'Cô vợ điên' bị xích cổ trong căn nhà lụp xụp hé lộ câu chuyện tăm tối trong xã hội Trung Quốc

15/02/2022 10:16:08

Yang, một người phụ nữ ở huyện Phong, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) bị chồng xích trong căn nhà lụp xụp, quần áo phong phanh giữa thời tiết rất lạnh.

Video ghi lại tình trạng của Yang ngay lập tức được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet. Đối với nhiều người Trung Quốc, hình ảnh một người mẹ có 8 đứa con mắc quần áo rách rưới co ro dưới thời tiết có lúc xuống đến 0 độ C làm gợi lại ký ức về những phụ nữ bị buôn bán, hành hạ, đặc biệt là ở các vùng quê, theo SCMP.

Sau nhiều lần phủ nhận, giới chức địa phương hôm 10/02 lên tiếng thừa nhận khả năng có xảy ra buôn người trong vụ việc của Yang.

Những nhà dân số học cho rằng vụ việc xôn xao dư luận là cái nhìn hiếm hoi về tình trạng hôn nhân phức tạp ở nông thôn Trung Quốc, nơi những giá trị truyền thống như trọng nam khinh nữ và chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ đã dẫn đến mất cân bằng giới tính nghiêm trọng.

"Vấn đề của hàng chục triệu nam giới độc thân gây ra bởi chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ là không thể giải quyết được," nhà dân số học Yi Fuxian tại Đại học Wisconsin-Madison nói.

Chính sách một con, kéo dài từ 1979 tới 2016, khiến Trung Quốc chứng kiến số lượng nam giới ra đời nhiều hơn nữ giới trong giai đoạn từ 1980 đến nay lên tới hơn 30 triệu, theo thống kê của giới học thuật.

Thống kê từ đợt tổng điều tra dân số lần thứ bảy, diễn ra hồi năm ngoái cho thấy dân số nam giới 20-40 tuổi ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới cùng độ tuổi tới 17,52 triệu người.

"Trong điều kiện bình thường, tỷ lệ giới tính trẻ sơ sinh ở Trung Quốc được cho là vào khoảng 106 nam - 100 nữ," Jiang Quanbao, giáo sư dân số học tại Đại học Giao thông Tây An nói.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu trong xã hội Trung Quốc, bắt nguồn từ quan điểm Nho giáo cho rằng chỉ có nam giới mới có thể nối dõi tông đường, và niềm tin rằng nam giới có giá trị kinh tế hơn nữ giới.

'Cô vợ điên' bị xích cổ trong căn nhà lụp xụp hé lộ câu chuyện tăm tối trong xã hội Trung Quốc
Yang bị xích cổ trong một ngôi nhà lụp xụp ở huyện Phong, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) (Ảnh: Weibo)

Phó giáo sư Jin Yongai thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng mong muốn có con trai vẫn rất mạnh mẽ ở các miền quê, nơi quan điểm truyền thống còn phổ biến.

"Chênh lệch giới tính khi sinh đã tăng nhanh từ cuối thập niên 1980, do đó 20 năm sau, các tác động bắt đầu xuất hiện ở thị trường hôn nhân," PSG Jin nói thêm, đồng thời cho rằng các vấn đề bắt đầu trở nên rõ ràng hơn từ sau năm 2010.

Lu Ting, một nhà kinh tế học Trung Quốc, cho rằng tình hình sẽ ngày càng tệ hơn.

"Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ nam giới-nữ giới ở độ tuổi 20-30 sẽ tăng lên khoảng 122:100 trong 10 năm tới," Lu nói.

Một nhân tố làm tăng tình trạng mất cân bằng giới tính ở vùng nông thôn là việc phụ nữ chuyển tới thành thị sinh sống.

Từ khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng các giới hạn về di cư hồi thập niên 1980, rất nhiều phụ nữ đã chuyển tới thành phố sinh sống, nhờ giáo dục, việc làm và hôn nhân.

Theo truyền thống Trung Quốc, phụ nữ Trung Quốc thường kết hôn với đàn ông có địa kinh tế-xã hội cao hơn, trong khi đàn ông kết hôn với phụ nữ có địa vị thấp hơn. Điều này nghĩa là phụ nữ di chuyển nhiều hơn tới các khu vực đô thị.

Kết quả là đàn ông ở các tầng lớp xã hội thấp tại các khu vực nghèo nàn lạc hậu thường khó tìm được vợ.

