller trên New York Times.
Công chúa Ubolratana của Thái Lan
Là con đầu lòng cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej và Vương hậu Sirikit, Ubolratana từ bỏ tước vị Hoàng gia (HRH) sau khi kết hôn với công dân Mỹ và cũng là người yêu thời sinh viên - Peter Jensen - năm 1972. Tuy nhiên, họ ly hôn năm 1998. Năm 2001, Ubolratana trở về Thái lan nhưng không được phép tái lập tước hiệu công chúa Hoàng gia Thái Lan, thay vào đó bà được biết đến là "con gái Thái hậu".
Năm 2008, bà bắt đầu sự nghiệp điện ảnh và đóng vai chính trong phim Thái Lan Where The Miracle Happens. Năm 2010, bà tiếp tục tham gia phim My Best Bodyguard. Những năm tiếp theo, Công chúa trở thành nhà thiện nguyện, thành lập nhiều tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Năm 2019, bà chạy đua chức Thủ tướng nhưng bị chính em trai mình - hiện là Quốc vương Maha Vajiralongkorn - ngăn cản. Theo chế độ quân chủ Thái Lan, việc thành viên Hoàng gia tham gia vào chính trị là "không phù hợp".
Công chúa Ameerah của Saudi Arabia
Cựu Công chúa Ameerah, tên đầy đủ Ameerah al-Taweel, từng là thành viên House of Saud (Hoàng gia Saudi Arabia) sau khi bà kết hôn với Hoàng tử Alwaleed bin Talal năm 2008. Sau khi ly hôn năm 2013, cô không còn tước hiệu Hoàng gia nhưng vẫn được chú ý trong vai trò nhà thiện nguyện nổi tiếng, nhà sáng lập và CEO một công ty giải trí.
Là người ủng hộ mạnh mẽ việc trao quyền cho phụ nữ, Ameerah luôn đấu tranh vì các vấn đề quan trọng như quyền lái xe của phụ nữ, quyền thừa kế bình đẳng và quyền nuôi con khi ly hôn. Cô kết hôn lần hai với tỷ phú Khalifa bin Butti Al Muhairi của UAE năm 2018 ở Pháp, sinh con trai sau đó một năm.
Công chúa Märtha Louise của Na Uy
Là con đầu lòng và con gái duy nhất của Quốc vương Harald V và Hoàng hậu Sonja, Märtha Louise từ bỏ tước hiệu cao quý Her Royal Highness, thay bằng Her Highness, khi kết hôn với thường dân - nhà văn Ari Behn - năm 2002. Tuy nhiên, tước hiệu mới không được sử dụng ở Na Uy. Vài năm sau, bà trở thành nhà nhãn thông (chỉ khả năng nhìn thấy các vật thể phi thực tế và tưởng tượng những chuyện có thể xảy đến trong tương lai) từng thành lập "ngôi trường thiên thần", chuyên dạy học sinh cách giao tiếp với các thiên thần.
Năm 2019, Märtha thông báo trên Instagram không sử dụng tước hiệu Her Highness cho các hoạt động kinh doanh, sau khi bị cáo buộc lạm dụng tước hiệu cho "The Princess and the Shaman" của bà với bạn trai pháp sư người da màu Shaman Durek. Cung điện cũng phát đi thông cáo báo chí để xác nhận quyết định này.
Ngoài việc cùng bạn trai mở các lớp học tâm linh, Công chúa Märtha cũng từng viết truyện dành cho trẻ em khá nổi tiếng có tựa đề Why Kings and Queens Don’t Wear Crowns (Tạm dịch: Tại sao Vua và Hoàng hậu không đội vương miện).
Theo Hướng Dương (Ngoisao.net)