Đài RT (Nga) đưa tin cô Greta Thunberg - nhà hoạt động vì khí hậu 18 tuổi người Thụy Điển – ngày 22-5 đã cáo buộc tờ China Daily (Trung Quốc) đã 'chế giễu về cân nặng” của cô trong một bài báo chỉ trích việc cô lên án tình trạng khí thải carbon tại Trung Quốc.
China Daily hôm 14-5 đã đăng lại một bài báo của một người dùng mạng xã hội WeChat “phản pháo” lời chỉ trích của cô Thunberg về tình trạng khí thải ở Trung Quốc, ngụ ý rằng nhà hoạt động vì khí hậu đã nói đối về chế độ ăn chay của mình.
Trong bài báo, China Daily viết: "Mặc dù cô ấy tuyên bố ăn chay, nhưng xét từ kết quả tăng trưởng của cô ấy, lượng khí thải carbon của cô ấy thực sự không thấp".
Liên quan bài viết trên, kênh tin tức Vice News đã đưa ra bình luận rằng nhà hoạt động Thunberg đã bị “chế giễu về cân nặng của cô ấy".
Ngày 22-5, trên trang Twitter cá nhân, cô Thunberg đã cáo buộc tờ báo của Trung Quốc “chế giễu về căn nặng” của mình.
“Bị truyền thông nhà nước Trung Quốc chế giễu về cân nặng là một trải nghiệm khá kỳ lạ ngay cả theo tiêu chuẩn của tôi. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ đi vào lý lịch của tôi” – cô Thunberg đăng dòng tweet.
Theo RT, bài báo của China Daily đã đưa ra nhiều luận điểm về bản chất của vấn đề khí thải tại Trung Quốc, cho rằng những con số mà cô Thunberg nêu ra cần được kèm theo nhiều số liệu, dẫn chứng.
Tuy những con số được trích dẫn cho thấy Trung Quốc vượt trên Mỹ và Ấn Độ về vấn đề khí thải, song China Daily giải thích rằng Trung Quốc vẫn có lượng khí thải bình quân đầu người thấp hơn Mỹ.
China Daily cũng đưa ra lập luận phản bác rằng Trung Quốc vẫn còn là một quốc gia đang phát triển, do đó sẽ tạo ra nhiều lượng khí thải hơn trong quá trình phát triển, giống như các quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia – trong đó có quê hương Thụy Điển của cô Thunberg - trong thời kỳ phát triển của họ.
Theo RT, Giám đốc Văn phòng của China Daily tại Liên minh châu Âu (EU), ông Chen Weihua, cũng “phản pháo” lại, cáo buộc cô Thunberg đã phát tán “thông tin sai lệch”.
“Xin chào, cô Greta, nếu cô đọc tiếng Trung và nhấp vào liên kết, cô sẽ thấy đó không phải là một bài báo của China Daily” – ông Chen cho biết, lưu ý rằng đó “là một bài viết của một tác giả trên mạng truyền thông xã hội sau đó đã được đăng lại trên trang web tiếng Trung hàng ngày [của China Daily] của Trung Quốc” và đã được “dẫn nguồn bài viết rõ ràng”.
“Điều này có nghĩa là cô Greta đang tweet về một câu chuyện có thông tin sai lệch” – ông Chen kết luận.
Theo Hoà Đặng (Pháp Luật TPHCM)