Sự việc xảy ra tại Trường công lập Hingham ở Massachusetts (Mỹ). Theo báo cáo của nhà trường, quá trình hoàn thành bài tập về nhà môn Lịch sử, một nam sinh lớp 12 đã sao chép câu trả lời của AI vào bài không chọn lọc. Đại diện nhà trường khẳng định, học sinh có thể dùng AI để xây dựng chủ đề nghiên cứu và tìm nguồn tài liệu tham khảo nhưng không được phép copy văn bản của AI tạo ra.
Để hoàn thành bài luận môn Lịch sử, trong khi học sinh khác dành ra 7-9 tiếng, nam sinh này dùng AI chỉ mất 52 phút. Với hành động này, nam sinh đã vi phạm quy tắc liêm chính trong học tập nên bị hạ từ B xuống C+, còn 65/100 điểm. Ngoài ra, nam sinh còn bị nhà trường quản chế.
Trước hình phạt của nhà trường, phụ huynh nam sinh, bày tỏ sự bất bình cho rằng, sổ tay không quy định rõ ràng việc học sinh không được dùng AI để hoàn thành bài. Phản hồi vấn đề, nhà trường cho biết, có quy định trong sổ tay học sinh về việc cấm dùng công nghệ trái phép, bao gồm cả việc sao chép, bắt chước ngôn ngữ và tư duy của người khác và coi đó là sản phẩm của mình.
Không chấp nhận điều này, vợ chồng ông Harris đệ đơn lên Tòa án bang Massachusetts (Mỹ), yêu cầu nhà trường bỏ hình phạt đối với con trai. Chia sẻ với Daily Mail, bà Jennifer - mẹ của nam sinh cho biết, con đã đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra ACT và đang muốn vào Đại học Stanford hoặc Viện công nghệ Massachusetts (MIT). "Hình phạt và điểm kém môn Lịch sử làm ảnh hưởng đến cơ hội vào đại học danh tiếng ở Mỹ của con tôi", bà nói.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng bằng chứng hai bên cung cấp, cuối tháng 11, Tòa án bang Massachusetts (Mỹ) quyết định bác bỏ đơn phụ huynh kiện trường. Thẩm phán cho biết, dựa trên những thông tin hiện tại, không có bằng chứng giáo viên vội vàng kết luận học sinh dùng AI để hoàn thành bài tập về nhà.
Ngược lại, nhà trường đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận, bao gồm việc sử dụng nhiều công cụ AI để đối chiếu và xem xét thời gian làm bài của học sinh. Dù quy định của trường chưa đề cập cụ thể việc sử dụng AI, nhưng quá trình giảng dạy nhiều lần giáo viên đã nhấn mạnh đến tính trung thực khi làm bài tập về nhà của học sinh.
Về hình phạt của nhà trường, thẩm phán kết luận, phù hợp với những học sinh vi phạm đạo đức học thuật. Thậm chí, cơ quan này còn cho rằng hình phạt tương đối nhẹ. Trong trường hợp không hài lòng với kết luận của Tòa án bang Massachusetts (Mỹ), họ đề nghị gia đình nam sinh tiếp tục đệ đơn lên tòa án liên bang để giải quyết.
Hiện tại, vụ việc mở ra cuộc tranh luận sôi nổi về việc sử dụng AI trong giáo dục. Một số người cho rằng, việc làm của nhà trường phù hợp với nguyên tắc trung thực trong học tập, góp phần bảo vệ sự công bằng và minh bạch: "Nếu học sinh được dùng AI để hoàn thành bài tập, tính xác thực và độ tin cậy của kết quả học tập sẽ bị giảm sút". Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, nhà trường nghiêm khắc và thiếu linh hoạt, nên hướng dẫn học sinh cách dùng AI hợp lý thay vì chỉ đơn giản đưa ra hình phạt.
Theo Thắm Nguyễn (VietNamNet)