"Khu vực càng nghèo khó lạc hậu thì khả năng phụ nữ ra đi càng cao, và mất cân bằng giới tính càng trở nên nghiêm trọng," Jiang giải thích.

Cụm từ "phụ nữ bị bỏ rơi", chỉ những người phụ nữ độc thân có học thức từ 27 tuổi trở lên, rất phổ biến ở thành phố nhưng hiếm thấy ở nông thông. Trong khi đó, "vợ điên" hay "vợ ngốc", chỉ những người phụ nữ có vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc thiểu năng trí tuệ lập gia đình lại khá phổ biến tại các làng quê.

Jiang cho rằng nhiều đàn ông nông thôn có địa vị kinh tế-xã hội thấp kém, khiến họ không có nhiều lựa chọn bạn đời.

Khảo sát được cục thống kê thành phố Tảo Trang thực hiện tại năm ngôi làng ở tỉnh Sơn Đông hồi năm 2020 cho thấy đàn ông và phụ nữ chưa lập gia đình với những lý do khác nhau. Đàn ông hầu hết đổ lỗi cho các vấn đề "mất cân bằng gới tính" và "tình trạng kinh tế nghèo", trong khi phụ nữ đa phần trả lời "có tiêu chuẩn chọn bạn đời cao".

Khảo sát kết luận dư thừa đàn ông độc thân có thể gây ra các vấn đề xã hội, bởi đàn ông độc thân dễ gặp các vấn đề tâm thần và thể chất, cũng như có mức độ hòa nhập xã hội thấp hơn. Chính quyền địa phương cũng cảnh báo mất cân bằng giới tính có thể dẫn tới thị trường buôn bán phụ nữ.

Trước áp lực gia tăng từ mạng xã hội về vụ việc của Yang, giới chức quận Phong và thành phố Từ Châu đã ra bốn thông báo. Ba thông báo phủ nhận khả năng xảy ra buôn bán phụ nữ, nhưng thông báo cuối cùng lại thừa nhận điều đó có thể đã xảy ra.

Hôm 08/02, chính quyền Từ Châu cho biết Yang là người ở tỉnh Vân Nam, tới Giang Tô thông qua một người phụ nữ cùng làng tên là Sang vào năm 1996, nhưng họ đã lạc nhau tại một nhà ga.

Lý giải này không làm cho dư luận bớt sôi sục, và vào 10/02 giới chức địa phương lật ngược các phủ nhận trước đó, thông báo Sang và chồng bị bắt vì cáo buộc buôn người, trong khi chồng Yang cũng bị bắt vì giữ người trái pháp luật.

Mua vợ thời thập niên 1980-90 từng khá phổ biến ở nông thôn Trung Quốc và khu vực phía Bắc tỉnh Giang Tô, nơi sự việc xảy ra. Chênh lệch giới ở đây cũng đặc biệt cao.

"Năm 1988, những nơi như quận Phong, mỗi làng có ít nhất vài chục người vợ được mua từ các tỉnh miền Nam," Luo Zhenzhong, cựu công tố viên từng tham gia truy quét nạn buôn người ở vùng phía Bắc tỉnh Giang Tô hồi cuối thập niên 1980 nói.

"Dân làng không có nhiều kiến thức pháp lý, họ cho rằng mua vợ là bình thường," Luo cho hay.

Những người vợ bỏ trốn nếu bị bắt thường bị tra tấn, hành hạ, Luo nói. "Họ bị đánh đập rất dã man, tôi không muốn nhớ lại nữa."

Luật pháp Trung Quốc coi mua vợ là hành vi phạm pháp từ năm 1997, người vi phạm có thể nhận án tù ba năm.

Tuy vậy, các chuyên gia pháp lý đặt câu hỏi về tính khoan dung của điều luật. Giáo sư luật hình sự Luo Xiang Tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc lưu ý rằng hành vi mua động vật hoang dã hiếm và nguy cơ tuyệt chủng có thể nhận mức án tới năm năm tù.

"Luật hiện hành áp dụng mức án nhẹ hơn cho hành vi mua người so với mua động vật. Nó sẽ lan truyền thông điệp 'người không bằng khỉ, người không bằng chim, người không bằng động vật,' khiến người dân hoài nghi sự công bằng của pháp luật," Luo viết.

Hà An (Nguoiduatin.vn)