Chuyện về vị Hoàng hậu vẫn được Ung Chính đế hết mực sủng ái dù không có con nối dõi, hậu thế lý giải có thể vì 2 nguyên nhân này

29/08/2021 21:56:03

Vị Hoàng hậu này đóng vai trò rất quan trọng cả trước và sau khi Ung Chính đế lên ngôi Hoàng đế. Hơn nữa, bà còn được người đời ca tụng là một bậc mẫu nghi thiên hạ hoàn hảo nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Có lẽ trong lịch sử Trung Hoa, đặc biệt là triều Thanh, hiếm có vị Hoàng hậu nào được tất cả mọi người kính nể cho tới lúc qua đời như Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu – thê tử đầu tiên của Ung Chính đế. Cuộc đời của bà có rất nhiều điều khiến cho hậu thế nể phục, đặc biệt là sự tôn trọng của một vị Hoàng đế máu lạnh như Ung Chính dành cho bà.

Cuộc đời của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu

Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu xuất thân từ gia tộc Ô Lạp Na Lạp thị danh giá, là tiểu thư của một gia tộc lập nhiều công lớn cho triều đình. Bản thân Ung Chính đế rất tự hào về dòng dõi của Hoàng hậu.

Vào năm 1691, dưới sự chỉ định của Hoàng đế Khang Hi, bà đã thành thân với Tứ a ca Dận Chân và được sách phong làm Đích Phúc tấn. Vào thời điểm đó, bà 10 tuổi còn Dận Chân 13 tuổi. Có thể nói rằng, bà và Ung Chính đế sau này vừa là bạn thanh mai trúc mã vừa là vợ chồng khi còn nhỏ.

Chuyện về vị Hoàng hậu vẫn được Ung Chính đế hết mực sủng ái dù không có con nối dõi, hậu thế lý giải có thể vì 2 nguyên nhân này
Tình cảm vợ chồng của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu và Hoàng đế Ung Chính rất tốt.

Tình cảm vợ chồng của bà và Dận Chân lúc đó rất hạnh phúc. Năm 1697, bà hạ sinh cho Dận Chân một người con trai tên Hoằng Huy. Sự ra đời của Hoằng Huy đã giúp cho Khang Hi đế phong tước Đa La Bối lặc cho Dận Chân.

Tuy nhiên, những tháng ngày vui vẻ và hạnh phúc bên con trai không kéo dài được lâu. Khi Hoằng Huy được 8 tuổi đã không may qua đời. Kể từ đó, bà không hoài thai thêm lần nào nữa. Mặc dù vậy, tình cảm Dận Chân dành cho bà vẫn không hề thay đổi.

Năm 1722, Tứ a ca Dận Chân được truyền ngôi báu và trở thành Hoàng đế, lấy niên hiệu Ung Chính, trị vì suốt 13 năm. Ông cũng sách phong bà làm Hoàng hậu, lấy niên hiệu Hiếu Kính Hiến.

Sau khi trở thành Hoàng hậu, bà sống được lòng tất cả mọi người, giúp Ung Chính đế cai quản hậu cung và trở thành hậu phương vững chắc. Bà đã ở bên cạnh Ung Chính đế từ lúc ông còn là Hoàng tử cho đến khi trở thành vua của một nước. 

Dù theo thời gian có những thứ đã thay đổi hoàn toàn, về địa vị, về sự ra đi của đứa con trai đầu lòng, về vinh hoa phú quý… nhưng tình cảm Ung Chính đế dành cho bà vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Điều này thực sự rất hiếm có ở một vị Hoàng đế khi bên cạnh luôn có hàng ngàn cung tần mỹ nữ xinh đẹp. Có lẽ vì trái tim vị tha, lòng khoan dung độ lượng, tính tình thiện lương và nhiều lý do khác đã giúp cho bà có một chỗ đứng không ai thay thế được trong lòng Ung Chính đế.

