Có thể phiên bản song sinh của địa cầu sắp diệt vong

25/07/2015 07:44:36

Do Kepler-452b, hành tinh có các đặc điểm giống trái đất nhất từ trước tới nay, đã tồn tại 6 tỷ năm, rất có thể ngày tàn của nó đang đến gần.

Do Kepler-452b, hành tinh có các đặc điểm giống trái đất nhất từ trước tới nay, đã tồn tại 6 tỷ năm, rất có thể ngày tàn của nó đang đến gần.

Hình minh họa hành tinh Kepler-452b. Ảnh: NASA


Nhờ kính thiên văn không gian Kepler, các nhà khoa học phát hiện một hành tinh giống địa cầu nhất mà con người từng biết. Kepler-452b, tên của hành tinh cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng và di chuyển trong chòm sao Cygnus thuộc Ngân Hà. Nó là thiên thể nhỏ nhất có khả năng nuôi dưỡng sự sống và xoay xung quanh một ngôi sao.

Với đường kính lớn hơn địa cầu khoảng 60%, Kepler-452b xoay trọn một vòng quanh ngôi sao trong 385 ngày, dài hơn 20 ngày so với thời gian địa cầu di chuyển quanh mặt trời. Khoảng cách giữa nó với ngôi sao chỉ lớn hơn 5% so với cự ly giữa trái đất với mặt trời.

Ngôi sao của Kepler-452b có đường kính lớn hơn 10%, độ sáng cao hơn 20% so với mặt trời. Vì thế, nó và trái đất nhận lượng ánh sáng gần bằng nhau.

"Điều thú vị là Kepler-452b nhận lượng ánh sáng tương đương địa cầu. Như vậy, cây trên trái đất có thể sinh trưởng ở đây nếu nó là hành tinh đá và có khí quyển", tiến sĩ Daniel Brown, một nhà thiên văn của Đại học Nottingham Trent tại Mỹ, nhận định.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tán đồng quan điểm của Brown.

"Nếu chúng ta đưa cây cối lên hành tinh đó, chúng có cơ hội sống sót", NASA tuyên bố.

Tuy nhiên, Kepler-452b hình hành từ 6 tỷ năm trước, nghĩa là tuổi của nó lớn hơn địa cầu tới 1,5 tỷ năm. Khi tuổi của trái đất đạt con số 6 tỷ năm, mặt trời sẽ phình ra và gây nên hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển khiến nước trong đại dương cạn kiệt và đất trở thành sa mạc.

Doug Caldwell, một nhà khoa học tham gia chương trình Kepler, nhấn mạnh rằng hiện tại của Kepler-452b có thể là tương lai của địa cầu. Theo ông, nếu nó là hành tinh đá và có khí quyển, rất có thể nó đã tiến vào giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời.

"Có lẽ ngôi sao già cỗi của Kepler-452b đang nung nóng bề mặt của nó và khiến nhiệt độ bề mặt tăng dần và nước trong đại dương bay hơi. Sau khi bay hơi, nước sẽ rời khỏi hành tinh vĩnh viễn", ông mô tả.

Đương nhiên, khi không còn nước, Kepler-452b trở thành hành tinh khô cằn và không thể nuôi dưỡng sự sống.
 
>> Kepler 452b: Nếu Trái đất chúng ta chỉ là bản sao 2.0?
>> Cần hàng triệu năm để tới phiên bản song sinh của địa cầu
>> Cư dân mạng Việt Nam phấn khích trước thông tin đã tìm thấy Trái đất thứ 2
>> Tin chấn động: NASA công bố tìm thấy Trái đất thứ 2
 
 
Theo L.Phong (Zing.vn)

Nổi bật