Công chúa Mako sẽ rời Hoàng gia Nhật Bản và trở thành thường dân sau khi kết hôn với Kei Komuro, 30 tuổi, công dân Nhật Bản vừa tốt nghiệp một trường luật ở New York.
Hôn lễ của họ chủ yếu bao gồm các thủ tục giấy tờ và tổ chức họp báo.
Kết hôn với thường dân không phải là hiếm đối với Hoàng gia Nhật Bản, tuy vậy hôn lễ của Công chúa Mako không bao gồm nhiều nghi thức truyền thông. Vị công chúa này thậm chí đã từ chối số tiền hồi môn trị giá 1,3 triệu USD thường dành cho các thành viên nữ của Hoàng gia Nhật Bản lấy chồng thường dân.
Người dân Nhật Bản ban đầu ủng hộ việc Công chúa Mako đính hôn với Kei Komuro, tuy vậy mọi chuyện trở nên phức tạp sau khi các tờ báo lá cải đưa tin về bê bối tài chính liên quan tới mẹ của Komuro, khiến truyền thông nhanh chóng đăng tải các thông tin tiêu cực về anh này.
Do Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản không đưa ra giải thích rõ ràng nào, câu chuyện nhanh chóng được truyền thông chính thống của Nhật Bản đưa tin.
"Các thành viên Hoàng gia Anh luôn rõ ràng khi họ cần phải giải thích điều gì đó, nhưng vụ việc này thậm chí còn không được nói cho rõ," phó giáo sư Hideya Kawanishi thuộc Đại học Nagoya giải thích.
Mọi chuyện bắt đầu một cách êm thấm vào năm 2017, khi Công chúa Mako và Kei Komuro, vốn là một cặp đôi từ khi còn là bạn học của nhau, thông báo họ đã đính hôn.
Vài tháng sau, các tờ báo lá cải lần lượt đăng tải thông tin về tranh chấp tài chính giữa mẹ ruột của Komuro và chồng cũ của bà này. Người đàn ông cho rằng Komuro và mẹ của anh ta chưa trả nợ 35.000 USD. Komuro nói số tiền này được người đàn ông tặng cho anh và mẹ, không phải vay nợ.
Hồi tháng 04 vừa qua, Komuro đưa ra lời giải thích dài 24 trang giấy, đồng thời khẳng định anh sẽ thanh toán tiền hòa giải tranh chấp.
Hồi tháng 02/2018, hôn lễ được xác nhận sẽ tạm hoãn, lấy lý do cần thời gian để "chuẩn bị". Sáu tháng sau, Komuro rời Nhật Bản tới Mỹ theo học trường luật của Đại học Fordham, và chỉ trở lại quê nhà sau đó ba năm.
"Hoàng gia phải tồn tại mà không có những bê bối tiền bạc, tài chính hay chính trị," giáo sư Akinori Takamori, giảng viên Đại học Kokugakuin ở Tokyo nói.
"Về mặt đạo đức, người Nhật muốn họ là những tấm gương sáng," giáo sư này cho biết thêm.
Cha của Công chúa Mako, Thân vương Fumihito, trong một cuộc họp báo hồi năm 2018 cho biết hôn lễ sẽ không thể diễn ra "khi vấn đề tài chính chưa được giải quyết", đồng thời bổ sung rằng ông và con gái "gần đây ít khi nói chuyện với nhau".
Hồi tháng 11/2020, Công chúa Mako ra thông báo khẳng định việc kết hôn là "sự lựa chọn cần thiết".
Komuro trở lại Nhật Bản trong tháng 09 vừa qua, sau khi tốt nghiệp trường luật của Đại học Fordham và được một hãng luật ở New York tuyển dụng. Xuất hiện trước ống kính với mái tóc đuôi gà, anh bị truyền thông chỉ trích "bất kính".
Komuro sau đó đã tới gặp mặt cha mẹ của Công chúa Mako. Các tờ báo lá cải đưa tin anh trễ giờ do tắc đường.
Sau hôn lễ hôm 26/10, Công chúa Mako, người chưa từng có hộ chiếu, sẽ chuẩn bị cho cuộc sống mới ở New York, Mỹ.
Câu chuyện của Công chúa Mako được so sánh với Hoàng tử Harry và Công nương Meghan Markle ở Anh. Cặp đôi này đã từ bỏ tư cách thành viên cấp cao của Hoàn gia Anh để chuyển tới Mỹ sinh sống, tuy vậy giáo sư Takamori cho rằng có những sự khác biệt lớn.
"Không có chỗ cho Komuro ở Nhật Bản, do đó Mako dù rất yêu thương gia đình cũng không thể ở lại. Không có chuyện họ mất lòng gia đình," Takamori nhận xét.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)