Maria Teresa Giglio (58 tuổi) có một thói quen mỗi ngày là truy tìm những gã đàn ông đang cố gắng xem đoạn băng sex của con gái mình. Bà bắt đầu bằng việc tìm kiếm tên con gái mình: Tiziana Cantone. Sau đó, bà tiếp tục lùng sục khắp các trang web để tìm ảnh của Tiziana và cố gắng truy tìm các kênh hay những trang cá nhân vẫn còn đang lưu giữ video của con gái mình.
Bà tìm thấy một chiếc bình luận vừa được đăng tải dưới bài viết về Tiziana trên Facebook: “Tôi có thể lấy link video đó ở đâu?”. Maria lập tức chụp 3 bức ảnh màn hình: ảnh chụp bình luận, ảnh của người đã bình luận mà qua ảnh đại diện của anh ta, bà đánh giá đây là một thanh niên có vẻ ngoài chỉn chu, và ảnh của một thanh niên khác với một cô gái mà Maria cho là bạn gái của anh ta.
Maria đã chia sẻ 3 bức ảnh chụp màn hình đó trên chính tài khoản của mình như một bằng chứng cho thấy rằng mọi người vẫn đang nói về Tiziana. “Anh ta trông như những gã thanh niên “tốt” bình thường khác mà tôi nhìn thấy trên Facebook. Những người luôn có những bức ảnh tạo dáng và cười với nửa kia của mình nhưng chỉ ít phút sau lại muốn xem video sex của con tôi”.
Cuộc đời rơi vào bi kịch vì clip sex
Ba năm trước, Tiziana – một cô gái trẻ người Ý tràn đầy năng lượng, quản lý nhân viên cho cơ sở kinh doanh của gia đình tại Naples, Ý – đã gửi những video nhạy cảm của mình đến 4 người khác trên ứng dụng Whatsapp. Những video này cho thấy cô đã quan hệ với vài người đàn ông, dù không thấy mặt cô nhưng những người đàn ông khác đều có thể nhận diện được. Bạn trai cũ của cô Sergio Di Palo là một trong những người nhận được các video đó dù không rõ anh ta có xuất hiện trong các video đó hay không.
Chỉ vài tuần sau đó, những đoạn video đã được chia sẻ liên tục trên Whatsapp và tất cả các trang web người lớn. Tin đồn lan truyền khắp nơi, xoay quanh việc ai đã đăng các video đó lên mạng: Phải chăng Tiziana đã gửi chúng cho Di Palo vì ghen tuông, giận dữ? Liệu có phải Di Palo hay ai đó đã đăng tải chúng lên sau khi cặp đôi chia tay? Tiziana thực chất muốn trở thành sao khiêu dâm? Chẳng thể làm rõ được những điều đó và những video nhạy cảm vẫn cứ tiếp tục lan truyền trên Facebook, Instagram. Chẳng bao lâu, Tiziana đã thực sự trở thành hiện tượng internet.
Trong một video, Tiziana đã nhìn vào camera cười và nói: “Đang quay phim à? Hay đấy”. Câu nói này đã trở thành chủ đề của một cuộc tranh luận khắp nước Ý về cách nhìn nhận của xã hội về những người phụ nữ có quyền quan hệ tình dục tự do theo ý muốn. Thậm chí nó còn trở thành ảnh chế, các clip parody cũng bắt đầu xuất hiện trên YouTube và được in trên áo phông, case điện thoại bán rầm rộ trên eBay.
Sau 1 năm, Tiziana vẫn không được yên. Cô phải bỏ việc, đến Tuscany ẩn náu và phải đổi cả tên. Cô thường xuyên nhấn nút báo cáo các bài viết trên mạng xã hội nhưng một mình cô chẳng thể nào ngừng được việc các video cứ thế phát tán khắp internet. Cuối cùng, cô quyết định khởi kiện, tiến hành các cuộc chiến kiện lại bạn trai cũ, các công ty công nghệ và cả chính quyền địa phương vì vai trò của họ trong việc cho phép các video được chia sẻ.
Ngày 5/9/2016, Tiziana đã giành được “quyền được quên lãng” – một phán quyền gây tranh cãi, được sử dụng rộng rãi ở Liên minh châu Âu, cho phép mọi người yêu cầu xoá bỏ các đường dẫn khỏi công cụ tìm kiếm và các trang web. Một toà án đã yêu cầu các video phải được xóa khỏi Google và Facebook cũng như các website khác.
