Ông Mun Chol Myong, một công dân Triều Tiên, đã bị Mỹ giam giữ vào ngày 20/3 sau khi được dẫn độ từ Malaysia. Ông là công dân Triều Tiên đầu tiên bị dẫn độ sang Mỹ và đối mặt với tiến trình xét xử pháp lý.
Theo AFP, văn phòng Cục Điều tra Liên bang (FBI) tại Washington DC là đơn vị thực hiện vụ bắt giữ, dẫn giải.
Mun, ngoài 50 tuổi, đã sống ở Malaysia trong hơn 10 năm qua và bị bắt vào tháng 5/2019. Ông này bị cáo buộc rửa tiền thông qua các công ty bình phong, làm giả giấy tờ cho các tàu chở hàng bất hợp pháp và cung cấp xa xỉ phẩm từ Singapore đến Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Mun phủ nhận toàn bộ cáo buộc.
Doanh nhân Triều Tiên đã gửi đơn lên tòa án khiếu nại quyết định của cơ quan thực thi pháp luật Malaysia. Tuy nhiên, nỗ lực kháng cáo của ông Mun đã không thành, với việc tòa án Malaysia đã bác đơn của ông hôm 9/3 đồng thời cho phép dẫn độ ông sang Mỹ.
Ngày 19/3, Triều Tiên đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia sau khi quốc gia Đông Nam Á này đưa ra phán quyết cuối cùng. Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ Bình Nhưỡng coi việc Kuala Lumpur dẫn độ công dân Triều Tiên sang Mỹ là "hành động thù địch".
Chiều cùng ngày, trong thông báo của mình Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết rất "lấy làm tiếc" về quyết định trên của Triều Tiên, đồng thời coi động thái này "không mang tính xây dựng", không tôn trọng tinh thần tôn trọng lẫn nhau và mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các thành viên trong cộng đồng quốc tế.
Malaysia cũng yêu cầu tất cả các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur và thân nhân rời khỏi quốc gia Đông Nam Á này trong vòng 48 giờ kể từ ngày 19/3.
Được biết, ngay sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao, đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur đã hạ cờ, tháo bảng hiệu và khóa cổng hôm 21/3. Các nhà ngoại giao Triều Tiên cũng đã rời khỏi cơ sở này.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)