Đức Huệ là nàng công chúa cuối cùng của Triều Tiên, là cô con gái cưng của Cao Tông (Quang Vũ đế). Vì sự biến động của lịch sử mà bà bị bắt đưa sang Nhật Bản để làm con tin rồi sống cuộc đời tủi nhục, cô độc đến mức mắc bệnh thần kinh, lúc tỉnh lúc bệnh.
Dù được người đời gọi là công chúa nhưng theo quy định của Hoàng gia Triều Tiên thời ấy, bà chỉ được phong làm Đức Huệ Ông chúa (德惠翁主, 덕혜옹주, Tŏkhye Ongju). Vì theo tục lệ, chỉ có đích nữ - con gái của Hoàng hậu - mới được phong làm Công chúa (Kongju). Còn thứ nữ con gái của phi tần - chỉ được gọi là Ông chúa (Ongju).
Đức Huệ Ông chúa là con gái út của Cao Tông với Lương cung nhân. Bà chào đời vào tháng 5/1912 - giai đoạn loạn lạc của triều đình Triều Tiên, chịu sự chi phối của hoàng gia Nhật Bản. Có thêm con gái ở tuổi xế chiều nên Quang Vũ đế rất yêu thương và cưng chiều Đức Huệ. Cũng vì quá thương yêu Đức Huệ Ông chúa mà Quang Vũ đế ngày đêm lo lắng con gái sẽ bị người Nhật cướp về Nhật Bản, giống như cách họ từng đối xử với thái tử Ý Mẫn của mình. Đức Huệ càng lớn, nỗi sợ trong lòng Cao Tông cũng tăng lên. Ông nghĩ đến một biện pháp là hứa hôn Đức Huệ cho một người khác, bằng cách này quân Nhật sẽ không cướp con gái và ép gả cô cho người Nhật Bản. Ông lén cho người tuyển chọn con rể phù hợp ý mình rồi giúp đỡ nuôi dạy cậu bé để làm chỗ dựa cho con gái mình sau này.
Không ngờ kế hoạch lại bị phát giác, người ta giết chết người hầu thân cận của Cao Tông, cắt đứt mọi liên lạc của ông với bên ngoài. Không lâu sau đó, Cao Tông bị đầu độc chết, Thuần Tông kế ngôi. Đức Huệ Ông chúa mới 7 tuổi đã mồ côi cha. Không người bảo bọc, chở che, bà trở thành con cờ trong tay kẻ xâm lược.
Năm 1925, khi Đức Huệ Ông chúa mới 13 tuổi đã bị ép đưa sang Nhật Bản. Khi Đức Huệ Ông chúa đến Nhật Bản, vợ của thái tử Ý Mẫn là Thái tử phi Phương Tử đã ra đón bà. Ngay lần đầu gặp mặt, Thái tử phi đã choáng váng vì vẻ tiều tụy, u buồn của cô em chồng nhỏ tuổi. Cho đến tận 60 năm sau, Thái tử phi vẫn không quên được đôi mắt đầy đau đớn, nét mặt lặng lẽ cô đơn đến vô cảm của nàng Ông chúa nhỏ.
Vợ chồng Thái tử Ý Mẫn ngỏ ý muốn được nuôi dạy Đức Huệ Ông chúa nhưng lại bị phía Nhật từ chối. Không có người thân bảo bọc an ủi, một thân một mình nơi xứ người càng khiến Đức Huệ thêm cô độc. Bà như thay đổi hoàn toàn so với ngày xưa khi vẫn còn là nàng Ông chúa thơ ngây, lém lỉnh và lanh lợi. Đức Huệ từ chối giao tiếp với tất cả mọi người, cả ngày không nói một lời. Lần duy nhất bà mở miệng nói chuyện với anh trai là lúc Thái tử cùng vợ rời khỏi Nhật Bản vào năm 1926. Dường như để anh trai an tâm, bà nói bằng giọng yếu ớt: "Yên tâm, em sẽ tự chăm sóc cho mình".