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sự vui mừng của gia đình chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn. Tòa án cũng yêu cầu Tiziana phải trả 20.000 euro (562 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) tiền phí kiện tụng. Và chỉ 1 tuần sau đó, Tiziana tự sát.
Cuộc chiến không hồi kết của người mẹ mong đòi lại công bằng cho con gái
Trong 1 năm rưỡi sau cái chết của Tiziana, sự nổi tiếng của cô, cũng giống như những hiện tượng viral khác, cuối cùng cũng bắt đầu mờ đi. Nhưng với bà Maria, cái chết của con gái chỉ là sự khởi đầu mà thôi. Bà quyết định theo đuổi một vụ kiện tục mới: quy trách nhiệm về các công ty công nghệ khi họ không xóa những video của Tiziana nhanh chóng. Trong khi các trang như Google, Facebook có thể xóa các kết quả tìm kiếm và các bản copy của video, bà Maria lại cho rằng trách nhiệm của họ như một phần của quyền bị lãng quên là xóa đi các meme, các video parody và những tàn dư rải rác của công nghệ trong việc nhận diện Tiziana.
Cuộc chiến của bà Maria đã mang vụ việc của Tiziana trở thành vụ việc thách thức hàng đầu trong cuộc thảo luận về quyền được lãng quên. Liệu có thể yêu cầu một thứ gì đó bị xóa khỏi internet khi nó đã được tái tưởng tượng, phối chỉnh lại và chuyển thành ảnh chế trên hàng ngàn trang web không? Đâu là hành động đúng đắn khi nguồn gốc nỗi đau của gia đình trở thành một phần của văn hoá?
Khi những video đầu tiên của Tiziana bắt đầu xuất hiện trên internet, cô đã phải chạy trốn về nhà mẹ là bà Maria. Địa chỉ email của Tiziana chưa bao giờ được đăng tải, công bố nhưng mọi người vẫn tìm thấy nó và gửi những lời đe dọa sẽ thủ tiêu cô. Cô tắt luôn điện thoại khi Instagram và Facebook của cô tràn ngập những lời thóa mạ từ những người xa lạ. Ở các trung tâm mua sắm, mọi người nhìn chằm chằm vào cô, lấy điện thoại ra để chụp ảnh người phụ nữ mà họ đã thấy trên internet. Nhà thờ địa phương là nơi duy nhất cô có thể đến mà không bị tiếp cận.
Bà Maria giờ sống trong một căn biệt thự cùng chị gái đã 91 tuổi tại một tỉnh của Mugnano di Napoli – một nơi hẻo lánh ở ngoại ô Naples được trang trí với những bức tranh được vẽ lên tường và những con đường rải sỏi đá. Bà Maria đã tự mình nuôi nấng Tiziana – đứa con duy nhất của bà. Tiziana trở về để sống cùng gia đình suốt những năm tháng trưởng thành. Bà Maria nhớ lại mình và con gái đã từng cùng nhau đi nhiều nơi, gọi điện thoại mỗi ngày. Mối quan hệ của họ thân thiết “như chị em vậy”. “Khi con về nhà, mẹ con tôi cùng ngủ cùng nhau, rồi chúng tôi sẽ thức dậy và trò chuyện về cuộc đời”, bà Maria kể lại.
Với bà Maria, Tiziana là một cô con gái tươi tắn và năng động dù ở khi bước vào tuổi vị thành niên, cô cũng từng rơi vào những khoảng thời gian tăm tối. Sau khi học khiêu vũ cổ điển, thể dục dụng cụ và đàn piano, Tiziana đăng ký vào Đại học Federico II ở Naples. Cô đã đi được nửa chặng đường để lấy bằng luật nhưng phải dừng việc học của mình sau khi cô bắt đầu rơi vào trầm cảm. Sự ra đi của ông – hình mẫu người bố trong Tiziana – đã khiến trái tim cô tan vỡ, bà Maria kể lại. Tiziana cũng mắc phải chứng lo âu, rối loạn ăn uống, đã từng có ý định tự tử 2 lần trước cái chết của mình.
