Một cô bé có tên Genie Wiley đã rơi và trường hợp như thế, và khi câu chuyện về bé gái này được đưa ra ánh sáng, người ta không khỏi xót xa cho những gì cô bé tội nghiệp từng chịu đựng, cũng như hậu quả nó gây ra cho cả cuộc đời về sau này của em.
Vụ án của Genie được cho là một trong những trường hợp bạo hành trẻ nhỏ rúng động nhất trong lịch sử.
13 năm tuổi thơ bị trói trên ghế
Câu chuyện của Genie chỉ được Thế Giới biết đến vào ngày 4/11/1970, khi nhân viên xã hội vô tình phát hiện ra vụ việc.
Được biết, bố của Genie, Clark Wiley, là một kẻ đặc biệt nhạy cảm với âm thanh, đồng thời cũng không thích trẻ con.
Thế nhưng ngược đời thay, ông ta và vợ của mình lại sinh rất nhiều con, mà phần lớn trong số chúng đều đã chết vì không được chăm sóc. Genie là một trong số ít những đứa trẻ sống sót.
Vậy nhưng có lẽ em đã phải sống trong một cuộc đời mà sống còn không bằng chết.
Ngay từ khi mới sinh ra, người bố độc ác của Genie đã tự nhận định rằng em là một đứa trẻ thiểu năng dù không có cơ sở khoa học nào chứng minh cho điều đó. Ông ta trói em vào ghế và đánh em bằng chiếc gậy bóng chày nếu em phát ra bất cứ tiếng động nào.
Khi Cục bảo vệ quyền trẻ em tham gia vào vụ việc, người ta phát hiện ra rằng mặc dù đã 13 tuổi, nhưng cơ chế hành vi của Genie chỉ ngang một đứa trẻ sơ sinh.
Em không biết gì về Thế giới xung quanh và cũng gần như không có khả năng ngôn ngữ. Genie chỉ nói được khoảng 20 từ, trong đó có các từ như: mẹ, nước cam, đi, đừng, dừng lại...
Cô bé tội nghiệp chỉ nặng vỏn vẹn 26 kg - mức cân thường gặp ở trẻ lên 7. Do bị trói qua lâu, em có dáng đi kỳ dị, còn đôi bàn tay thì lúc nào cũng buông thõng và khum khum.
Mẹ của Genie là một người đàn bà lớn tuổi với đôi mắt gần như mù lòa. Khi được tra hỏi, bà khai rằng vì đôi mắt không nhìn rõ mà bà không thể ngăn cản việc làm của chồng, đồng thời cho biết chính mình cũng là nạn nhân của sự bạo hành và đổ mọi tội lỗi cho người chồng độc ác.
Ngay sau khi chính quyền phát hiện vụ việc, Clark Wiley được xác nhận đã tự sát tại nhà riêng. Được biết, hắn ta đã để lại một mẩu giấy trước khi chết với nội dung: "Thế giới sẽ không bao giờ hiểu được".
Quãng thời gian tìm lại tiếng nói và hòa nhập cuộc sống
Sau khi được giải cứu, vụ việc của Genie được biết đến rộng rãi và thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận cũng như cộng đồng khoa học.
Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (The National Institute of Mental Health) đã lập một quỹ để tài trợ cho việc nghiên cứu trường hợp mất khả năng ngôn ngữ của Genie cũng như giúp đỡ em tái hòa nhập cuộc sống.
Em dần dần học được những thứ cơ bản nhất như tự mặc quần áo và đi vệ sinh. Vài tháng sau, Genie đã có thể tự làm và nhận biết được nhiều thứ hơn tuy nhiên khả năng ngôn ngữ của em vẫn không mấy tiến triển.
Các nhà khoa học kết luận rằng, do bị cách ly với ngôn ngữ từ khi rất nhỏ, Genie đã bỏ qua giai đoạn quan trọng nhất và nhanh nhất để tiếp thu ngôn ngữ, vậy nên việc nắm bắt lại trở nên rất khó khăn.
Susan Curtiss là một trong hai nhà ngôn ngữ học được phân để giúp đỡ Genie trong giai đoạn ấy. Susan dạy em từ những từ đơn giản nhất, sau đó dần dần tìm cách ghép 2 từ vào nhau. Sau 1 năm được dạy, Susan ghi nhận lần đầu tiên Genie tự nối được 3 từ vào với nhau.
Đây là những từ được Genie sử dụng để miêu tả lại quãng thời gian còn sống với cha:
"Bố đánh tay. Gậy lớn. Genie khóc. Bố lấy gậy. Bố đánh Genie. Gậy gỗ lớn. Đánh vào mặt. Khóc. Tôi khóc"
Sau một khoảng thời gian ở tại bệnh viện, Genie được về sống tại nhà Jean Butler, một chuyên gia ngôn ngữ khác cũng đang giúp đỡ em trong việc học.
Tuy nhiên, không lâu sau, đội ngũ nghiên cứu trường hợp của Genie tố cáo rằng ông Butler có hành động ngăn cản sự nghiên cứu của đội, gây khó khăn trong việc gặp gỡ và tiếp xúc với cô bé.
Họ cho rằng ông Butler đang muốn độc chiếm Genie để cướp hết công trạng cũng như giành được danh tiếng.
Genie sau đó đã được phân đến nhà một bác sĩ tâm lý học có tên David Rigler, nơi cô bé tiếp tục sống đến 4 năm sau đó. Vợ của bác sĩ Rigler là người đã góp công rất lớn trong việc dạy dỗ và giúp em hòa nhập cuộc sống.
Em bắt đầu biết nghe nhạc và thích vẽ. Tuy nhiên khả năng ngôn ngữ của em vẫn không có sự tiến triển lớn, cô bé có xu hướng thích vẽ ra những suy nghĩ trong đầu mình hơn là nói chúng ra bằng miệng.
Cuộc đời vẫn tiếp tục bất công với cô bé tội nghiệp
Không may mắn, vào năm 1974, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ quyết định rút lại sự tài trợ do không đạt được nhiều kết quả nghiên cứu từ trường hợp của Genie. Genie trở nên bơ vơ do không có sự tài trợ nên được chuyển lại về sống với mẹ ruột.
Mẹ Genie sau đó đã kiện đội ngũ nghiên cứu cũng như bệnh viện nơi em từng ở với tội danh có những thử nghiệm quá đà trên cơ thể em nhưng vụ án không đi đến đâu.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, do mẹ của Genie cảm thấy quá khó khăn trong việc nuôi nấng và chăm sóc cô bé nên em bắt đầu bị chuyển qua nhiều nhà nhận nuôi khác nhau.
Trong quá trình này, em tiếp tục bị bạo hành và ngược đãi, thậm chí còn có trường hợp bố mẹ nuôi đánh em đến mức nôn cả thức ăn ra ngoài. Cô bé tội nghiệp lại quay trở về bản tính thu mình và khép kín như ban đầu.
Đến hiện tại, không ai biết chính xác tung tích của Genie. Nhà ngôn ngữ học Susan Curtiss đã dành hơn 20 năm tìm kiếm em nhưng vẫn chưa có kết quả.
Có một người giấu tên cho biết anh đã tìm ra địa điểm chính xác nơi Genie đang ở thế nhưng từ chối tiết lộ với lý do mọi người không nên tiếp tục đào bới quá khứ khi Genie đang sống một cuộc đời mà em cảm thấy yên ổn và hạnh phúc.
Theo May (Helino)