Tại sao Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu lại có vị trí quan trọng trong lòng Ung Chính đế?

Phần lớn thê thiếp của Hoàng đế để tồn tại được trong hậu cung và có chỗ đứng thường phải có một đứa con. Muốn củng cố vị trí của mình về lâu dài, hầu như phi tần nào cũng phải "mẹ nhờ con". 

Thế nhưng, điều đó có lẽ không đúng trong trường hợp của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu, dù đã mất đi đứa con trai duy nhất nhưng Ung Chính đế chưa bao giờ nghĩ tới việc phế hậu hay lạnh nhạt với bà, ngược lại vẫn rất tôn trọng và yêu thương.

Chuyện về vị Hoàng hậu vẫn được Ung Chính đế hết mực sủng ái dù không có con nối dõi, hậu thế lý giải có thể vì 2 nguyên nhân này - 1
Dù mất đi đứa con duy nhất nhưng Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu vẫn được Ung Chính đế yêu thương.

Vậy điều gì đã khiến cho một vị Hoàng đế nổi tiếng "nam tử hán, máu lạnh, tàn nhẫn" như Ung Chính đế vẫn một mực sủng ái Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu? 

Lý giải cho điều này, hậu thế sau này phỏng đoán có thể là 2 lý do như sau:

1. Lấy chữ hiếu làm đầu, nổi tiếng là người hiếu thảo

Theo ghi chép của nhà Thanh, vào tháng 10 năm Ung Chính thứ 9 (1731), Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu qua đời, hưởng thọ 51 tuổi. Ung Chính đế bày tỏ sự đau buồn tột độ, nghỉ triều 5 ngày, tất cả văn võ bá quan phải chịu tang 27 ngày. Ông cũng ban một chỉ dụ, trong đó bày tỏ sự tôn vinh những đức tính tốt của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu, nội dung như sau:

"Hoàng hậu Na Lạp thị không chỉ là mẫu nghi thiên hạ mà còn là một người bạn đồng hành mà trẫm rất tôn trọng. Sau 40 năm phụng sự Hoàng tổ tỉ Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu, Khang Hi đế cùng Hoàng tỉ Hiếu Cung Nhân Hoàng hậu nhiều năm đã luôn làm tròn bổn phận của mình, lấy chữ hiếu làm đầu, được mọi người vô cùng yêu mến".

Đối với Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu, Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu là cháu dâu, đối với Khang Hi đế và Hiếu Cung Nhân Hoàng hậu là con dâu. 

Với thân phận như vậy, Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu đã tuân thủ đúng nguyên tắc bổn phận làm con làm cháu của mình, lúc nào cũng hiếu thảo với người bề trên. Ngoài ra, trong thời nhà Thanh, người ta cực kỳ coi trọng chữ hiếu của đạo làm con cháu.

Với những gì mà Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu thể hiện, vị trí của bà trong lòng Ung Chính đế thật khó ai bì kịp.

Chuyện về vị Hoàng hậu vẫn được Ung Chính đế hết mực sủng ái dù không có con nối dõi, hậu thế lý giải có thể vì 2 nguyên nhân này - 2
Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu luôn lấy chữ hiếu làm đầu.

Khi Hoàng đế Khang Hi ban hôn cho Tứ a ca Dận Chân, ông cũng đặc biệt quan tâm tới gia cảnh của gia tộc Ô Lạp Na Lạp thị. 

Vào năm Khang Hi thứ 56, khi Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu qua đời trùng với sự kiện "Cửu tử đoạt đích". Lúc đó, Hoàng đế Khang Hi vẫn chưa xác định ai sẽ là người kế vị trong số 9 vị Hoàng tử. 

Tuy nhiên, những gì mà Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu đã thể hiện sự hiếu thuận của mình trong tang lễ của Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu đã khiến cho Hoàng đế Khang Hi lúc đó tin rằng, người con dâu này xứng đáng trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ tiếp theo. 

