Cố vấn an ninh diều hâu 'tắt tiếng' trước cuộc chơi Mỹ - Triều

07/06/2018 19:37:38

Bolton, người vừa được TT Trump sắp đặt vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia đã không còn tiếng nói trong các cuộc thảo luận về Triều Tiên sau phát ngôn tai hại về "mô hình Libya".

Khi Tổng thống Donald Trump tiếp quan chức cấp cao Triều Tiên tại phòng Bầu Dục hôm 1/6, người duy nhất tháp tùng ông là Ngoại trưởng Mike Pompeo. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, "diều hâu" (quan chức hiếu chiến thuộc đảng Cộng hòa) cao giọng nhất về vấn đề Triều Tiên lại vắng mặt.

Nhà Trắng khẳng định cuộc gặp gỡ vốn có quy mô nhỏ, tuy nhiên, sàn diễn chính trị hôm ấy thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ chính phủ Mỹ. Một thực tế hiển nhiên là khi ông Trump hướng đến cái bắt tay lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên, những tiếng nói ủng hộ việc thắt chặt thòng lọng với Bình Nhưỡng sẽ bị gạt ra rìa. 

Tức giận sau khi Bolton cho rằng "mô hình Libya" là ý định của Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên, ám chỉ một cái chết khủng khiếp đối với nhà lãnh đạo từ bỏ chương trình hạt nhân, ông Trump đã công khai quay lưng với cố vấn an ninh của mình trong lúc chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh tại Singapore.  

Cố vấn an ninh diều hâu 'tắt tiếng' trước cuộc chơi Mỹ - Triều
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong một cuộc họp tại Nhà Trắng tháng 4/2018. Ảnh: Reuters.

Mối hận thù giữa ngoại trưởng và cố vấn an ninh

CNN dẫn hai nguồn tin cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã "thủ thỉ" với Tổng thống Trump rằng việc cho phép ông Bolton đến phòng Bầu Dục đón tiếp ông Kim Yong Chol sẽ "phản tác dụng". Mối quan hệ "cơm không lành canh không ngọt" giữa hai cố vấn ngoại giao hàng đầu của Mỹ không phải là điều bí mật. 

Sự căng thẳng trong nội các của Tổng thống Trump càng trở nên tệ hại sau khi ông Bolton "chọc gậy bánh xe" những nỗ lực đàm phán với Triều Tiên bằng việc nhắc đến "mô hình Libya", khơi gợi lại bóng ma sự kiện lật đổ chính quyền và ám sát lãnh đạo Libya chỉ vài năm sau khi nước này giao nộp vũ khí hạt nhân.

Không nằm ngoài dự đoán, Bình Nhưỡng phản ứng dữ dội, làm sống dậy làn sóng chỉ trích mà chính quyền ông Kim Jong Un từ lâu đã dành cho "diều hâu" Bolton. Vào năm 2003, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đã miêu tả ông là "con người cặn bã và uống máu" khi ông đảm nhiệm chức thứ trưởng về kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống George Bush.

Cố vấn an ninh diều hâu 'tắt tiếng' trước cuộc chơi Mỹ - Triều - 1
Pompeo và Bolton đều là hai cái tên mới trong nội các của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Bình luận về "mô hình Libya" còn khiến ông Pompeo nổi cáu và sau đó đối chất căng thẳng với Bolton tại Nhà Trắng. Một người chứng kiến cuộc chạm trán trên khẳng định hai quan chức này thường xuyên thể hiện thái độ không hài lòng với nhau từ sau sự kiện đó.

Bolton không phải là người duy nhất làm Triều Tiên nổi cơn thịnh nộ. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tháng trước, Phó tổng thống Mike Pence cũng đề cập đến "mô hình Libya", ám chỉ ông Kim Jong Un có thể nhận lấy kết cục tương tự nhà lãnh đạo Libya (bị ám sát) nếu không chịu thỏa thuận phi hạt nhân. 

