Người phụ nữ họ Thiên, đến từ tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc Trung Quốc đã tố cáo bệnh viện nha khoa nơi mình làm việc có sự phân biệt đối xử về ngoại hình và sa thải cô sau ba tháng thử việc, Feidian Video đưa tin.
Một đoạn ghi âm do cô Thiên ghi lại được cô chia sẻ lên mạng cho thấy cô đang thảo luận vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động với một nhân viên thuộc bệnh viện được đề nghị giấu tên.
“Có phải tôi bị sa thải vì do quá béo nên không mặc vừa đồng phục hay không?” Cô Thiên hỏi.
“Cũng không hẳn vì lý do này, còn có lý do nữa là do cô thường hay đi muộn,” người nhân viên trả lời.
“Tôi đã bị béo phì từ nhiều năm rồi và không phải là chuyện lạ, nhưng chưa bao giờ tôi lại bị phân biệt đối xử vì điều đó.” Thiên thắc mắc.
“Chúng tôi không có bất kỳ thành kiến nào chống lại bạn,” Người nhân viên đáp lại.
Ngoài ra người nhân viên cũng cho biết thêm rằng bệnh viện cũng đã tìm một nhà thiết kế đồng phục mới sau khi những nhà may đồng phục thông thường trước đây không thể đáp ứng được số đo của Thiên, tuy nhiên nhà cung cấp mới này cũng không thể sản xuất được bộ đồng phục phù hợp với số đo của Thiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin.
“Chúng tôi thực sự không thể tìm được nhà cung cấp đồng phục nào phù hợp cho bạn.” Người nhân viên giải thích.
Theo SCMP đăng tải, Thiên bắt đầu thử việc tại bệnh viện vào tháng 11 năm ngoái, cô không được thông báo về bất kỳ một quy định nào về đồng phục hay hình dáng cơ thể.
Không những vậy, Thiên còn cho biết, bệnh viện nha khoa đã thỏa thuận với một nam nhân viên ngoại cỡ rằng anh ta có thể tiếp tục làm việc nếu cân nặng của anh ta giảm xuống dưới 90kg trước khi kết thúc thời gian thử việc.
Ngay sau khi đoạn video về câu chuyện của Thiên được đăng tải, đa số ý kiến đều đồng ý rằng nữ nhân viên này đã bị phân biệt đối xử trong công việc.
“Tại sao một hai tháng trước bệnh viện không từ chối nhận cô ấy vào thử việc?”Một ý kiến thắc mắc.
“Đồng phục công sở là một trong những lý do nhưng nghe có vẻ không thuyết phục.” Người khác nói.
Nạn phân biệt đối xử trong công việc ở Trung Quốc đã được chia sẻ trong nhiều câu chuyện và ngày càng phổ biến hơn khi những lao động trẻ tuổi ngày càng phản đối việc bị xem thường, SCMP đưa tin.
Hồi cuối năm ngoái, một phụ nữ ở Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc đã từ bỏ vị trí chuyên gia truyền thông ngay từ buổi đầu nhận việc vì bị ép phải đi cọ rửa nhà vệ sinh. Theo ban quản lý, đây là “việc mà nữ giới phải làm”.
Hay như vào tháng 7 năm ngoái, một phụ nữ khác ở Thành Đô, Tây Nam Trung Quốc, đã bị sỉ nhục và gắn với mác “bà tướng” trong một cuộc phỏng vấn xin việc sau khi cô cố gắng thương lượng về mức lương và các điều kiện phúc lợi khi làm việc.
Nhi (Nguoiduatin.vn)