Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Indonesia là quốc gia Hồi giáo có 5% số binh sĩ và cảnh sát là nữ giới. Để có thể gia nhập lực lượng cảnh sát (trước đây) và quân đội, phụ nữ phải trải qua bài kiểm tra trinh tiết cho bác sĩ nam tiến hành.
Đó là những gì xảy ra với Rianti, một cô gái Indonesia tròn 20 tuổi vào năm ngoái. Cô luôn ấp ủ mơ ước được phục vụ trong quân đội Indonesia.
Khi Rianti đăng ký nhập ngũ ở Jayapura, thủ phủ của tỉnh Papua, ngày đầu tiên trôi qua khá yên bình với giấy tờ thủ tục. Nhưng khi nhìn thấy phụ nữ vào và ra khỏi căn phòng nhỏ, Rianti cảm thấy tò mò.
“Tôi không biết vì sao họ bị gọi vào phòng đó. Nhưng tôi nhớ khuôn mặt căng thẳng của họ khi trở ra ngoài”, Rianti nói
Đến lượt mình vào ngày hôm sau, Rianti bước vào phòng với 3 ứng viên nữ trẻ tuổi. Trong phòng có 4 bác sĩ, bao gồm 3 nam giới và một phụ nữ.
Rianti được yêu cầu cởi quần áo, chỉ mặc áo choàng để kiểm tra sức khỏe. Cô cảm thấy tim mình nhói đau khi biết mình sắp bị kiểm tra trinh tiết.
Khi Rianti nằm trên giường, một bác sĩ nam dùng hai ngón tay đưa vào trong âm đạo của cô để xác định xem cô còn nguyên vẹn hay không. Một nữ y tá cầm đèn pin trợ giúp đồng nghiệp, lẩm bẩm điều gì đó mà Rianti không nghe thấy.
“Tôi chỉ muốn mọi chuyện kết thúc nhanh nhất có thể. Đó là giây phút tồi tệ và dài nhất trong cuộc đời tôi. Tôi chưa bao giờ bị đàn ông chạm vào như vậy. Tôi cảm thấy xấu hổ và bị sốc”, Rianti nói thêm.
Đêm đó, cô hỏi bác mình cũng làm trong quân đội, rằng tại sao bác sĩ nam lại được kiểm tra trinh tiết phụ nữ. Người bác không giải thích mà chỉ nói rằng đó là quy định.
Chưa dừng lại ở đó, Rainti còn bị kiểm tra trinh tiết một lần nữa khi lọt vào trong phòng tuyển chọn. Đó là khi cô đến trụ sở của quân đội Indonesia ở Bangdung, tỉnh Tây Java.
“Lần này nhanh hơn và có bác sĩ nữ kiểm tra. Nhưng tôi vẫn phải cởi quần áo và có bác sĩ nam kiểm tra da hay ngực”, cô gái 21 tuổi nói.
Luật pháp Indonesia quy định ứng viên gia nhập hàng ngũ cảnh sát và quân đội cần phải khỏe mạnh về thể chất và do đó cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng.
Hình thức kiểm tra trinh tiết chỉ được hé lộ vào năm 2014 bởi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Lúc đó người ta mới biết lực lượng an ninh Indonesia không chỉ kiểm tra sức khỏe mà còn xem ứng viên đã từng quan hệ tình dục hay chưa.
Ủy ban Quốc gia Indonesia giám sát nạn bạo hành phụ nữ phản đối kiểm tra trinh tiết, nói rằng điều này là phân biệt với nữ giới. Bên cạnh đó, vượt qua bài kiểm tra này cũng không có nghĩa là ứng viên sẽ lọt vào hàng ngũ binh sĩ quân đội hay cảnh sát. Trong trường hợp trên, Rianti nói cô vẫn không đạt tiêu chuẩn.
Andreas Harsono, một nhà nghiên cứu Indonesia nói việc kiểm tra trinh tiết thực tế đã có từ cách đây hơn 5 thập kỷ. Vì không đủ bác sĩ quân y là nữ nên có tới 75% bác sĩ kiểm tra trinh tiết là nam giới.
“Tôi nghĩ quân đội không biết rằng không có gì đảm bảo việc biết rõ nam giới hay nữ giới còn trinh hay không”, ông Harsono nói.
Fitri Bintang Timurm, một nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế ở Jakarta nói, kiểm tra trinh tiết chỉ càng hạn chế phụ nữ gia nhập quân ngũ.
“Đối với một đất nước bảo thủ như Indonesia, phụ nữ và gia đình họ sẽ không chấp nhận bài kiểm tra như vậy. Cuối cùng chỉ có những con em trong gia đình có truyền thống trong lực lượng quân đội hay cảnh sát mới gia nhập”, bà Timurm nói.
Chính cảnh sát Indonesia cũng thừa nhận vấn đề và đã ngừng kiểm tra trinh tiết từ tháng 11.2017. Nhưng quy định mới có thể chỉ được áp dụng ở Jakarta và các thành phố lớn.
“Đối với một đất nước lớn như Indonesia, không dễ để phát hiện ra vấn đề”, các nhà hoạt động nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Indonesia, Thiếu tướng Sabrar Fadhilah nói công chúng đã hiểu lầm quy trình kiểm tra sức khỏe.
“Đó là kiểm tra sức khỏe và các bác sĩ cũng cần kiểm tra vùng kín của ứng viên, bao gồm cả ứng viên nam. Chúng tôi muốn có đội ngũ nhân lực chất lượng để phục vụ trong môi trường khắc nghiệt”, tướng Fadhilah nói.
Về phần mình, Rianti nói cô cảm thấy sốc với màn kiểm tra trinh tiết và sẽ không thử nhập ngũ lần hai. “Những người bạn mà tôi biết cũng không muốn kiểm tra một lần nào nữa. Chúng tôi không còn quan tâm đó có phải giấc mơ của mình hay không. Không cần thiết phải như vậy để vào quân đội”.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)