Từ sân bay quốc tế Changi để đến Geylang, khách có thể đi tàu điện ngầm (MRT) từ ga CG2, tuyến ký hiệu EW4 và dừng lại ở ga Aljunied, ký hiệu EW9. MRT là phương tiện di chuyển công cộng phổ biến ở Singapore, gồm 5 tuyến, mỗi tuyến được đánh dấu theo màu khác nhau. Tuyến từ sân bay Changi tới Aljunied có màu xanh lá cây.
Camera cảnh sát với biển cảnh báo gắn dày đặc ở Geylang |
Khu Geylang nhỏ hẹp, được phủ lên bởi một lớp cáu bẩn, nhếch nhác như không hề được gột rửa. Khách thảng hoặc đôi lần đã được nghe kể về Singapore sạch sẽ, quy củ, với mức phạt rất nặng đối với những người vi phạm. Ở Geylang, rác có thể được vứt mọi nơi trên đường phố. Hoạt động buôn bán tại đây thường được bắt đầu từ tầm 8h sáng nhưng chỉ đặc biệt trở nên nhộn nhịp, ồn ào về tối. Có cảm giác như vào đêm tối, Geylang mới sống cuộc sống của mình, thực sự khác với phần còn lại của Singapore.
Tại bốt cảnh sát Geylang Serai Neighbourhood, số 59 Sim’s, tiếp tôi là sĩ quan Benny Quah. To cao lừng lững, Benny Quah có khuôn mặt đặc biệt tạo cảm giác tin tưởng cho người đối diện. Nhíu mày khi nghe nhắc đến Geylang, viên sĩ quan này gật đầu khi nghe tôi nói có rất nhiều gái gọi ở khu vực này.
“Anh không nên uống rượu vào buổi tối ở nơi công cộng, mang ít tiền thôi khi ra đường, có thể đi chơi muộn nhưng tuyệt đối không nên theo các cô gái đó. Như thế, anh sẽ không gặp vấn đề gì cả” - Benny nói.
- Nếu tôi muốn có một cô gái thì sao?
- Thì anh sẽ có thể gặp vấn đề đấy!.
Thống kê của cảnh sát, năm 2013 riêng khu vực Geylang xảy ra 135 vụ giết người, cướp giật, hiếp dâm…Các vụ ẩu đả diễn ra như cơm bữa. Tình hình an ninh ở Geylang chuyển biến không đáng kể, bất chấp các chiến dịch của cảnh sát. Các vụ vây ráp diễn ra mỗi tuần, nhưng mọi thứ loanh quanh lại đâu vào đấy.
“Cứ tưởng tượng như anh bắt cá vậy. Bắt hết rồi, ít bữa lại có. Cá từ các nơi khác kéo về” - Benny nói.
Tờ Straitstimes của Singapore từng nhận định, Geylang còn bất ổn hơn cả khu vực Tiểu Ấn, vốn cũng đầy băng đảng và các loại tệ nạn. Tại Geylang, chiếm đông nhất là các băng đảng, du côn gốc Hoa và thứ đến là người gốc Ấn.
Buổi tối, gái mại dâm đứng dọc theo trục phố chính Geylang, tự do chào mời, chèo kéo và đôi khi, trêu chọc khách. Có cô nhoẻn nụ cười tươi tắn, cô phì phèo thuốc lá và cũng có người vẫn giữ khuôn mặt lãnh đạm khi khách đi ngang…
Thoạt trông có vẻ mất trật tự, nhưng gái mại dâm ở Geylang hoạt động quy củ theo từng khu vực. Không có chuyện người này “lấn chiếm” vị trí của người kia. Trên trục phố chính Geylang, các cô đứng tự do ở các ngã 3 trong những bộ trang phục ngắn cũn, khuôn mặt phủ phấn son không che được vẻ nhợt nhạt.
