Ông David Lochridge, cựu giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải của dự án tàu lặn Titan, bị sa thải vào năm 2018 sau khi công ty không đồng ý với yêu cầu của ông về việc kiểm tra an toàn nghiêm ngặt hơn đối với tàu lặn, bao gồm cả thử nghiệm để chứng minh tình trạng hoàn thiện.
Theo tờ Daily Mail hôm 20-6, OceanGate khi đó cho rằng việc thực hiện quy trình phân loại con tàu có thể mất nhiều năm và sẽ là "lời nguyền" đối với sự đổi mới nhanh chóng.
Ông Lochridge, người có vai trò giám sát an toàn trong dự án tàu lặn Titan, đã thúc giục OceanGate phân loại con tàu cách đây vài năm trước khi bị sa thải vì bất đồng về việc kiểm tra an toàn con tàu.
Cựu giám đốc này cũng muốn công ty tiến hành quét thân tàu để phát hiện các lỗ hổng tiềm ẩn thay vì dựa vào giám sát âm thanh – điều này chỉ giúp phát hiện vấn đề trong thời gian rất ngắn trước khi con tàu phát nổ.
Tiết lộ này rất quan trọng vì lực lượng cứu hộ không biết liệu Titan có còn ở dưới đáy đại dương hay không, dẫn đến lo ngại rằng nó có thể nổ tung dưới áp suất cực lớn.
Trong hồ sơ gửi tòa án vào năm 2018, các luật sư của công ty cho biết công việc của ông Lochridge bị chấm dứt vì không thể chấp nhận các nghiên cứu và kế hoạch của họ, bao gồm các quy trình an toàn.
OceanGate cũng tuyên bố rằng ông Lochridge đã chia sẻ thông tin bí mật với những người khác và xóa sạch ổ cứng của công ty.
Ông Lochridge từng kêu gọi OceanGate tìm đến một cơ quan phân loại, như Cục Vận chuyển Mỹ, để kiểm tra và chứng nhận tàu Titan.
Theo hồ sơ pháp lý, OceanGate đã từ chối cả hai yêu cầu và tuyên bố rằng họ không sẵn sàng trả tiền cho một cơ quan phân loại để kiểm tra thiết kế thử nghiệm của mình.
Tàu lặn Titan, với giá vé 250.000 USD/người, vẫn mất tích cùng với 5 người trên tàu sau khi mất liên lạc trong quá trình lặn xuống xem xác tàu Titanic, nằm ở độ sâu khoảng 3.800 m dưới Đại Tây Dương. Chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành để xác định vị trí và trục vớt chiếc tàu lặn trước khi nguồn cung cấp oxy cạn kiệt.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ hôm 20-6 chạy đua với thời gian và đối mặt với một loạt thách thức hậu cần khắc nghiệt, bao gồm áp suất cực cao dưới đại dương, để tìm tàu lặn. Con tàu được trang bị lượng oxy đủ dùng trong vài ngày và tính đến 13 giờ (giờ địa phương), lượng không khí chỉ còn đủ dùng trong khoảng 40 giờ.
Ngay cả khi tàu lặn Titan có thể được định vị thì việc trục vớt sẽ không dễ dàng. Vì những thợ lặn giỏi nhất cũng không thể lặn sâu hơn vài trăm mét cách mặt nước biển một cách an toàn.
Để thu hồi các vật thể dưới đáy biển, Hải quân Mỹ sử dụng phương tiện điều khiển từ xa có thể đạt độ sâu 6.000m. Nhưng những con tàu chở phương tiện như vậy thường di chuyển không nhanh hơn 30 km/giờ và xác tàu Titanic nằm cách bờ biển Newfoundland - Canada khoảng 600 km.
Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush là một trong 5 người trên tàu ngầm mất tích, cùng với 2 nhà thám hiểm nổi tiếng, doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood và con trai Suleman.
Doanh nhân Dawood và con trai đều mang quốc tịch Anh. Gia đình ông Dawood là một trong những gia đình nổi tiếng nhất Pakistan, có công ty cùng tên đầu tư trên khắp đất nước trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và y tế.
Ông Dawood, 48 tuổi, cũng là phó chủ tịch hội đồng quản trị Engro Corporation, một tập đoàn có trụ sở tại Pakistan hoạt động trong một số lĩnh vực như sản xuất phân bón, hóa chất. Con trai của ông - Suleman, 19 tuổi - đang học đại học.
Tỉ phú người Anh Hamish Harding, 58 tuổi, cũng được xác nhận là một trong những hành khách. Ông Harding hiện là chủ tịch Action Aviation - một công ty kinh doanh và điều hành cung cấp nhiều dịch vụ trong ngành hàng không.
Một nhân vật nổi tiếng khác là ông Paul-Henri Nargeolet, cựu chỉ huy từng phục vụ trong Hải quân Pháp 25 năm. Trong thời gian đó, ông là đội trưởng đội lặn sâu của Hải quân Pháp. Ông Nargeolet đã dẫn đầu một số cuộc thám hiểm đến địa điểm tàu Titanic và từng tham gia nhiều cuộc thám hiểm khoa học, kỹ thuật trên khắp thế giới.
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)