Năm 1929, Đức Huệ nhận tin mẹ đẻ Lương quý nhân qua đời. Bà nhốt mình trong phòng, không ăn uống hay bước ra ngoài suốt nhiều ngày trời. Cùng đường, phía Nhật Bản đành phải cho bà về tham gia tang lễ của mẹ. Nhưng chỉ 15 ngày sau đó họ đã vội vàng ép bà về Nhật Bản vì không muốn Đức Huệ tiếp xúc nhiều với người thân. Dù chỉ gặp em gái 15 ngày nhưng vợ chồng thái tử Ý Mẫn đã vô cùng lo lắng vì Đức Huệ giống như cái xác không hồn, người gầy gò chỉ còn da bọc xương, da trắng bệch. Không chỉ không nói, bà dường như mất hết mọi cảm xúc. Ngày tang của mẹ, bà không đau buồn, không rơi nước mắt, đôi mắt tràn đầy sự lạnh lùng và mờ mịt.
Lúc này người ta mới tá hỏa phát hiện, Đức Huệ Ông chúa đã mắc một loại bệnh thần kinh. Dù đã ra sức chạy chữa nhưng bệnh tình của bà ngày càng chuyển biến xấu hơn, không thể tiếp tục bài vở, học tập. Đến tận lúc này, người Nhật Bản mới chịu giao bà cho anh trai Thái tử. Bà không ăn không uống, nằm trên giường không động đậy như người chết. Có những đêm bà như người mộng du, lang thang trên hành lang vắng. Mới hơn 17 tuổi bà đã bị chẩn đoán là mắc bệnh "mất trí sớm".
Ngay lúc bệnh tình của Đức Huệ chuyển nặng, phía cầm quyền Nhật Bản vẫn ép bà phải kết hôn với Bá tước Sō Takeyuki bất chấp mọi sự phản đối của Hoàng Thái tử. Vì Thái tử Ý Mẫn cho rằng việc điều trị bệnh tật cho em gái mới là điều quan trọng nhất và ông cũng muốn giúp đỡ em gái hoàn thành ước mơ. Trước khi phát bệnh, Đức Huệ từng chia sẻ với anh trai, bà muốn quay về quê hương Triều Tiên sau khi tốt nghiệp đại học. Bà chỉ muốn làm một giáo viên tiểu học bình thường, được sống cuộc sống bình dân giản dị ở quê nhà. Thái tử Ý Mẫn biết, nếu kết hôn với quý tộc người Nhật, khao khát quay về quê hương của Đức Huệ sẽ càng khó thực hiện hơn.
Năm 19 tuổi, bệnh tình của Đức Huệ Ông chúa dần chuyển biến tích cực hơn. Bà bắt đầu khôi phục ý thức, bắt đầu nhận ra người xung quanh và cũng bắt đầu thèm ăn. Thỉnh thoảng bà cũng nói vài câu với người xung quanh. Thấy vậy, người Nhật lại vội vàng ép bà làm đám cưới vào năm 1931.
Ngày 14/8/1932, Đức Huệ Ông chúa hạ sinh con gái Masae, nhưng bệnh tình của bà vẫn không giảm bớt. Bệnh viện cũng thành nơi ở hàng ngày của bà. Những tháng năm bà nằm trên giường bệnh, thế giới và quê hương của bà cũng đã thay đổi liên tục. Cảm thấy Đức Huệ Ông chúa không còn giá trị lợi dụng nữa nên Sō Takeyuki quyết định ly hôn rồi bỏ rơi bà ở bệnh viện vào năm 1953. 2 năm sau đó, con gái duy nhất của Đức Huệ Ông chúa tự sát càng khiến bệnh tình của bà nặng hơn, mất hoàn toàn ý thức với thế giới xung quanh.
Phải đến tận năm 1962, Đức Huệ Ông chúa mới được phép quay về quê hương sau 37 năm cô độc lưu lạc nơi xứ người, bị bệnh tật hành hạ. May mắn quê hương đã giúp Đức Huệ dần dần hồi phục. Điều khiến người ta bất ngờ hơn cả là dù đã có thời gian mắc bệnh nặng nhưng Đức Huệ Ông chúa vẫn nhớ rõ mọi nghi lễ cung đình ngày xưa. Bệnh tình tốt hơn, bà chuyển đến điện Nakseon, làm bạn cùng anh trai và chị dâu. Ngày 21/04/1989, Đức Huệ Ông chúa qua đời tại cung Changdeok và được an táng ở Hongryureung gần Seoul.
Theo Ngọc Minh (Helino)