Tuy nhiên, không giống với trường hợp của Bolton, lần này Tổng thống Trump biết trước rằng ông Pence sẽ nói như thế, một quan chức cấp cao tại Nhà Trắng cho biết. Thêm vào đó, ông Pence gần như chỉ lặp lại lời tổng thống đưa ra trước đó. 

Dù vậy, lời cảnh báo từ ông Pence vẫn gây nên phản ứng vô cùng dữ dội từ phía Triều Tiên. Thứ trưởng ngoại giao Choe Son Hui gọi phó tổng thống là "chính trị gia ngu ngốc" và đe dọa một cuộc chiến hạt nhân, trực tiếp dẫn đến quyết định hủy cuộc thượng đỉnh của ông Trump hôm 24/5.

Nhiều chuyên gia phân tích suy đoán phó tổng thống Mỹ đang thiên về quan điểm hiếu chiến của ông Bolton. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng bác bỏ luận điểm trên, trong khi một người khác nhấn mạnh ông Pence ít khi đưa ra quan điểm ngoại giao ngược lại ý định của Tổng thống Trump, ngay cả trong những cuộc thảo luận riêng tư.

"Diều hâu" đổ máu trên đường đến đàm phán

Tổng thống Mỹ đã để Ngoại trưởng Pompeo giữ vai trò trong những cuộc thảo luận về vấn đề Triều Tiên, bao gồm nghe theo sự dẫn dắt của ông và giữ Bolton tránh xa cuộc đàm phán. Theo ông Trump, Pompeo là một người thông minh và lôi cuốn.

Dù những bình luận về "mô hình Libya" từ Bolton và Pence đã khiến Bình Nhưỡng nổi giận, Pompeo vẫn tiếp tục thúc đẩy ngoại giao với Triều Tiên. Ông đã đến gặp phái đoàn của Triều Tiên ở New York hồi tuần trước và loại bỏ mọi điều cản trở cuộc thượng đỉnh.

Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly được cho là người có đồng quan điểm với Pompeo đồng thời đặt niềm tin vào khả năng của ngoại trưởng. Kelly chính là người chào đón Kim Yong Chol tại Nhà Trắng hôm 1/6 và hộ tống ông này đến phòng Bầu dục. 

Cố vấn an ninh diều hâu 'tắt tiếng' trước cuộc chơi Mỹ - Triều - 2
Ngoại trưởng Mike Pompeo đang được Tổng thống Trump tín nhiệm về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: AP.

Pompeo luôn có thái độ hoài nghi đối với Bolton và không tin tưởng những động cơ của vị cố vấn an ninh về vấn đề Triều Tiên, hai nguồn tin hiểu rõ mối quan hệ giữa các nhân vật trên cho biết.

Cách đây vài hôm, Nhà Trắng đã tìm cách phủ nhận sự rạn nứt trong nội bộ chính phủ. "Bất kỳ tin đồn nào về sự đối đầu giữa đại sứ Bolton và Ngoại trưởng Pompeo cũng tuyệt đối sai", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu.

Vị này khẳng định ông Pompeo là người dẫn đầu việc chuẩn bị cuộc thượng đỉnh với Triều Tiên, còn ông Bolton "tiếp tục hợp tác và thống nhất" để đưa ra nhiều sự lựa chọn bảo đảm an ninh quốc gia.

Tổng thống Trump vẫn đặt nhiều niềm tin vào Bolton dù không hài lòng về việc ông "phá đám" cuộc thượng đỉnh song về vấn đề Triều Tiên, tổng thống dường như tín nhiệm ông Pompeo hơn cả. Từ thời còn là giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA, Pompeo đã giúp đỡ việc đàm phán ngoại giao với Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên, điều này sẽ kéo dài bao lâu? Giới quan sát đặt câu hỏi khi các thành viên nội các của ông Trump liên tục được ưu ái rồi bị bỏ rơi, tùy vào tâm trạng thất thường của ngài tổng thống, người nổi tiếng chỉ nghe theo bản năng khi giải quyết mọi vấn đề.

Cố vấn an ninh diều hâu 'tắt tiếng' trước cuộc chơi Mỹ - Triều - 3
"Diều hâu" John Bolton ủng hộ mạnh mẽ việc siết chặt trừng phạt với Triều Tiên. Ảnh: Getty.

Thời gian gần đây, Trump thường nói với các cố vấn rằng ấn tượng nhiều thập kỷ qua về Triều Tiên giờ đã không còn chính xác, và bản năng của ông lại một lần nữa dẫn lối cho những sự kiện ngoại giao táo bạo với nhà lãnh đạo trẻ tuổi và khó đoán định Kim Jong Un.

Trong nỗ lực nâng tầm một sự kiện vốn dĩ đã là cột mốc, ông tìm cách "hạ tông" những lời chỉ trích từ chính đội ngũ của mình, bao gồm việc phản bác bình luận của Bolton và Pence về việc áp dụng "mô hình Libya" lên Triều Tiên.

Gây áp lực tối đa hay giảm kỳ vọng thượng đỉnh?

Sau khi gặp gỡ "trùm tình báo" Triều Tiên Kim Yong Chol, Tổng thống Trump tuyên bố ông không muốn dùng cụm từ "gây áp lực tối đa" nữa vì mối quan hệ Mỹ - Triều đang dần được xây dựng. 

"Cho nên vấn đề không nằm ở chỗ gây áp lực tối đa hay không. Mọi chuyện cơ bản là giữ nguyên hiện trạng. Hy vọng rằng đến một lúc nào đó, thỏa thuận vì lợi ích của hàng triệu con người sẽ được thông qua", ông phát biểu.

Chính phủ Mỹ khẳng định mọi lệnh trừng phạt sẽ được duy trì cho đến khi Triều Tiên có những bước tiến kiên quyết hơn trên con đường giải trừ vũ khí hạt nhân. "Chính sách của chúng ta sẽ không thay đổi", phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói. 

Dù đàm phán hạt nhân với Triều Tiên đang đối mặt với nhiều rào cản, ông Trump dường như chưa muốn giải quyết vấn đề ngay lúc này. Tuần trước, ông nói với các cố vấn rằng mục đích của cuộc gặp gỡ tuần sau chỉ dừng ở mức chào hỏi và thăm dò nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Cố vấn an ninh diều hâu 'tắt tiếng' trước cuộc chơi Mỹ - Triều - 4
Tổng thống Trump gặp ông Kim Yong Chol tại Nhà Trắng hôm 1/6, tháp tùng ông là Ngoại trưởng Pompeo. Ảnh: Getty.

Trên thực tế, nhiều nguồn thạo tin cho rằng khả năng ông Trump tiến thẳng đến việc thảo luận chi tiết về chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân là không cao, dù trước đó Mỹ từng khẳng định đây phải là điều kiện tiên quyết cho cuộc thượng đỉnh. Thay vào đó, ông Trump và các cố vấn có thể sẽ hướng đến việc ký kết hiệp định hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. 

Giờ đây, viễn cảnh tốt đẹp nhất mà chính quyền Trump có thể mong chờ đó là ông Kim Jong Un công khai tuyên bố chấm dứt chương trình hạt nhân và cam kết tham gia tiến trình giải trừ vũ khí mà các chuyên gia ước lượng phải mất nhiều năm trời.

"Tôi chưa bao giờ nói mọi chuyện sẽ được giải quyết trong một cuộc gặp gỡ. Tôi nghĩ là cần cả một quá trình. Nhưng các mối quan hệ đang được xây dựng và đó là một điều tích cực", ông Trump nói.

Theo Chi Mai (Tri Thức Trực Tuyến)