Brittany Giroux Lane hạ sinh con gái Alexandra chỉ vài ngày trước đêm Giáng sinh năm 2018. Thiên thần của cô có đôi mắt đen láy cùng một cặp chân dài. Nhưng bé sinh non sớm 13 tuần, chỉ nặng chưa đầy 1kg.
Alexandra phải nằm trong phòng điều trị tích cực dành cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện Mount Sinai West. Brittany nhớ lại, trong mắt các y tá cô bé giống như một ngôi sao vì lớn lên rất nhanh. Nhưng mọi chuyện dần xấu đi sau một cơn nhiễm trùng. Thiên thần bé nhỏ của Brittany ra đi mãi mãi vào buổi sáng ngày 15/1/2019, khi mới chỉ 25 ngày tuổi.
Đau khổ vì mất con, nhưng Brittany phải đối diện với một thực tế khác: viện phí - bất chấp việc gia đình cô có tham gia bảo hiểm đầy đủ.
Những tờ hóa đơn "ma"
Mùa hè năm 2020, gia đình Lane nhận được một thông báo thu hồi nợ do công ty bảo hiểm sức khỏe Cigna gửi đến. Nội dung lá thư ghi rằng cô nợ họ 257.000 USD (khoảng 6 tỉ đồng tiền Việt) tiền viện phí mà họ vô tình chi trả cho Lane sau khi cô chuyển sang một công ty bảo hiểm khác.
Bỗng dưng, gia đình họ mắc kẹt trong một mớ bòng bong. Cigna là công ty đã nhận được hóa đơn từ bệnh viện và chi trả toàn bộ. Và giờ, Cigna đi đòi lại khoản tiền ấy từ bệnh nhân.
"Với họ thì là tiền. Còn chúng tôi thì phải lặp đi lặp lại những tổn thương tâm lý sau cái chết của con gái," - Clayton, chồng của Brittany Lane tức giận. "Ngoài ra còn là khả năng hủy hoại tài chính. Thật sự bất công và khó chịu."
Các chuyên gia xem xét sự việc này và đánh giá đây là sự bất đồng giữa bệnh viện và công ty bảo hiểm, khi bệnh nhân mắc kẹt ở giữa. Những trường hợp như vậy không thường xuyên xảy ra, nhưng nó cho thấy một thực tế khá đáng sợ trong ngành y tế nước Mỹ, đó là không thể đoán nổi viện phí. Bệnh nhân sẽ không thể biết chi phí sau khi chữa trị là bao nhiêu, cho đến khi hóa đơn gửi đến vài tháng sau đó.
Trên thực tế, Quốc hội Mỹ đã thông qua lệnh cấm gửi những tờ viện phí bất ngờ như vậy vào năm 2020, sẽ có hiệu lực vào năm 2022. Theo đó, một số hình thức thu tiền sẽ bị cấm - như hóa đơn gửi từ một nhà cung cấp khác với bệnh viện. Những hóa đơn như vậy thường khiến bệnh nhân giật mình - như trường hợp của nhà Lane.
Gia đình Lane cho biết, quá trình xử lý "hóa đơn ma" gửi đến khiến họ thấy kiệt quệ. Họ phải dành hàng giờ bên điện thoại, gửi hàng tá email, đơn khiếu nại tới các cơ quan pháp lý ở 2 tiểu bang khác nhau.
"Những bản thông báo khiến tôi liên tục nhớ lại ngày hôm ấy. Thực sự khó để vượt qua," - Brittany chia sẻ. "Tôi thấy thất vọng về cách bệnh viện giải quyết vấn đề từ phía họ, gây ảnh hưởng đến tương lai và ký ức về con gái chúng tôi."
"Bệnh nhân không có cách nào kiểm soát số tiền chi ra cả, cũng không thể biết liệu nó có được hoàn trả hay không," - Susan Null, chuyên gia tư vấn thanh toán y tế cho biết. "Đôi khi những sự việc như này xảy ra để thúc đẩy bệnh nhân liên hệ với bệnh viện, thúc giục họ hoàn trả chi phí."
Nỗi đau nhân đôi
Brittany nhận được thông báo nợ lần đầu tiên ở thời điểm 18 tháng sau khi con gái qua đời. Gia đình cô đã chuyển gói bảo hiểm sức khỏe trong lúc nằm viện, vì có sự thay đổi trong công việc. Ngày Alexandra ra đời đáng lý là ngày cuối cùng của cô ở vị trí cũ, rồi sẽ bắt đầu công việc mới sau đó vài tuần.
"Tôi đã rất sợ phải nhận một hóa đơn viện phí khổng lồ, nên ngay cả lúc sắp lâm bồn cũng phải cập nhật tình trạng bảo hiểm với bệnh viện," - Brittany nhớ lại.
