Trong phân tích được tiến hành bởi Giáo sư David Goulson - một trong những nhà sinh thái học hàng đầu của Vương quốc Anh, ông cho biết, 50% số côn trùng đã chết từ năm 1970 do mất môi trường sống và sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, thậm chí con số này có thể còn cao hơn.
Một báo cáo khoa học mới cảnh báo, nếu chúng ta không dừng việc làm giảm số lượng côn trùng, điều này sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho tất cả các sinh vật khác trên Trái đất.
3/4 các loại cây trồng của con người phải nhờ đến quá trình thụ phấn của côn trùng. Nếu côn trùng biến mất, thụ phấn sẽ không thể diễn ra.
Theo nghiên cứu của tổ chức Wildlife Trusts ở Vương quốc Anh, 41% các loài côn trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng. 23 loài ong đã biến mất ở Anh kể từ năm 1850, trong khi số lượng bướm ở các môi trường sống đặc biệt đã giảm 77%.
Nghiên cứu nhấn mạnh, con người đang chứng kiến quá trình tuyệt chủng lớn nhất kể từ cuối kỷ Permi.
“Ngày tận thế không mấy ai quan tâm này đang bắt đầu đặt chuông cảnh báo. Chúng ta đã khiến một số tập hợp căn bản của sự sống gặp nguy hiểm”, Gary Mantle, người đứng đầu Wildlife Trust quan ngại.
Nguyên nhân của sự suy giảm và tuyệt chủng
Mất môi trường sống do giải phóng mặt bằng, sử dụng thuốc trừ sâu và biến đổi khí hậu là nguyên nhân đằng sau sự tuyệt chủng của các loài côn trùng và sự suy giảm về số lượng.
Giáo sư Goulson cho biết 98% đồng cỏ hoa dại và 50% cánh rừng cổ đã biến mất ở Anh kể từ năm 1950, trong khi việc sử dụng thuốc trừ sâu đã tăng gấp đôi trong 25 năm qua.
Ngay cả một lượng nhỏ hóa chất cũng có thể gây ra tác động nguy hiểm đối với sự sống của côn trùng.
Liên quan đến biến đổi khí hậu, báo cáo cho thấy thời điểm xuất hiện của một số loại côn trùng đã bắt đầu thay đổi để đáp ứng với biến đổi liên quan đến môi trường và có bằng chứng cho thấy một số côn trùng thụ phấn xuất hiện vào thời điểm lệch so với thời gian cây chủ cần thụ phấn.
Tác động đến tất cả các sinh vật sống
Nghiên cứu lưu ý, phần lớn sự chú ý của thế giới đã tập trung vào các loài động vật khác mặc dù côn trùng có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với hoạt động của hệ sinh thái.
"Tôi thực sự lo lắng khi nghe mọi người nói rằng chúng tôi cần nhiều nghiên cứu dài hạn hơn để chắc chắn về điều này. Điều đó cũng tốt, nhưng chúng tôi không thể đợi thêm 25 năm nữa vì sẽ quá muộn”, giáo sư David Goulson nói.
Báo cáo nhấn mạnh, không quá muộn để cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề này vì quần thể côn trùng có thể phục hồi nhanh chóng nếu chúng ta đưa ra những thay đổi đáng kể bằng cách giảm sử dụng thuốc trừ sâu, phủ xanh thành phố và tạo môi trường sống thân thiện với côn trùng, đặc biệt chú ý vào đất nông nghiệp.
“Cho dù chúng ta có tạo ra bao nhiêu cánh rừng thân thiện với các loài động vật hoang dã đi chăng nữa, mà có đến 70% đất nông nghiệp là môi trường sống nguy hại thì chúng ta sẽ không thể cứu vãn sự tuyệt chủng của các loại côn trùng”, Giáo sư Goulson nói.
Báo cáo lưu ý mỗi cá nhân đều có thể đóng góp vào quá trình giải cứu côn trùng bằng cách trồng hoa và trồng cây, không sử dụng thuốc trừ sâu trong vườn hoặc chỉ đơn giản là không cắt cỏ và để cho hoa phát triển tự nhiên.
Theo Thái Phương (Nguoiduatin.vn)