"Chúng tôi có nhiệm vụ đi bộ 180.000 bước một tháng, tính theo 30 ngày, trung bình 6.000 bước một ngày. Tuy có vẻ không nhiều, nhưng thực tế, chúng tôi rất khổ sở để đi đủ số bước", một nữ nhân viên công ty bất động sản ở Quảng Châu viết hôm 28/11.
Theo Sohu, cô gái này cho biết hàng ngày đi làm bằng tàu điện ngầm, công việc chủ yếu ngồi trong văn phòng, nên trung bình mỗi ngày chỉ đi được 2.500 bước. Tháng trước, vì không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu 10.000 bước, cô bị trừ 100 tệ tiền lương (14,5 USD).
"Tôi cũng hiểu ban lãnh đạo hy vọng nhân viên năng vận động để giữ gìn sức khỏe, nhưng nhiều hôm phải làm thêm tới khuya, tôi không có thời gian đi bộ. Đi bộ biến thành gánh nặng vì để hoàn thành nhiệm vụ, tôi phải ngủ ít đi", nữ nhân viên than thở.
Cô cho hay để đối phó, nhiều đồng nghiệp đã sử dụng máy lắc điện thoại nhằm tăng số bước chân. Bản thân cô vì làm ở tổng công ty, nên không dám sử dụng ở cơ quan, tối về nhà mới dám dùng.
Bài viết của nữ nhân viên ở Quảng Châu đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội và báo chí Trung Quốc. Một tờ báo ở Hàng Châu đưa tin một công ty kinh doanh thiết bị y tế quy định nhân viên mỗi ngày phải đi bộ ít nhất 7.000 bước. Nếu không hoàn thành, cả phòng ban sẽ bị phạt tiền thưởng, nếu hoàn thành và xếp trong ba bộ phận có thứ hạng cao nhất, sẽ được thưởng. Chính sách này tỏ ra hữu dụng, khi nhiều người bắt đầu tham gia các phong trào chạy bộ.
Một công ty khác ở Trùng Khánh quy định nhân viên mỗi ngày đi bộ ít nhất 10.000 bước. Nếu không đủ không bị phạt tiền, nhưng sẽ bị phạt chống đẩy. Sau một tháng thực hiện, nhiều nhân viên ý thức được sức khỏe kém, thay vì chơi điện tử buổi trưa ở văn phòng, đã ra ngoài vận động.
Cam Tĩnh, một luật sư của văn phòng luật sư Kiệt Hải, tỉnh Quảng Đông, nhận định phạt tiền lương nhân viên nếu không đi bộ đủ số bước là vi phạm luật lao động. Công ty nên có chính sách khuyến khích nhân viên vận động phù hợp hơn.
Trên mạng xã hội Weibo, những người ưa vận động tán đồng với chính sách phạt tiền.
"Giới cổ cồn trắng hiện nay quá lười. Đi làm ngồi 8 tiếng, tan sở không đi uống rượu lại nằm nhà chơi điện tử. Không có người giám sát sẽ không chủ động rèn luyện, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như hiệu suất lao động", một người có tên A Văn viết.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản đối, bởi cho rằng đi bộ không nằm trong nội dung công việc, không thể lấy đó làm căn cứ phạt tiền lương.
"Nếu vậy, buổi tối tôi dành thời gian luyện tập, có được trả tiền làm thêm giờ không", Tiểu Ngô, nhân viên đồ họa một công ty quảng cáo ở Quảng Châu viết.
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)