Công nghệ quân sự bí mật giúp bảo vệ lễ nhậm chức của Trump

20/01/2017 13:58:00

Sở Mật vụ Mỹ phải ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để vô hiệu hóa mối đe dọa từ các loại thiết bị bay điều khiển từ xa như flycam.

Sở Mật vụ Mỹ phải ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để vô hiệu hóa mối đe dọa từ các loại thiết bị bay điều khiển từ xa như flycam.
 
 
Khi hàng trăm nghìn người tập trung tại thủ đô Washington D.C. để theo dõi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Sở Mật vụ Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa mới từ thiết bị bay điều khiển từ xa (flycam, drone). Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết đang triển khai các công nghệ phòng thủ để chống lại đe dọa này, NBC News ngày 19/1 đưa tin.

Máy bay không người lái đang trở nên phổ biến trong nhiều năm qua, nhưng nó có thể trở nên nguy hiểm trong tay kẻ xấu. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từng sử dụng máy bay không người lái mang theo chất nổ để tấn công lực lượng an ninh Iraq làm nhiều người chết và bị thương, khiến đặc nhiệm Mỹ phải gọi chúng là "bom tự chế bay".

Điều này khiến lực lượng an ninh tại Washington DC phải đặc biệt chú ý tới các loại drone trong lễ nhậm chức của ông Donald Trump. "Drone bị cấm hoàn toàn trên không phận Washington D.C. Đây là điều chúng tôi đã lên kế hoạch, chúng tôi cũng có công nghệ để xử lý chúng", Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson cho biết. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ về công nghệ chống thiết bị bay không người lái của Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng việc phát hiện những drone kích thước nhỏ là rất khó khăn, chưa kể tới việc triển khai phương án ngăn chặn từ dưới mặt đất. Radar truyền thống không có hiệu quả, bởi chúng rất dễ nhầm lẫn tín hiệu giữa chim chóc và máy bay không người lái.

Ngoài Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nhiều công ty tư nhân cũng đang phát triển công nghệ chống drone riêng. Công ty DroneShield sử dụng hàng loạt microphone để xác định tiếng động cơ của thiết bị bay điều khiển từ xa, sau đó giành quyền kiểm soát hoặc gây nhiễu bằng một khẩu súng bắn chùm sóng radio.

Hệ thống này đã chứng tỏ hiệu quả tại Australia và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, việc gây nhiễu tín hiệu tại Mỹ phải được sự cho phép của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC). Hiện tại, chỉ có quân đội và mật vụ Mỹ được sử dụng công nghệ của DroneShield.

cong-nghe-quan-su-bi-mat-giup-bao-ve-le-nham-chuc-cua-trump

Súng bắn sóng radio của DroneShield. Ảnh: NBC News.

Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)