Đêm đầu tiên tại Geylang, tôi được một tay buôn thuốc lậu Việt Nam “giới thiệu”, gái đẹp thường đứng nhiều ở Lorong 16-18. Các cô đứng ngoài mặt đường, “đẳng cấp” cũng cao hơn so với những cô phải đứng trong các góc tối, với giá khoảng 50 đô-la Singapore (tương đương 780.000 đồng). Một cuộc trao đổi, ngã giá đôi khi chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Khách sau đó được yêu cầu đi theo tới 1 địa điểm thường cách đấy không xa.
Minh, một thanh niên người Việt Nam sống tại Lorong 6 nói với tôi, nhiều cô thuê phòng trong các căn hộ ngay tại Geylang để “làm việc”. Khu vực này cũng nhan nhản các nhà nghỉ, khách sạn. Chuỗi khách sạn tính giờ Fragrance xuất hiện khá nhiều ở Geylang. Cảnh sát Singpore cho biết, các loại hình này khiến việc kiểm soát mại dâm ở Geylang trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Đi sâu vào các ngõ tối, gái mại dâm đứng dọc hai bên đường, lẩn sau các tán cây thấp, hoặc thậm chí ngồi trên những chiếc ghế nhựa ngay sát lề đường. Dân chuyển giới nhan nhản. Rất dễ nhận ra các “cô” này với nét đặc trưng cao ráo nhưng vai thô và giọng thì không lẫn vào đâu.
Ở Geylang, gái mại dâm có thể đến từ nhiều quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, và Việt Nam…Đắt giá nhất là gái Trung Quốc nhờ dáng vẻ sạch sẽ, trắng trẻo. Một bác tài taxi nói với tôi, hoạt động mại dâm ở Geylang thời gian gần đây đã giảm phần nhộp nhịp, một phần do các chiến dịch truy quét của cảnh sát. Tại Geylang tồn tại 2 loại hình mại dâm song song, được cấp phép và không được cấp phép. Những người không được cấp phép phải ra đường kiếm tiền, dưới sự bảo kê của các tay ma cô, chăn dắt gái. Số khác hoạt động trong các quán đèn mờ nhan nhản trong các ngõ nhỏ. Việc chào mời khách diễn ra công khai cả ban ngày, nhưng chỉ thực sự mạnh vào buổi tối. Giá dịch vụ trong các quán này cũng cao hơn, dao động từ 70-80 đô-la Singapore.
Đêm thứ 3 ở Geylang. Tôi bắt gặp một cô gái đứng đợi khách ở đầu Lorong 18. Áo phông cổ tròn, váy dài quá gối, trang phục của cô khá kín đáo so với nhiều đồng nghiệp hành nghề ở khu vực này. Khuôn mặt không thực xinh, nhưng ưa nhìn với nước da rám nắng, chút duyên ngầm sau nụ cười. Câu chào khách bằng tiếng Tàu nhưng không giấu được chất giọng Việt và cũng chỉ phút chốc, Lan (tôi không chắc đây có phải tên thật của cô không) cũng nhận ra tôi là người đồng quốc. Chút bẽ bàng thoáng qua nét mặt. Tôi cũng ngượng ngùng.
Cướp hiếp, giết người, ẩu đả…Geylang như một thế giới tách biệt với xã hội hiện đại, quy củ và thượng tôn pháp luật ở Singapore. Trong mớ hỗn độn đó, có một bộ phận người Việt.
Giới chức Singapore không bàng quan với tình trạng ở Geylang. Bằng chứng là các cuộc truy quét, bắt giữ tiến hành thường xuyên ở khu vực này. Thế giới ngầm ở Geylang vẫn như một con đỉa, rất khó trừ, diệt.
