COC - văn kiện nhiều thách thức giữa ASEAN và Trung Quốc

07/08/2017 15:03:00

ASEAN và Trung Quốc có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử có hiệu lực trên Biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử có hiệu lực trên Biển Đông.

Trung Quốc và ASEAN thông qua dự thảo khung COC tại Manila, Philippines.

Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc hôm qua thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong hội nghị diễn ra ở thủ đô Manila, Philippines. Giới quan sát cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng, khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, theo SCMP.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar, sau khi được thông qua, dự thảo khung COC này sẽ được trình lên để các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao vào tháng 11 xem xét và hướng dẫn các bên tiến hành các vòng đàm phán thực chất cho bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông là tập hợp những quy tắc, quy định và trách nhiệm hay cách hành xử phù hợp của các cá nhân, tổ chức và bên có liên quan đến vùng biển này. Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông được nêu ra từ thập niên 1990, bắt đầu được ASEAN và Trung Quốc thảo luận từ năm 2002, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên vùng biển này gia tăng.

Nhưng suốt nhiều năm qua, quá trình đàm phán COC liên tục bị trì hoãn bất chấp nỗ lực của các thành viên ASEAN, chủ yếu là do khác biệt giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực trong cách nhìn nhận về COC.

Với Trung Quốc, COC chỉ có thể là một công cụ không mang tính ràng buộc về pháp lý, được sử dụng để cải thiện lòng tin khu vực hơn là giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Trong khi đó, các thành viên ASEAN lại kỳ vọng COC là một văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý, góp phần tích cực vào giải quyết bất đồng về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, theo Zhang Mingliang, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu.

Đến năm 2013, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng với các nước ASEAN trên Biển Đông, Trung Quốc nhất trí bắt đầu quá trình tham vấn chính thức về bộ quy tắc ứng xử.

Trong một hội nghị hồi tháng 5 tại Quý Châu, sau gần 4 năm đàm phán, các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc mới hoàn tất dự thảo khung của COC, nhưng không công bố chi tiết. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc giữ kín chi tiết của dự thảo khung nhằm "ngăn sự can thiệp từ bên ngoài".

Tuy nhiên, truyền thông Singapore dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết dự thảo khung này là "một bộ quy tắc định hướng cách hành xử của các bên và thúc đẩy hợp tác hàng hải ở Biển Đông", nhưng "không phải là công cụ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ".

Theo Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, việc thông qua được dự thảo khung COC là tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. "Đây là văn kiện quan trọng vì nó thể hiện phần nào đó sự đồng thuận và quan trọng hơn cả là cam kết của 10 nước ASEAN cũng như Trung Quốc nhằm đạt tiến bộ trong vấn đề đã bị trì hoãn rất lâu này".

Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia khu vực cho rằng dự thảo khung COC sẽ có những điều khoản mang tính biểu tượng. "Nhiều nguyên tắc, chẳng hạn như giải quyết hòa bình các tranh chấp, đã được các bên khác nhau phê chuẩn dù không có dự thảo khung", ông Zhang nói.

First Post dẫn ý kiến của các bình luận viên và nhà ngoại giao giấu tên cho rằng việc Trung Quốc bỗng nhiên quan tâm trở lại với COC sau 15 năm trì hoãn chỉ là một chiến thuật "câu giờ". Bằng việc vạch ra lộ trình đàm phán có thể sẽ rất khó khăn, Bắc Kinh dường như đang muốn có thêm thời gian để hoàn thành các mục tiêu chiến lược trên Biển Đông, nơi nước này đã cải tạo, bồi đắp phi pháp 7 đảo nhân tạo và đang nỗ lực quân sự hóa các cơ sở này.

Động thái này được Trung Quốc thực hiện trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị phân tâm bởi những vấn đề trong nước và các điểm nóng khác trên thế giới. Chính quyền mới của Mỹ cũng chưa đưa ra được một chiến lược an ninh rõ ràng ở châu Á sau khi từ bỏ chính sách xoay trục, khiến vị thế đàm phán của ASEAN với Trung Quốc bị giảm đi đáng kể.

Thách thức

coc-van-kien-nhieu-thach-thuc-giua-asean-va-trung-quoc-1

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Các quan chức ASEAN và giới chuyên gia đều cho rằng việc thông qua dự thảo khung mới chỉ là bước khởi đầu trong xây dựng một bộ quy tắc ứng xử đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các bên ở Biển Đông.

"Tôi cho rằng đây mới chỉ là bước 0,5, vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi không muốn coi nhẹ những khó khăn trong các cuộc đàm phán phía trước", Ngoại trưởng Singapore Balakrishnan cho biết.

Các bình luận viên cho rằng thách thức đầu tiên mà ASEAN phải đối mặt trong quá trình đàm phán COC là đưa ra một quan điểm thống nhất về vấn đề Biển Đông, trong khi Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không chịu nhượng bộ đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vốn được nước này coi là "lợi ích quốc gia cốt lõi".

Ngay sau khi thông qua dự thảo khung COC hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng các cuộc đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay nếu "bên ngoài" không gây ra cản trở lớn.

Ông Vương nói rằng một trong những điều kiện của Trung Quốc để bắt đầu đàm phán là không có sự can thiệp "từ bên ngoài", theo Japan Times. Giới quan sát cho rằng phát ngôn này của ông Vương ám chỉ Mỹ, quốc gia bị Trung Quốc cáo buộc "can thiệp vào tranh chấp châu Á vốn chỉ nên được giải quyết bởi các nước liên quan".

Một thách thức nữa mà ASEAN và Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình đàm phán COC chính là hiệu lực pháp lý của văn kiện. Ngoại trưởng Balakrishnan cho rằng câu hỏi về tính ràng buộc pháp lý của COC sẽ là một vấn đề chủ chốt trong quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) không phải là một văn kiện ràng buộc pháp lý. Thế nên khi chúng tôi tiến tới bộ quy tắc ứng xử, nó phải có thêm hiệu ứng pháp lý đáng kể", ông nói.

Ông thừa nhận rằng những ngôn từ mang tính pháp lý, được các luật sư quốc tế sử dụng và đưa vào COC sẽ là chủ đề chính trong những cuộc đàm phán căng thẳng trước mắt. "Điều quan trọng các nước cần ghi nhớ rằng mục tiêu cuối cùng vẫn là hòa bình, ổn định và xây dựng lòng tin ở Biển Đông", Ngoại trưởng Singapore nhấn mạnh.

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)