Tuy nhiên, mối quan hệ của Tiziana và mẹ đã thay đổi từ khi cô gặp Sergio Di Palo và bắt đầu hẹn hò từ năm 2014. Theo bà Maria mô tả, mối quan hệ của cặp đôi không ổn định và Tiziana đã từng có lần thừa nhận rằng cô rất sợ hãi khi ở cạnh gã bạn trai.
Vào tháng 8/2014, Tiziana đã từ chối đi nghỉ mát cùng gia đình đến Capri và bà Maria tin rằng, quyết định đó xuất phát từ sự kiểm soát của Di Palo. Bà Maria cho biết: “Con gái tôi sợ hắn ta lắm”. Một điều đáng chú ý là Di Palo và luật sư của anh ta – Bruno Larosa – đều từ chối bình luận về những cáo buộc chống lại Di Palo trong câu chuyện này.
Khi những video của Tiziana bị lan truyền, truyền thông Ý đã đưa tin rằng cô gái trẻ đã sẵn lòng gửi chúng đến Di Palo và 4 người khác trên Whatsapp, nhưng chúng đã bị đăng tải trên internet mà không có sự cho phép của cô. Bà Maria tin rằng con gái của mình đã dùng chất gây nghiện khi các đoạn video bị ghi hình. Cô đã tự mình xem các video đó “để hiểu” và chuẩn bị thuốc an thần. “Tôi đã rất đau lòng khi thấy con như thế, khi biết con đã bị lợi dụng”, bà Maria chia sẻ.
Bà Maria nhận ra những dấu hiệu bất thường ở Tiziana ngay khi con gái trở về nhà. “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy con gái như thế. Con bé nhợt nhạt và đầy vết bầm tím. Tôi muốn đưa con đến bệnh viện nhưng con kiên quyết không chịu và khăng khăng: “Mẹ, làm ơn đưa con về nhà. Con muốn ngôi nhà của mình và con muốn mẹ. Đưa con ra khỏi nơi này đi mẹ””, bà Maria nhớ lại.
Một buổi chiều ngày 13/9/2016, chị gái của bà Maria đi vào phòng của Tiziana và phát hiện cô đã qua đời. Tang lễ của cô đã được phát sóng trên truyền hình nhưng chẳng thể nào diễn tả hết sự đau đớn của bà Maria khi đó.
Vụ tự tử của cô gái trẻ bị ức hiếp vì những video sex của mình đã trở thành tiêu điểm của các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới. Họ đề cập đến Tiziana với cụm từ đơn giản là “người phụ nữ Ý”. Các bản tin quốc tế đã lấy ảnh tự chụp của cô từ trang Facebook và xâu chuỗi lại những điều đau khổ mà cô đã trải qua. Ở Ý, sự chú ý đổ dồn vào Tiziana đã khiến cánh phóng viên vội vàng viết bất kì thông tin nào họ tìm thấy về cô, dù cho đó không phải là sự thật.
Vào thời điểm đó, bà Maria đã bị ám ảnh khi thu thập những tin tức được đăng trên các phương tiện truyền thông về nỗi đau của con gái mình. Bà tin rằng cánh phóng viên đã bôi nhọ danh dự con gái bà và muốn và muốn họ phải chịu trách nhiệm.
Bà từng theo dõi một nhà báo tên Elisa D’Ospina. Đây là một trong những người có lượng theo dõi lớn tiết lộ đầy đủ danh tính của Tiziana đầu tiên. Chính tầm ảnh hưởng của D’Ospina đã khiến cho những thông tin sai lệch về Tiziana lan truyền dữ dội hơn. Dù vậy, chính D’Ospina cũng cho biết rằng cô từng bị quấy rối khi tiết lộ thông tin cá nhân của Tiziana nhưng không bình luận thêm về quyết định này.
Một ngày sau cái chết của Tizana, Il Fatto Quotidiano trở thành một trong số ít những tờ báo yêu cầu tội danh cho vụ tự sát của Tiziana. Trong lời xin lỗi công khai, biên tập viên Peter Gomez của trang báo này thừa nhận rằng bài đăng của D’Ospina có nhiều sai sót, chẳng hạn như việc cho rằng những video của Tiziana là một phần của chiêu trò để cô trở thành ngôi sao khiêu dâm. “Thật đau đớn để nói rằng chúng tôi cũng đóng một trò dù là nhỏ trong tội ác được thực hiện bởi trang báo này”, Gomez viết.