Sau đó, Hoàng đế Khang Hi đã truyền ngai vàng lại cho Tứ a ca Dận Chân – tức chồng của bà và là Ung Chính đế sau này.

Nói một cách khác, nhờ tấm lòng hiếu thảo nổi bật của mình đã góp phần giúp Tứ a ca Dận Chân lọt vào "mắt xanh" của Hoàng đế Khang Hi, trong lúc ông đang rối bời không biết chọn ai để truyền lại ngai vàng. Ở một mức độ nào đó, những hành động và việc làm của bà đã ảnh hưởng tới việc Hoàng đế Khang Hi chọn con trai thứ 4 là Dận Chân làm vị Hoàng đế tiếp theo.

2. Vừa là bậc mẫu nghi thiên hạ, vừa là hậu phương vững chắc

Sự hiếu thuận của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu không chỉ thể hiện ở việc mình là một người con dâu tốt mà còn là một người vợ đức hạnh. Khi nhận xét về bà, Ung Chính đế từng nói: "Tính tình ngay thẳng, cẩn thận, sống tiết kiệm, nhân hậu, chân thành, vị tha, tình cảm son sắt suốt 9 năm".

Khi Ung Chính đế chưa lên ngai vàng, bà đã nổi tiếng là một người vợ người mẹ tốt trong phủ. Sau này khi trở thành Hoàng hậu, dù sống trong cung đầy vinh hoa phú quý nhưng bà vẫn giữ thói quen sống cần kiệm, thường hay quan tâm đến người hầu. Bà quán xuyến hậu cung rất chu đáo, trở thành hình mẫu cho nhiều phi tần, thê thiếp khác noi gương theo.

Dễ dàng nhận thấy Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu không chỉ là mẫu nghi thiên hạ, làm gương cho tất cả mọi người mà còn là một người vợ dịu dàng mà người đàn ông nào cũng mong được lấy làm vợ.

Chuyện về vị Hoàng hậu vẫn được Ung Chính đế hết mực sủng ái dù không có con nối dõi, hậu thế lý giải có thể vì 2 nguyên nhân này - 3
Khi Ung Chính đế chưa lên ngai vàng, Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu đã nổi tiếng là một người vợ người mẹ tốt trong phủ.

Là một vị Hoàng đế hiếm có trong lịch sử triều đại nhà Thanh và lịch sử Trung Hoa, Ung Chính đế hầu như dành toàn bộ thời gian để giải quyết các công việc chính sự. 

Ông dồn hết tâm trí của mình cho việc nước, đương nhiên cần một Hoàng hậu có cả tài lẫn đức để đảm đương việc hậu cung. Ông được ví như "người đặt viên đá nền tảng cho nhà Thanh suốt 200 năm". 

Đằng sau sự thành công của Ung Chính đế là một hậu phương vững chắc của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu.

Hiểu được nỗi lòng này, Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu đã làm rất tốt vai trò của mình, sống được lòng tất cả mọi người. Ở cương vị Hoàng hậu suốt 9 năm và 40 năm chung sống với Ung Chính đế, bà luôn được mọi người không tiếc lời khen ngợi là người "sống đạm bạc, cần kiệm, nhân hậu, hiếu thảo".

Thử hỏi với một người vợ tài đức như vậy làm sao Ung Chính đế không khỏi cảm động. Sự chu toàn, hiếu thảo của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu đã làm giảm bớt đi nhiều căng thẳng của Ung Chính đế trong cuộc sống.

Hai nguyên nhân trên cũng đã phần nào nói lên được lý do vì sao Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu lại có một vị trí quan trọng trong lòng Ung Chính đế đến vậy. 

Một vị Hoàng hậu tài đức như bà dù không có con cái nhưng vẫn chiếm trọn trái tim của vị vua máu lạnh nhất trong lịch sử Trung Hoa.

(Nguồn: 163, QQ)

Theo Phan Hằng (Pháp Luật & Bạn Đọc)