Mi-25 và sự "thèm khát" của phương Tây
Vào những năm 1980, khi còn chưa sụp đổ, Liên Xô vẫn duy trì các mối quan hệ hữu hảo với rất nhiều quốc gia châu Á và châu Phi. Ngoài mục đích ngoại giao thì còn có một ý đồ khác đó là bán vũ khí, trang thiết bị quân sự để làm đối trọng với phương Tây.
Libya là một quốc gia như vậy. Nước này đã chọn mua hàng loạt sản phẩm vũ trang từ Liên Xô, gồm cả các máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi cho lực lượng không quân.
Thời điểm đó, Liên Xô cũng đang trong tiến trình chào bán Mi-25 (NATO định danh là Hind-D), phiên bản xuất khẩu của trực thăng Mi-24.
Mi-25 là loại trực thăng độc nhất lúc bấy giờ vì ngay từ đầu nó đã được thiết kế là một máy bay tấn công vũ trang hạng nặng có thể mang theo tối đa 8 binh lính với đầy đủ vũ khí ngồi ở khoang ngay phía sau buồng lái.
Mi-25 có thể vận chuyển các đơn vị đặc nhiệm tới chiến trường và lưu lại ở đó thực hiện nhiệm vụ yểm trợ không quân hoặc thậm chí độc lập tác chiến giống như những chiếc AH-1 Cobra hai chỗ ngồi mà Quân đội Mỹ từng sử dụng trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Trong khi đó, Mỹ lại chủ yếu sử dụng các trực thăng như UH-1 Huey để vận chuyển và di tản binh lính khỏi chiến trường và thường chúng chỉ được vũ trang khá khiêm tốn so với Mi-25, với các súng máy gắn ngoài cửa giống vũ khí phòng thủ hơn là tấn công.
Thời điểm Mi-25 bắt đầu được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1970, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cùng với các cơ quan tình báo Anh đã tìm mọi cách để nắm bắt nhiều hơn thông tin về loại trực thăng uy lực này của Liên Xô.
Yêu cầu càng cấp bách hơn khi Ethiopia đã đưa một phiên phản Mi-25 xuất khẩu vào tham chiến thành công. Mi-25 sau đó cũng nhanh chóng xuất hiện ở Afghanistan trong chiến dịch can dự quân sự của Liên Xô tại đây. Nó đã được Moscow sử dụng tấn công rất hiệu quả các tay súng phiến quân Hồi Giáo ngay từ giai đoạn đầu cuộc chiến.
Thực tế đó càng hối thúc giới chức tình báo phương Tây phải có một cái nhìn cận cảnh, chi tiết hơn về Mi-25 cũng như khung sườn vũ trang hạng nặng của nó, nhất là với mục đích xác định xem liệu Mỹ có cần phải thiết kế lại hay phát triển một phiên bản tương tự để đưa ra chiến trường đối trọng với các khả năng của Mi-25.
Trực thăng tấn công Mil Mi-24 bảo vệ căn cứ không quân của Nga tại Syria |
Chiến dịch đánh cắp táo bạo của CIA
Thời cơ xuất hiện khi một chiếc Mi-25 của Libya được phát hiện đã bị bỏ lại lãnh thổ Chad (một quốc gia Trung Phi) năm 1987.
Về mặt lịch sử, Libya và Chad luôn luôn xảy ra xung đột. Mối quan hệ nhiều căng thẳng là nguyên nhân khiến các nhóm phiến quân do Libya hậu thuẫn liên tục phát động các cuộc tấn công lật đổ chính phủ Chad. Tuy nhiên, các nỗ lực từ phía Libya hòng chiếm đóng phần lãnh thổ thuộc về Cộng hòa Chad không phải lúc này cũng thành công.
Năm 1987, các binh lính Chad đã đánh bật được các lực lượng Libya ra khỏi biên giới của họ. Trong quá trình rút lui, Libya đã bỏ lại đây một số lượng lớn trang thiết bị quân sự, trong đó có một chiếc Mi-25 vẫn còn trong tình trạng tương đối tốt, đậu trên một phi trường dã chiến ở Ouadi Doum.
Sau khi xác nhận đúng thông tin, CIA đã nhanh chóng lên kế hoạch đánh cắp chiếc trực thăng trước khi Libya kịp phát hiện ra họ đã để mất nó.
Tất các những hoạt động này được thực hiện thông qua một chiến dịch bí mật. Sau khi thương thuyết thành công với chính phủ Chad thông qua các kênh ngoại giao, cùng với sự trợ giúp của Bộ quốc phòng Mỹ, CIA bắt đầu lên kế hoạch vận chuyển chiếc trực thăng qua một địa bàn do Mỹ kiểm soát rồi từ đó sẽ tháo rời, và phân tích chi tiết.
Chiến dịch bí mật được giao cho các phi công dày dặn kinh nghiệm của Trung đoàn không quân đặc nhiệm số 160 (Night Stalkers) của Lục quân Mỹ với mật danh "Mount Hope III".
Giai đoạn chuẩn bị được tiến hành vào tháng 4/1987 ở New Mexico. Các điều kiện thời tiết khí hậu kiểu sa mạc nóng bức ở đây khiến công tác huấn luyện có nhiều điểm tương đồng với thực tế. Những chiếc trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 Chinook đã được cải tiến để có thể vận chuyển chiếc Mi-25 nặng nề.