Khi hành vi quấy rối ngày càng tăng lên, 2 mẹ con Tiziana đã theo đuổi “quyền được lãng quên” để Tiziana có được sự hậu thuẫn cũng như cho cô cơ hội tiếp tục sống. Quyền lợi này xuất phát từ ý tưởng rằng quyền riêng tư của một người sẽ không bị nguy hiểm bởi những nội dung không liên quan hay có hại mỗi khi ai đó tìm kiếm tên của họ trên internet. Nó có thể được sử dụng cho nạn nhân của các tội ác như trả thù tình (hành động quấy rối của những kẻ sau khi chia tay phát tán hình ảnh nhạy cảm của người cũ), khi nội dung riêng tư của nạn nhân có thể bị phát hiện bởi một hành vi tìm kiếm đơn giản như tên của họ trên internet.
Mặc dù được thảo luận như một khái niệm tại tòa án vào đầu năm 2006 nhưng phán quyết này chỉ được Tòa án Công lý châu Âu củng cố vào năm 2014 sau khi một người đàn ông Tây Ban Nha tên Mario Costeja González yêu cầu Google loại bỏ thông tin về lịch sử tài chính của anh ta. Kể từ đó, Google nói rằng họ đã nhận được hơn 655.000 yêu cầu tương tự. Con số này bao gồm gần 34.000 yêu cầu của các chính trị gia và quan chức chính phủ trong suốt 2 năm qua. Theo Google, các trang mạng xã hội, hướng dẫn, tin bài và các trang chính phủ đã tạo nên hầu hết các liên kết mà mọi người muốn xóa.
Những yêu cầu này gây tranh cãi bởi quyền được lãng quên đặt ra câu hỏi liệu ai sẽ có thể xác định điều gì là không liên quan hoặc có hại và ai sẽ được cấp quyền đó. Những người phản đối quyền này cho rằng loại bỏ những nội dung đó có thể xem là liên quan đến việc kiểm duyệt và giới hạn mọi người thoải mái tìm kiếm thông tin.
Sau cái chết của Tiziana, các công tố viên ở Naples mở một cuộc điều tra về tội “xúi giục tự sát”, một cáo buộc hình sự thường được sử dụng trong các trường hợp tử vong, nhưng cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp bị bắt nạt khủng khiếp như với Tiziana. 4 người đàn ông đã bị thẩm vấn, trong đó bao gồm cả bạn trai cũ của cô - Di Palo. Tại một thời điểm, công tố viên của bà Maria cố gắng ép buộc hãng Apple cho phép ông được quyền truy cập vào chiếc điện thoại iPhone đã bị khóa của Tiziana, với hy vọng có thể xác định người đầu tiên chia sẻ những video. Tuy nó không hiệu quả nhưng việc này đã đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến của bà Maria chống lại các công ty công nghệ lớn.
Google, Facebook và các trang web khác có nghĩa vụ xóa các nội dung nếu vi phạm các quy tắc của họ hoặc nếu họ được yêu cầu phải làm theo luật pháp. Trường hợp của Tiziana, Google nói rằng họ đã phản hồi nhanh chóng trước quyết định của tòa án để cho Tiziana quyền được quên lãng và xóa đi một số đường dẫn chỉ trong vài giờ. Họ cũng nói rằng trong khi các ảnh chế, video nhại lại và các nội dung khác về Tiziana vượt ra ngoài các video riêng tư – nội dung mà họ thường xóa theo phán quyết quyền được lãng quên – nhưng họ yêu cầu các liên kết dẫn đến các thông tin có vấn đề sẽ được gắn cờ bởi người sử dụng trước khi chúng bị gỡ xuống. Về phía Facebook, họ cho biết họ có cách tiếp cận không khoan nhượng với các nội dung về Tiziana được chia sẻ nhưng không bình luận chi tiết.
Vào ngày 25/5/2016, quyền được lãng quên đã được nâng cấp khi Quy định bảo vệ chung mới của Liên minh châu Âu có hiệu lực. Đây là là quy định của luật Liên minh châu Âu về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cho tất cả các cá nhân trong Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế châu Âu. Các công ty sẽ cần phải có kế hoạch cụ thể và minh bạch với người dùng về việc họ sẽ sử dụng thông tin cá nhân như thế nào và tiết lộ dữ liệu nào được lưu trữ trên đó. Luận cũng cho phép người dùng có quyền xóa dữ liệu của họ, bao gồm bất kì thông tin nào liên quan đến một người có thể được sử dụng để nhận dạng họ như tên, hình ảnh, bài đăng trên các trang mạng xã hội. Đó chính xác là những gì Tiziana đã đấu tranh.