Bệnh viện khi đó đã nhận tổng cộng 2 hồ sơ bảo hiểm - Cigna cho năm 2018 và UnitedHealthcare cho năm 2019. Nhưng cuối cùng Cigna lại vô tình chi trả toàn bộ viện phí trị giá 257.000 USD vào tháng 1/2019 - thời điểm đáng ra phải do UnitedHealthcare thanh toán.
Trên thực tế, đại diện của bệnh viện Mount Sinai đã báo với nhà Lane rằng UnitedHealthcare cũng đã trả viện phí - nghĩa là khoản tiền này đã được trả đến 2 lần. Nhưng dường như, vấn đề mà bệnh viện gặp phải với Cigna là khá lớn.
Khi Brittany nhận được thông báo nợ, cô đã liên hệ với bệnh viện và nhận được lời xin lỗi qua email, đồng thời khẳng định rằng "Cigna sẽ nhận lại được tiền". Cigna cũng gửi thư cho biết vấn đề sẽ được giải quyết trong vài ngày.
"Đáng ra tôi phải nhận được thư xác nhận. Nhưng không, và bởi tôi quá mệt mỏi nên cũng không để ý đến nữa."
Rốt cục, khoản tiền ấy chưa bao giờ được trả, và Brittany biết điều này vì phải nhận thêm một lá thư thu hồi nợ hồi đầu tháng 7/2021. Khi liên hệ với bệnh viện, đại diện bệnh viện cho biết cô cũng không thể biết khi nào số tiền sẽ được trả lại. Họ cũng khẳng định rằng việc cô bị truy thu tiền không phải là điều nên làm đối với một công ty bảo hiểm.
Sau khi phải nhận thêm vài cuộc gọi làm phiền từ Cigma, nhà Lane quyết định gửi đơn khiếu nại lên Sở Bảo hiểm California, nơi Cigna đăng ký hoạt động. "Những lá thư của họ hủy hoại hoàn toàn cuộc sống và quá trình phục hồi thương tổn của chúng tôi," - Clayton giận dữ.
Trả lời cho vấn đề này, Cigna biên hộ rằng những thông báo gửi đến gia đình Lane là sai lầm của bên thứ 3 - công ty HMS, nơi theo sát các khoản chậm chi trả từ bệnh viện. Bản thân những lá thư cũng chỉ nhằm mục đích thông báo về việc bệnh viện chưa trả lại tiền - theo câu trả lời của Cigna. Nhưng nhà Lane cho biết cái họ nhận được là thư yêu cầu trả nợ "trong vòng 30 ngày". Cigna sau đó cũng khẳng định sẽ cùng bệnh viện gửi một bức thư xác nhận gia đình Lane không chịu khoản nợ này, dù đến nay vẫn chưa có lá thư nào được gửi đi.
Một lần ốm, nợ cả đời
Chuyện nợ tiền viện phí là điều không quá xa lạ với người Mỹ. Khoảng 18% dân số Mỹ đang có một khoảng viện phí vượt ngoài khả năng chi trả với bệnh viện, bác sĩ tư nhân hoặc các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, không phải cũng mong chờ việc phải nhận thư thu hồi nợ từ một khoản chi phí đã được bảo hiểm thanh toán đầy đủ.
Theo chuyên gia tư vấn Courtney Jones, ở các trường hợp như vậy người phải trả tiền là công ty bảo hiểm chứ không phải bệnh nhân. Nó thường xảy ra với các khoản viện phí lớn - như trường hợp nhà Lane - khi cả bệnh viện lẫn công ty bảo hiểm đều có nguy cơ mất tiền.
"Họ dùng chiến thuật này để tạo áp lực cho bệnh viện hoàn trả lại chi phí," - bà Jones nhận xét.
Sau khi nhà Lane gửi đơn khiếu nại, Cigna (công ty bảo hiểm) đã gửi lại một lá thư khẳng định rằng họ sẽ không phải nhận bất kỳ thông báo nào tương tự. "Chúng tôi đồng cảm với nỗi đau và sự hoang mang của ông bà Lane. Chúng tôi đang làm việc với các kênh bán lẻ nhằm đảm bảo chuyện tương tự sẽ không xảy ra với họ hay bất kỳ khách hàng nào khác."
Về trường hợp của nhà Lane thì kể từ sau khi mất con, họ vẫn tiếp tục quyên tặng cho khoa chăm sóc trẻ sơ sinh nhiều thiết bị khác nhau để hỗ trợ các gia đình cần đến. Gần đây, họ cũng nhận nuôi một bé trai.
"Thằng bé được 6 tuần tuổi rồi, đáng yêu vô cùng," - Brittany mừng rỡ nói, nhưng không giấu được sự phiền muộn. "Có quá nhiều thứ đầu tiên đáng lẽ phải là lần thứ. Như nụ cười đầu tiên của bé, đáng ra phải là lần thứ 2 chúng tôi cảm nhận được. Chúng tôi nhớ Alexandra rất nhiều."
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)