Công cuộc "tự sát" và nỗi nhục muôn thuở của người Trung Quốc

11/12/2015 09:10:38

Những nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây đã khẳng định: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Thanh triều thua đau Nhật Bản trong chiến tranh Giáp Ngọ là bởi... "tự mình hại mình".

Những nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây đã khẳng định: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Thanh triều thua đau Nhật Bản trong chiến tranh Giáp Ngọ là bởi... "tự mình hại mình".

Chiến tranh Giáp Ngọ (còn được biết tới với tên gọi “Chiến tranh Thanh – Nhật”) xảy ra vào năm 1894. Hơn một thế kỷ qua đi, sự kiện này lẽ ra đã lùi vào quá khứ, trở thành một vấn đề học thuật thuần túy để nghiên cứu.

Nhưng tới ngày nay, người Trung Quốc khi nhắc tới cuộc chiến tranh với thất bại ê chề của mình vẫn không khỏi cảm thán. Nhìn lại 120 năm kể từ khi sự kiện này diễn ra, đối với Trung Quốc, đây vẫn bị coi như “mối nhục mất nước, mất chủ quyền”.

Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn đến thấy bại thảm hại này không phải bởi chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa hai đất nước, mà là do Trung Quốc lúc đó đã “tự mình hại mình”.

Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề này, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thất bại của Trung Quốc trong chiến tranh Giáp Ngọ xuất phát từ cuộc phân tranh về chính trị diễn ra trong nội bộ đất nước khi đó.

Về lý thuyết mà nói, Trung Quốc khi đó là thời đại của một đế chế nhất mà quyền lực tối cao thuộc về Hoàng đế. Quân quyền là tối thượng. Vua yêu cầu quần thần chết, quần thần phải chết, vua bảo sao, dân phải làm vậy.

Trong khi đó, Nhật Bản khi đó đang duy trì chế độ chính trị phân quyền, chính phủ bị quản chế bởi chủ nghĩa hợp hiến, bởi quân đội và Thiên hoàng.

Về mặt lý thuyết, so với bộ máy chính quyền Trung Quốc khi đó, năng lực động viên quân lính của Nhật Bản có phần thua kém hơn hẳn. Vậy, vì sao Trung Quốc lại phải chịu kết cục ‘thua đau” như vậy?

Nguyên nhân chủ yếu khiến Thanh triều thảm bại trong cuộc chiến tranh với Nhật Bản năm 1894 không phải do thua kém về mặt quân sự.

Lý giải nguyên nhân khiến quan quân Thanh triều ê chề trước Nhật Bản

Thực tế đã chứng minh, nội bộ Trung Hoa khi đó mặc dù bề ngoài biểu hiện hài hòa, thống nhất, nhưng bên trong lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn, xung đột không thể dung hòa, chứ chưa nói đến chuyện nhất chí đồng lòng.

Lưỡng cung (chỉ phe của Từ Hy và phe của Hoàng đế Quang Tự) lúc đó giữa việc đánh hay hàng vẫn không đồng nhất về ý kiến.

Trong triều cũng chia làm nhiều phe phái. Các vị trọng thần như Lý Hồng Chương, Ông Đồng Hòa, Trương Chi Động đều tranh thủ thiết lập vây cánh, vì bất đồng ý kiến nên đấu đá lẫn nhau.

Lý Hồng Chương là người trực tiếp chịu trách nhiệm về các hoạt động ngoại giao của triều đình nhà Thanh. Ông trở thành “chủ soái” thống lĩnh quân đội phe Trung Quốc.

Trước thất bại của Thanh triều cùng những điều ước bất bình đẳng được ký kết sau chiến tranh, ông bị nhiều người coi là “kẻ địch của quốc gia”, là “Hán gian”, là “quân bán nước”…

Ông Đồng Hòa trước trận chiến thuộc phe chủ chiến. Sau chiến trận, ông lại chủ trương đền tiền chứ không cắt đất.

Nhiều học giả khi nghiên cứu về chiến tranh Giáp Ngọ đã khẳng định: Nếu như khi đó Thanh đình nghe theo ý kiến của Ông Đồng Hòa, chứ không phải nghe theo Lý Hồng Chương, Trung Quốc sẽ không phải chịu thất bại ê chề như vậy.

Một nhân vật khác có tầm ảnh hưởng cùng Lý Hồng Chương và Ông Đồng Hòa là Trương Chi Động. Tuy nhiên những ý kiến của Trương Chi Động trong vấn đề Đài Loan vào giai đoạn hậu chiến đều không được công bố.

Khi đó, các phe phái đối lập trong triều còn có Văn Đình Thức, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu.

Từ đây, các nghiên cứu chỉ ra rằng triều đình nhà Thanh, quân Thanh đã không đồng nhất từ ý kiến tới hành động. Mặt khác, tại thời điểm mấu chốt nhất, Tôn Trung Sơn đã phát động cách mạng, tiến hành nổi dậy, triệt hạ đường lui của triều đình nhà Thanh.

Đứng trên lập trường của Tôn Trung Sơn và Đảng cách mạng, đây là một trận chiến phi nghĩa. Thanh triều hủ bại, Lý Hồng Chương hủ bại, hải quân Bắc Dương hủ bại. Trung Hoa khi ấy đứng trước tình cảnh một cổ hai tròng dưới sự thống trị của người Mãn Châu và thực dân.

Chính vì lẽ đó, Tôn Trung Sơn đã không thể bàng quang đối với trận đấu này, thậm chí còn nhân cơ hội quân đội Nhật Bản tiến công, thuận thế phát động cách mạng phản đối dân tộc Mãn Châu và thực dân, khôi phục Trung Hoa.

Tôn Trung Sơn và Đảng cách mạng Trung Quốc cho rằng, chiến tranh Giáp Ngọ bản chất không phải là sự tranh đấu giữa hai quốc gia, mà là “chiến tranh Thanh – Nhật”, là “ dân tộc tiến bộ” Nhật Bản xua đuổi “dị tộc cũ” Mãn Châu.

Chính những bất đồng nội bộ này đã chôn vùi nền chính trị Trung Hoa khi đó. Rất nhiều công trình nghiên cứu sau này cũng đã khẳng định đây là nguyên nhân sâu xa chủ yếu dẫn đến sự thất bại ê chề của Trung Quốc trong cuộc chiến với nước láng giềng.

Theo Trần Quỳnh (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật