Hôm 28-1, đài NDTV cho biết chuyến bay của hãng hàng không US-Bangla từ thủ đô Dhaka – Bangladesh đến Nepal đã bốc cháy khi hạ cánh ở Kathmandu, khiến 51/71 người thiệt mang.
Theo một quan chức hàng không tên Buddhisagar Lamichhane, phi công nghĩ rằng ông ta có thể điều khiển máy bay và hạ cánh nhưng kết quả lại không như mong đợi.
Ủy ban Điều tra tai nạn Nepal (NAIC) cho hay cơ trưởng đã bị căng thẳng và "rối loạn cảm xúc" vì bị một nữ đồng nghiệp (không có mặt trên chuyến bay định mệnh) nghi ngờ về khả năng huấn luyện bay.
"Điều này, cộng với việc phi hành đoàn không tuân thủ quy trình vận hành tiêu chuẩn khi máy bay đang ở thời khắc quan trọng đã khiến phi công mất nhận thức tình huống" – báo cáo của NAIC viết.
Do phi công không nhận ra máy bay bị lệch so với hành trình ban đầu, chiếc Bombardier Q400 đã bay rất thấp về phía Bắc gần khu vực đồi núi. Cuối cùng, máy bay trượt khỏi đường băng và lao vào bãi cỏ gần đó rồi bốc cháy.
Trong số những người thiệt mạng có cả 2 phi công. Giám đốc điều hành Imran Asif thông báo US-Bangla dự kiến đưa ra tuyên bố chính thức trong ngày 28-1 (giờ địa phương).
Cơ trưởng chuyến bay, 52 tuổi, rời khỏi lực lượng Không quân Bangladesh năm 1993 vì bị trầm cảm nhưng sau đó vẫn "đủ điều kiện" để lái máy bay dân sự. Dựa vào thông tin từ hộp đen và các nhân chứng, cơ trưởng đã hút thuốc trong buồng lái trong suốt chuyến bay và nói chuyện khi máy bay đang ở thời khắc quan trọng.
Ngoài ra, quá trình liên lạc giữa máy bay và trạm kiểm soát không lưu bị nhầm lẫn cũng là yếu tố góp phần dẫn đến vụ tai nạn.
Việc hạ cánh tại sân bay quốc tế Tribhuwan ở thủ đô Kathmandu, xung quanh là những ngọn đồi, được xem là rất khó khăn. Năm 1992, tất cả 167 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan đã thiệt mạng khi nó lao xuống một ngọn đồi lúc cố gắng hạ cánh tại sân bay này.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)