Chuyện xảy ra ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Một cặp đôi yêu nhau đã lâu, được đôi bên gia đình chấp thuận, tác thành hôn nhân. Mọi thứ diễn ra vô cùng tốt đẹp. Cặp đôi quyết định tổ chức lễ cưới vào ngày 12/2/2022 vừa qua.
Trong ngày vui, chú rể háo hức đi đón dâu. Đến cửa nhà trai, quan khách rất đông chờ đón cô dâu và chú rể. Theo thông lệ, chú rể sẽ xuống xe hoa trước và dắt tay cô dâu vào trong nhà làm lễ. Thế nhưng tất cả mọi người chờ đợi hơn một tiếng không thấy cô dâu đâu. Thì ra, cô dâu vẫn ngồi trên xe hoa không chịu xuống bởi nhà trai chưa đưa đủ sính lễ.
Trước khi xuống xe hoa, cô dâu yêu cầu chú rể phải đưa cho mình số tiền 66.000 tệ (khoảng 240 triệu đồng). Đây là số tiền không hề nhỏ và gia đình nhà trai khó có thể chuẩn bị đủ để đưa cho cô dâu ngay lập tức.
Thấy thái độ khăng khăng của con dâu, bố chú rể rất buồn, ôm mặt khóc vì xấu hổ và ngại ngùng.
Được biết, số tiền cô dâu đòi trước khi xuống xe hoa là tiền sính lễ mà hai bên gia đình đã thương lượng từ trước. Nhà trai đã tuyên bố khi cặp đôi cưới nhau, gia đình họ sẽ tặng cô dâu và nhà gái một ngôi nhà, một chiếc xe hơi, 260.000 tệ (khoảng 930 triệu đồng) tiền đính hôn, 100.000 nhân dân tệ (khoảng 360 triệu đồng) tiền lên xe hoa và 66.000 tệ (khoảng 240 triệu đồng) tiền xuống xe hoa.
Vậy nên, khi đến trước cổng nhà trai, không thấy chú rể đưa số tiền đó, cô dâu mới thắc mắc. Đó là số tiền hai bên đã thương lượng không phải tiền phát sinh. Cô dâu cho rằng mình nên nhận được số tiền đó mới xuống xe hoa là điều hợp lý.
Chú rể thì lại nghĩ cô dâu quá tham lam khi gia đình mình đã cho cô rất nhiều sính lễ nên không muốn đưa. Bố chú rể cũng không thể chuẩn bị số tiền đó ngay lập tức. Nhưng trước sự kiên quyết của con dâu và sợ quan khách đợi lâu, ông đành nhấc điện thoại lên gọi điện vay bạn bè, người thân.
Một lúc sau, ông mới gom đủ số tiền để chuyển khoản cho con dâu với hi vọng đám cưới được diễn ra suôn sẻ.
Câu chuyện sau khi được đăng tải đã gây tranh cãi trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Đa số cho rằng cô dâu quá tham lam vì gia đình nhà trai đã bỏ ra nhiều tiền cho đám cưới này. Số ít bênh vực cô vì cho rằng đó không chỉ là phong tục mà còn là trách nhiệm với lời hứa của nhà trai và chú rể. Nếu chú rể không thực hiện thì tức là anh không coi trọng lời hứa hoặc chỉ "nói cho có".
Thật may, đám cưới sau đó tiếp tục được tổ chức, không ai phải quay về.
Theo Thanh Anh (VietNamNet)