Khi những yêu cầu đó được phê duyệt, bất kì công ty hay tổ chức nào nắm giữ hay xử lý dữ liệu ở châu Âu (dù cho công ty đó có trụ sở ở châu Âu hay không) sẽ được yêu cầu thực hiện theo luật châu Âu để loại bỏ các thông tin cá nhân có thể nhận dạng như những câu chuyện mới hay hình ảnh của một gương mặt liên quan đến yêu cầu mà không được chậm trễ quá mức. Nếu một công ty không nhanh chóng thực hiện, họ sẽ đối mặt với án phạt lên đến 20 triệu euro, hoặc 4% lợi nhuận năm trên toàn cầu, tuỳ thuộc vào mức độ họ không tuân thủ. Đối với Google và Facebook, con số đó có thể lên đến hàng tỷ euro.
Vào tháng 4/2018, 3 tuần sau khi xem xét kĩ lưỡng về các tranh cãi về dữ liệu khắp Facebook, CEO Facebook Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ áp dụng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư dữ liệu của EU trên toàn thế giới, yêu cầu người dùng xem xét thông tin về các lĩnh vực chẳng hạn như liệu họ có muốn tiếp tục chia sẻ thông tin hiện tại hay không và liệu họ có muốn sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt.
Không ai có thể nói rằng liệu quy định mới và nghiêm ngặt này có thể giúp cứu mạng của Tiziana hay không. Bà Maria cáo buộc rằng tốc độ lan truyền của các video và sự chậm chạp trong quá trình xoá chúng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của con gái bà. Bà lập luận rằng một số yêu cầu cần được lãng quên phải được các công ty công nghệ giải quyết với tốc độ nhanh hơn những công ty khác, chẳng hạn như trong trường hợp mạng sống của ai đang bị đe doạ. Bà cũng hy vọng những quy định mới và được sửa đổi sẽ ngăn chặn các trường hợp như Tiziana bị lôi ra trong các phiên tòa kéo dài, tốn kém suốt nhiều tháng, nhiều năm.
Tháng 12 năm 2017, một phiên tòa đã đưa ra phán quyết rằng không ai bị kết tội xúi giục tự sát trong cái chết của Tiziana. Tuy nhiên, bà Maria thời điểm đó vẫn đang làm việc với một công ty luật và Cristian Nardi – một chuyên gia an ninh mạng - trong việc theo chống lại Facebook Ý thông qua một cuộc điều tra với văn phòng công tố của thành phố. Họ cho rằng Facebook Ý đã khiến cho các video được lan truyền rộng rãi. “Không giống như các nước khác như Anh hay Mỹ, ở Ý không có luật chống lại trả thù tình. Các công ty công nghệ ở đây không được trông đợi hay thất bại trong việc loại bỏ nhanh chóng các nội dung tiêu cực để bảo vệ nạn nhân. Các quy trình hiện tại là quá chậm và nếu không được thay đổi, những gì đã xảy ra với Tiziana sẽ lại xảy ra nữa”, Nardi cho biết.
Bà Maria vẫn tiếp tục lùng sục tên con gái mình trên internet. Những bức ảnh chụp màn hình mà bà đã chia sẻ trên Facebook về gã thanh niên tìm kiếm các video của Tiziana đã nhắc bà về nhiệm vụ gần như bất khả thi mà bà phải đối mặt. Các video vẫn tồn tại trên một số trang web người lớn. Cái chết của Tiziana trở thành một mục trên Know Your Meme và cụm từ “You’re filming? Bravo!” (Đang quay phim à? Hay đấy?) đã xuất hiện trên từ điển Urban. Bà Maria nói rằng những tàn dư còn sót lại khiến bà không còn thể nhớ về con gái mình theo bà muốn “xinh đẹp và luôn tươi cười”.
“Tôi cũng đã chết vào ngày hôm đó rồi”, bà Maria nói về vụ tự tử của con gái. “Nhưng nếu vẫn còn sống, đó là bởi vì nó chắc chắn mang một ý nghĩa nào đó”.
(Nguồn: Atlantic)
Theo Đại Lâm Mộc (Pháp Luật & Bạn Đọc)