Nếu như trong buổi sáng, Geylang hiền hoà hơn với những cửa hàng, shop quần áo, các quán ăn nhộn nhịp kẻ ra người vào thì khi đêm xuống, nơi đây như được phủ lên một không khí nặng mùi, cảm giác ngột ngạt bám đuổi khách lạ, đến mức kinh sợ. Những thanh niên xăm trổ đầy mình, dân gốc Ấn, gốc Hoa lảng vảng, vạ vật ở mọi nơi. Nhiều quán ăn với mặt tiền mở ra đường phố chính, đằng sau được nối thông với các ngõ nhỏ nhếch nhác. Dân anh chị, hoặc đứng tụm năm tụm ba ở lối đi, hoặc ngồi trong các quán nhỏ. Người yếu bóng vía sẽ không dám đi lại qua các ngõ vắng ở Geylang.
Số liệu của cảnh sát Singapore cho biết, xã hội đen ở Geylang chiếm số đông là các băng đảng gốc Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Dân gốc Ấn, da ngăm đen, ăn mặc bụi bặm. Các tay anh chị người Trung Quốc thảnh thơi hơn, cũng xăm trổ đầy mình, nhưng dữ tợn, tàn ác nhất khi hữu sự. Một bộ phận không nhỏ người Việt Nam ở đây hành nghề đánh bạc trong các ngõ nhỏ.
Ẩu đả diễn ra như cơm bữa, đến mức giới chức Singapore phải ra lệnh cấm uống bia rượu ở nơi công cộng tại Geylang, theo giờ và theo ngày. Lệnh cấm được dán ở nhiều nơi trong khu vực. Geylang cũng là nơi duy nhất ở Singapore, camera của cảnh sát được lắp chằng chịt với biển báo “Police cameras in operation”.
Không khó để gặp người Việt đang học tập và lao động ở Singapore. Tại metro thuộc trung tâm thương mại ở Tổ hợp thể thao quốc gia Singapore (Sport-hub), tôi gặp cô bạn Nguyễn Bích Duyên (TPHCM) đang thực tập làm thu ngân. Duyên cho biết đã trúng tuyển khóa học marketing của chính phủ Singapore khi học tiếng tại đây. Ngoài việc thực tập thu ngân ở metro với mức lương tằn tiện đủ ăn tiêu, Duyên còn kiếm thêm nhờ tận dụng căn hộ bố mẹ mua cho ở Singapore để cho thuê. Cũng có thể bắt gặp ở một quán ăn nào đó tại Geylang, nhân viên phục vụ, hoặc cả những phụ nữ bán tăm dạo là người Việt Nam. Số lượng người Việt hoạt động bất hợp pháp ở khu vực này không nhỏ.
Chỉ một đoạn khoảng 100m từ Lorong 16 đến Lorong 14, một buổi tối có thể có đến 4 “xới” bạc. Hình thức quen thuộc là xúc xắc. “Tổ bạc” diễn ra trên một miếng ván gỗ rộng chừng 4m2, đặt trên dăm chiếc ghế. Hai kẻ đứng “cái”, một giữ nhiệm vụ tung xúc xắc, một thoăn thoắt đếm tiền. Khách được đặt tuỳ ý, nhưng thường từ 10-50 đô-la Singapore. Khi có báo động, các tấm ván gỗ lập tức được hạ xuống, vứt qua đường phi tang. Buổi tối thứ 5 ở Geylang, chúng tôi đếm được 3/4 xới bạc ở đây do người Việt làm “cái”.
Chúng tôi rời Geylang sau 1 tuần ở đây để chuyển qua trú ở một địa chỉ mới trên đường Waterloo. Tại đây, các cao ốc hiện đại, sang trọng mọc trên những tuyến đường sạch sẽ, quang đãng và nhộn nhịp người qua lại. Không thể nghĩ rằng, chỉ cách đấy không xa, có một khu “đèn đỏ” Geylang.
Ở Việt Nam, cơ quan điều tra từng phát hiện và triệt phá các đường dây đưa phụ nữ sang Singapore bán dâm. Cũng không ít trường hợp sử dụng visa du lịch để nhập cảnh vào Singapore, làm ăn một thời gian trước khi quay về rồi lại tiếp tục trở lại. Cơ quan xuất nhập cảnh Singapore đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này, nhưng vẫn có những trường hợp trót lọt. |