Tai họa xảy đến với người phụ nữ họ Ngô (Wu) đến từ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Người phụ nữ cho biết anh trai cô đã mang một ít đồ ăn nhẹ về nhà ở Tứ Xuyên trong dịp nghỉ tết Nguyên đán vừa qua.
Vụ việc xảy ra khi cô Ngô đang xem tivi trong phòng khách không bật đèn. Vì cảm thấy buồn miệng, cô với lấy gói kẹo mà anh trai mang tới để ăn vặt.Theo lời kể của cô gái, vì bao bì và hình dáng quả pháo trông giống món kẹo sữa khoai môn, loại kẹo mà anh em cô từng ăn khi còn nhỏ, người phụ nữ chẳng mảy may nghi ngờ cho đến khi cô cắn vào quả pháo, khiến nó phát nổ. Loại pháo này có tên shuang pao tức pháo nổ mà không cần châm lửa, có thể phát ra tiếng nổ lớn chỉ khi bị thả rơi hoặc chịu áp lực, chẳng hạn như bị giẫm lên. SCMP đưa tin.
Sự tiện lợi, độc đáo và hấp dẫn của loại pháo này trong các lễ hội đã khiến nó trở thành sự lựa chọn ưa thích cho những dịp như đám cưới, tiệc tùng và họp mặt gia đình, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên, cô Ngô kể lại: “Tôi đang xem TV ở nhà, đèn trong phòng khách thì tắt còn anh trai tôi lại cầm theo một túi đồ ăn nhẹ. Tôi nghĩ nó giống kẹo sữa khoai môn mà tôi thích hồi nhỏ, nên tôi mở một viên và cho vào miệng. Tôi cảm nhận được tiếng nổ trong miệng mình, sau đó là cảm giác đau rát”, Ngô kể lại.
“Lúc đó, tôi choáng váng. Thực ra, tôi không cảm thấy đau đớn gì cả, tôi chỉ ngửi thấy mùi thuốc pháo trong miệng. Miệng tôi sau đó bị tê dại và bên trong có vết xước, nhưng may mắn là tôi vẫn có thể ăn uống hoặc đánh răng”, cô tiếp tục.
Những bức ảnh của cô cho thấy các viên pháo được bọc trong màng nhựa phủ giấy bạc, mô phỏng theo bao bì thường dùng cho thuốc viên. Cô Ngô đặt câu hỏi dưới bài đăng của mình rằng tại sao những viên pháo này lại không được đặt trong hộp như các loại khác.
Vụ việc lan truyền trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của nhiều dùng mạng. Nhiều người đồng tình với cô Ngô rằng pháo loại này dễ bị nhầm lẫn với kẹo.
Một trong số các bình luận nhận xét: "Nếu là tôi thì tôi cũng nghĩ đây là kẹo và ăn nó mà không nghi ngờ gì".
Một người khác nói thêm: “Điều này thực sự đáng lo ngại. Bao bì rất giống thực phẩm, khiến người ta dễ nhầm lẫn và có thể vô tình ăn phải và điều này sẽ gây ra những nguy hiểm đáng kể. Rõ ràng là nó phải được dán nhãn 'vật liệu nguy hiểm'.”
Được biết, suốt hơn 1 tuần sau đó, cô Ngô chỉ ăn được bánh mì mềm với ngũ cốc lỏng. Cơn đau cũng khiến cô bị mất ngủ. Người phụ nữ muốn qua câu chuyện của mình để mọi người có thể cảnh giác, đặc biệt là những đứa trẻ hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn và chịu hậu quả như cô.
QT (SHTT)