Chinook từng chuyên chở nhiều thiết bị quân sự với các khối lượng khác nhau, gồm cả xe quân sự Humvee. Thế nhưng, vẫn có sự khác biệt lớn giữa chiếc Humvee 4 bánh và chiếc trực thăng quá khổ Mi-25. Các móc cẩu cần phải gia cường thêm, động cơ cũng phải kiểm tra và hiệu chỉnh lại.
Hoạt động chuẩn bị chủ yếu diễn ra trong môi trường ban đêm và ánh sáng yếu. Đầu tiên, 6 thùng phi chứa nước cỡ lớn với khối lượng tương đương chiếc Mi-25 được móc vào bên dưới trực thăng Chinook. Các phi công Night Stalkers sau đó sẽ lái chiếc Chinook bay tới một Căn cứ hậu cần tiền phương (FSB) giả định.
Lần thử nghiệm đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Tiếp đến là thực hành mang theo một khung sườn thực thế giống với khung sườn của chiếc Mi-25 về kích cỡ, khối lượng và thực hiện bay thử nghiệm một lần nữa theo các điều kiện tương tự.
Night Stalkers lại một lần nữa chứng tỏ được khả năng của mình. Đợt diễn tập cho chiến dịch Mount Hope II hoàn thành, thậm chí vượt cả mong đợi của các sỹ quan giám sát đến từ CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngày 21/5, mệnh lệnh thực thi Chiến dịch Mount Hope III được Phòng Bầu Dục ban hành. Night Stalkers lập tức tập hợp lực lượng, đưa 2 chiếc trực thăng Chinook lên máy bay vận tải hạng nặng C-5 Galaxy, đầu tiên bay đến Đức rồi sau đó tới phi trường Ndjamena ở miền Nam Cộng hòa Chad.
Để chuẩn bị cho chiến dịch, Lục quân Mỹ đã triển khai tiền phương một đơn vị trinh sát làm nhiệm vụ sục sạo và rà soát các địa điểm xung quanh từ 2 tuần trước đó.
Chính phủ Pháp cũng quyết định hỗ trợ thêm cho sứ mệnh này bằng việc cử tới đây một đơn vị chiến đấu bao quát mặt đất và một nhóm chiến đấu cơ Mirage F.1 nhằm che chắn cho tất cả các máy bay có liên quan.
Một chiếc máy bay vận tải chiến thuật C-130 Hercules được bố trí đậu ở một trong những trạm tiếp nhiên liệu tiền phương (FARP) để tiếp dầu cho các máy bay Chinook khi chúng trên đường trở về FSB.
Sau khi tới Ndjamena vào ngày 10/6, các phi công của Night Stalker và phi hành đoàn cùng phối hợp chuyển các trực thăng Chinook ra khỏi chiếc máy bay vận tải Galaxy.
Ngày 11/6, nhóm tác chiến bắt đầu triển khai sứ mệnh như đã hoạch định. Night Stalkers sẽ bay khoảng hơn 800 km vào ban đêm và bắt buộc phải "hốt gọn" chiếc Mi-25 ngay trước khi trời sáng. Đội Chalk 1 bay trước tới Ouadi Doum để cảnh giới cho đội Chalk 2 đến sau và làm công tác chuẩn bị đánh cắp chiếc Mi-25.
Mặc dù phần lớn lực lượng đã bị đầy lùi khỏi biên giới Chad trong cuộc xung đột năm trước nhưng thời điểm đó Quân đội Libya vẫn duy trì một số lượng tương đối binh lính hoạt động tích cực trong khu vực.
Do vậy, bất cứ một sự động binh nào, dù nhỏ nhất cũng có thể sẽ làm bùng phát đụng độ vũ trang, thậm chí là một cuộc xung đột quốc tế nếu kế hoạch đánh cắp chiếc trực thăng quân sự Mi-25 với sự can dự trực tiếp của Mỹ bị bại lộ.
Sau khi xâm nhập vào Ouadi Doum, đội Chalk 1 bắt đầu rà soát khu vực và nhanh chóng tiếp cận chiếc Mi-25 trong khi đội Chalk 2 bay ngay phía trên, thả dây xuống để cho nhóm đột kích phía dưới chằng buộc chiếc trực thăng Mi-25. Sau khi yểm trợ cho Chalk 2 rút lui an toàn trở lại Ndjamena, Chalk 1 cũng cất cánh vút theo.
Đóng quân ở cách địa điểm diễn ra vụ việc chỉ vài km nhưng Quân đội Libya đã hoàn toàn không hay biết điều gì đang diễn ra.
Nhóm phi công Night Stalkers sau đó đã đưa cả trực thăng của họ và chiếc Mi-25 vừa đánh cắp được vào máy bay vận tải Galaxy, và chỉ trong vòng 36 tiếng đã trở lại đất Mỹ.
Chiến dịch đánh cắp chiếc trực thăng Mi-25 mang mật danh Mount Hope III đã diễn ra một cách hoàn hảo và đây cũng là lần đầu tiên các phi công đặc nhiệm của Night Stalkers sử dụng trực thăng CH-47.
Theo Trung Phạm (Soha/Trí Thức Trẻ)