Thiên nga đen lạc vào quảng trường Thiên An Môn thu hút du khách, ngày 5/9/2021 |
Báo Beijing Daily cho hay, một con thiên nga đen đã "hạ cánh" tại quảng trường Thiên An Môn vào sáng ngày 5/9, sau khi kết thúc nghi thức thượng quốc kỳ Trung Quốc tại đây.
Trả lời tờ Beijing Evening News, ông Chu - một người yêu thích nhiếp ảnh có mặt ở hiện trường - mô tả con thiên nga đen đã "bước đi chậm rãi với dáng vẻ quý phái" trên quảng trường Thiên An Môn giữa trời mưa, khiến cho nhiều du khách ngạc nhiên và thán phục.
Ông Chu cho biết các nhân viên của Thiên An Môn đã nhanh chóng giữ gìn trật tự, giải tán đám đông để thiên nga đen có đủ không gian "hoạt động", đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng. Đặc biệt, con thiên nga được mô tả là đã "khéo léo từ chối" các nhân viên che ô khi mưa trở nên lớn hơn vào lúc 7h10 sáng, nhưng nó vẫn không có ý định bay đi nơi khác.
Đến khoảng 8h ngày 5/9, thiên nga được cơ quan bảo vệ động vật đưa đi. Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Bắc Kinh cho hay đến 9h30 sáng, con thiên nga đã được đưa tới để các nhân viên chuyên nghiệp chăm sóc và có tình trạng tốt.
Chuyên gia "giải mã" nguồn gốc thiên nga đen
Sự xuất hiện của thiên nga đen ở quảng trường Thiên An Môn đã gây ra nhiều luồng ý kiến trên truyền thông và các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu nói rằng thiên nga đen không phải là động vật hoang dã mà là loài được con người nuôi dưỡng. Đây cũng không phải là loài động vật bản địa của Trung Quốc mà có nguồn gốc từ Nam bán cầu. Do có ngoại hình đẹp mắt, loài này được đưa vào các công viên phục vụ du khách tham quan, trong đó nhiều nhất ở Viên Minh Viên tại Bắc Kinh.
Chuyên gia Shi Xiang từ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Trung Quốc, nói với Hoàn Cầu rằng con thiên nga đen ở quảng trường Thiên An Môn "có thể bị bố mẹ 'đuổi ra' và đi lạc vào Thiên An Môn".
"Thiên nga đen thường là loài được con người nuôi dưỡng, chúng tôi dự đoán nó từ một công viên ở xung quanh bay vào Thiên An Môn," ông Shi nói, cảnh báo người dân khi phát hiện động vật hoang dã lạc vào các địa điểm công cộng thì nên giữ khoảng cách và thông báo cơ quan chức năng.
Tờ Beijing Daily chỉ ra rằng thiên nga đen là "loài động vật ngoại lai, ở một mức độ nào đó đã chèn ép không gian sinh tồn của các loài chim bản địa, cần phải tăng cường quản lý".
Tranh cãi về "điềm báo thiên nga": Từ tốt lành đến khủng khiếp
Những hình ảnh và clip ghi lại cảnh thiên nga đen ở Thiên An Môn ngày 5/9 được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Nhiều người dùng mạng cho rằng thiên nga đen xuất hiện là biểu tượng "trời giáng điềm lành", một số khác nói con thiên nga đến để xem lễ thượng cờ tại Thiên An Môn, thậm chí nhiều ý kiến dự đoán đây là điềm báo "hiện tượng thiên nga đen" có thể sắp xảy ra.
"Thiên nga đen" là thuật ngữ được dùng để chỉ những hiện tượng kinh tế cực kỳ hiếm khi xảy ra và không thể đoán trước, là hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và hầu như không thể dự đoán trước, và hệ quả gây ra đối với hệ thống tài chính-kinh tế toàn cầu là khó lường. Những sự kiện như khủng hoảng tài chính năm 2008 hay sự sụp đổ giá dầu năm 2015 được cho là chưa có tiền lệ và không đoán trước được.
Trang NetEase (Trung Quốc) thì nói rằng sự xuất hiện của thiên nga đen được cho là dấu hiệu tốt lành bởi trong thế giới cổ đại ở Trung Quốc đã tồn tại "văn hóa điềm lành" như thế, điển hình là câu chuyện phượng hoàng xuất hiện chính là điềm lành - song phượng hoàng chỉ là loài chim trong truyền thuyết, chưa từng được xác thực, nên "thiên nga đen" cũng có thể được mọi người coi là dấu hiệu tốt.
Điềm báo về "phượng hoàng" trong truyền thuyết được chia thành nhiều mức độ, trong đó có việc phượng hoàng xuất hiện trong những giai đoạn thái bình thịnh trị của đất nước. Theo NetEase, việc thiên nga đen lạc vào Thiên An Môn, sau đó được đưa đến trung tâm bảo vệ động vật, có thể xem là "thiên nga đã đến và ở lại mãi mãi" - một dấu hiệu của điềm báo tốt lành bậc nhất trong câu chuyện truyền thuyết của Trung Quốc.
Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)