Vụ việc được phanh phui sau khi một nữ khách hàng bày tỏ sự thất vọng của mình trên mạng xã hội sau khi cô đã không thể mua những gói băng vệ sinh trên các chuyến tàu cao tốc vào thời điểm kỳ kinh nguyệt đến sớm hơn mọi khi.
Chia sẻ trên Weibo vào cuối tuần trước, người phụ nữ cho biết: “Tôi không muốn bất cứ chị em nào phải gặp tình huống xấu hổ như vậy nữa, vì vậy tôi sẽ kể lại chuyện này và hy vọng nó có thể được giải quyết."
Các cuộc thảo luận trực tuyến hiện tập trung vào vấn đề băng vệ sinh đáng lẽ là mặt hàng luôn sẵn có để bán trên các chuyến tàu của công ty đường sắt China Railway. Tuy nhiên khi được hỏi thì các nhân viên trên tàu cho biết, họ chỉ phục vụ các món ăn nhẹ và đồ lưu niệm, còn băng vệ sinh thuộc về hàng cá nhân nên không được bày bán một cách công khai.
Chia sẻ trên trang tin tức video Pear Video, một đại diện chăm sóc khách hàng phục vụ đường dây nóng cho biết, ngành đường sắt quốc gia từ chối bán các mặt hàng băng vệ sinh vì chúng là đồ riêng tư nên khách hàng phải tự chuẩn bị cho bản thân.
Ngay khi câu chuyện của vị nữ khách hàng được đăng tải trên mạng xã hội Weibo, bài đăng đã thu hút 760 triệu lượt xem và gần 200.000 bình luận tính đến trưa ngày 20/9.
Trong khi nhiều ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết công ty đường sắt không bán băng vệ sinh trên các chuyến tàu và kêu gọi nhà điều hành thay đổi quan điểm, thì ở chiều ngược lại không ít người lại đứng ra bênh vực quan điểm này vì cho rằng băng vệ sinh chỉ là một phần nhỏ trong nhu cầu của đa số hành khách sử dụng dịch vụ đường sắt.
Duan Tao, giáo sư tại Bệnh viện Phụ sản và Trẻ sơ sinh số 1 Thượng Hải cho biết: “Băng vệ sinh chỉ là một vấn đề nhỏ trong câu chuyện, nhưng đằng sau điều này là một sự thật đã bị chối bỏ từ lâu, đó là vấn đề quyền của phụ nữ”.
“Hầu hết những người ra quyết định các vấn đề công là nam giới, những người tập trung vào những thứ như các cơ sở công cộng, phương tiện giao thông cần được xây dựng thế nào. Cho dù có sự tham gia của phụ nữ đi nữa thì các đặc điểm sinh học của phái nữ hiếm khi được xem xét." ông Duan Tao viết trong một bài đăng trên Weibo hôm 19/9.
Một bài viết trên ấn phẩm China Comment của Tân Hoa Xã cũng đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem xét lại này nhu cầu của chị em phụ nữ.
Bài đăng có đoạn: “Là một trong những nhu cầu cơ bản của phụ nữ, băng vệ sinh cũng cần được phục vụ trong một môi trường xã hội văn minh, hiện đại giống như việc chúng ta cố gắng đáp ứng những nhu cầu cơ bản khác của người dân”.
Dù ngày nay, nhận thức xã hội về quyền phụ nữ ở Trung Quốc đã gia tăng đáng kể tuy nhiên những chuyện tế nhị như vấn đề kinh nguyệt vẫn được xem là "nhạy cảm" tại quốc gia tỷ dân này. Thậm chí, nhiều nơi người ta không gọi thẳng vấn đề này mà chỉ dùng cụm từ lóng như "bà dì của tôi" khi nhắc đến chuyện kinh nguyệt.
Một người dùng Weibo cho biết: “Có lẽ chỉ khi xã hội chấm dứt sự kỳ thị về kinh nguyệt và thoải mái nói trực tiếp về chủ đề này, băng vệ sinh mới trở thành loại 'hàng hóa bình thường', thay vì bị xem là ‘đồ cá nhân".
Nhi (Nguoiduatin.vn)